Báo Sàn diễn 24 giờ
22:38 | 22-01-2019
Không chỉ là một thầy giáo giỏi chuyên môn mà thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa còn là một nhà quản lý có những khát vọng lớn lao muốn đóng góp nhiều hơn cho đơn vị của mình. Có thể nói, anh chính là người xây “thương hiệu” cho chính bản thân mình!
Chương trình nghệ thuật “Mai giao thừa rồi Tết” (học phần Đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật) của sinh viên khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật với chuyên ngành Tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Trường Đại học Văn hóa TP.HCM do thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa trực tiếp giảng dạy vừa diễn ra thành công và để lại nhiều ấn tượng đẹp cho những khán giả cũng như những nhà làm chuyên môn. Không chỉ là một thầy giáo giỏi chuyên môn mà Khoa còn là một nhà quản lý có những khát vọng lớn lao muốn đóng góp nhiều hơn cho đơn vị của mình. Hiện, ngoài công tác giảng dạy anh còn là người phụ trách Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật (QLVH,NT) Trường Đại học Văn hóa TP.HCM. Có thể gọi Trịnh Đăng Khoa là người xây “thương hiệu” cho chính bản thân mình.
Thạc sĩ – đạo diễn Trịnh Đăng Khoa
Xây dựng “thương hiệu” của Khoa Quản lý VH,NT bằng môn học thương hiệu
Năm 2011 khi nhận công việc phụ trách Khoa quản lý VH,NT một cách bất ngờ, lúc bấy giờ Trịnh Đăng Khoa cũng vừa hoàn thành việc học thạc sĩ từ Nga trở về bao nhiêu câu hỏi đã đặt ra: Làm sao để duy trì được một ngành học vốn là thế mạnh của Trường Đại học Văn hóa mà các thầy cô trước đây đã dày công xây dựng? Bên cạnh đó còn phải làm sao xây dựng các chuyên ngành, các học phần cho phù hợp với xu thế mới của thời đại. Vì đây cũng là lúc việc học tập và giảng dạy tại các trường Đại học có nhiều thay đổi, nhu cầu về ngành nghề của xã hội cũng cần những điều mới mẻ hơn, thiết thực hơn. Không còn cách nào khác, Trịnh Đăng Khoa và các đồng nghiệp dưới sự cố vấn của các “tiền bối” trong ngành giáo dục đã quyết tâm xây dựng các học phần mới cho đơn vị của mình. Các học phần này gắn với thực hành, thực tiễn và nhu cầu của xã hội trong đó có thể nói nổi bậc nhất đó chính là Học phần Tổ chức sự kiện và một số học phần chuyên sâu với ngành nghề tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa tinh thần.
Thạc sĩ -đạo diễn Trịnh Đăng Khoa đang chỉ đạo một chương trình cho sinh viên
Sinh viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật trường Đại học văn hóa TP.HCM vừa kết thúc một mùa “sự kiện” với các chương trình “Gọi tên ngày mới”, “Câu chuyện của những chiếc giày” (tại bệnh viện Phong Da liễu Trung ương 3, Làng phong Qui Hòa, Qui Nhơn), “Đại ngàn- khơi dòng yêu thương” tại xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng, “Vang mãi khúc quân hành” (giao lưu cùng các chiến sĩ hải quân lữ đoàn 125), “Cung thương hòa điệu” (giao lưu đờn ca tài tử – cải lương nhân 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam), “Đạ Đờn-Hơi ấm trao em” tại xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) phục vụ cho hàng ngàn khán giả là đồng bào, trẻ em nghèo các tỉnh thành, bệnh nhân tại các bệnh viện và các chiến sĩ hải quân. Số hiện kim vận động tài trợ lên đến vài trăm triệu đồng, nhiều hiện vật có giá trị đã được tặng cho các bệnh nhân, trẻ em và bà con vùng sâu vùng xa giúp họ có một mùa xuân hạnh phúc và cái Tết đầm ấm. Trong các chương trình ấy, ít nhiều điều có dấu ấn và đóng góp của thầy giáo, thạc sĩ – đạo diễn Trịnh Đăng Khoa vì nếu trước đây anh và các đồng nghiệp không quyết tâm thì học phần này chưa chắc đã ra đời kịp thời và mang lại hiệu quả như ngày hôm nay. Có thể nói học phần Tổ chức sự kiện là một trong các học phần “thương hiệu” của Khoa QLVH,NT nó đã vượt ra khỏi phạm vi của Trường mà các trường đại học khác trên địa bàn TP.HCM cũng đã tìm hiểu và bắt đầu đưa học phần này vào chương trình chính thức và mời các giảng viên của Khoa QLVH,NT đến trực tiếp giảng dạy. Hiện nay và trong thời gian tới học phần TCSK sẽ được giảng dạy tại phần lớn các Khoa của trường Đại học văn hóa TP.HCM.
Muốn có môn học thương hiệu thì thầy giáo phải có “thương hiệu”
Đó là quan niệm của thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa. Xây dựng chương trình hay mà không có giảng viên giỏi thì cũng bằng không, vì thế ngoài việc trực tiếp giảng dạy các học phần có tính thực hành cao thì anh còn là người đi tìm thêm những giảng viên có kinh nghiệm và bề dày thực tiễn về cộng tác. Nhiều đạo diễn nổi tiếng, các NSƯT, MC, những nhà quản lý giỏi như: NSƯT đạo diễn Trần Minh Ngọc, Thạc sĩ – Đạo diễn Hoàng Duẩn, Biên đạo múa Võ Nguyễn Thành Nhân, Đạo diễn Nguyễn Tuấn, vợ chồng Nhà giáo – Nghệ nhân ưu tú Nhứt Dũng – Kim Loan,…đã được Trịnh Đăng Khoa “dụ” về trường theo cái nghĩa rất tình thương mến thương “người có lòng với sinh viên” nên nhiều người mở lòng về cộng tác. Trịnh Đăng Khoa quan niệm thầy giáo giỏi thì mới có học trò giỏi, thầy giáo dạy chương trình thực hành ứng dụng thì phải giỏi thực hành chứ không chỉ lý thuyết suông. Muốn có môn học thương hiệu thì phải có thầy giáo có “thương hiệu”, “thương hiệu” của thầy sẽ thu hút đông đảo sinh viên theo học, thương hiệu của trường là do sinh viên có được nhiều việc làm sau khi tốt nghiệp. Thương hiệu đích thực, tự thân chứ không phải thương hiệu của các chiêu trò PR.
Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa cùng thạc sĩ – đạo diễn Hoàng Duẩn tại sự kiện “Xuân về trên đất biển Hà Tiên”
Ngoài việc tìm thầy giỏi về cho trò, Trịnh Đăng Khoa còn tự thân mình đi “học thêm” từ thực tiễn và kêu gọi, động viên giảng viên trong Khoa QLVH,NT hãy đi ra thực tế, xuống các cơ sở tham gia các chương trình nhiều hơn để học thêm kinh nghiệm. Các buổi thi thực hành của sinh viên trong Khoa QLVH,NT các giảng viên mặc dù không giảng dạy nhưng vẫn đi đến nơi sinh viên thi thực hành. Các cố vấn học tập phải luôn đồng hành cùng các em, kịp thời tư vấn cho sinh viên việc học, thực tập và tìm việc sau khi ra trường. Riêng Trịnh Đăng Khoa còn tham gia làm đạo diễn các chương trình nghệ thuật lớn như “Xuân về trên đất biển Hà Tiên” lễ hội đón giao thừa 2018; đồng đạo diễn sự kiện “20 năm Quả bóng vàng Việt Nam” 2016; Viết kịch bản cho chương trình “Ngày hội văn hóa đồng bào Kh’mer Nam Bộ 2018”…vv… Nhận lời làm giám khảo các cuộc thi cũng là một cách để anh trải nghiệm thực tế, là một người từng học sân khấu, Khoa mong một ngày sẽ trở lại với một vai diễn trên sân khấu…
Trịnh Đăng Khoa và các đồng nghiệp tại Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật trường Đại học văn hóa TP.HCM
Đau đáu với nghề, say sưa với Trường lớp, hết mình vì sinh viên, có một chút nóng tính và ôm đồm công việc… và tất cả đã tạo nên một Trịnh Đăng Khoa như hôm nay.
Anh Khôi