Nghệ thuật với truyền thông

Hội thảo khoa học

ĐHVH TP.HCM | 2013

NGHỆ THUẬT VỚI TRUYỀN THÔNG

1. Truyền thông (communication) có nghĩa là truyền đạt, thông báo, tuyên truyền, quảng bá thông tin, là quá trình chia sẻ ý tưởng hay hành động để đạt một mục đích nhất định nào đó thông qua việc trao đổi các thông điệp giữa các thành viên hay các nhóm người trong xã hội.

Truyền thông tạo nên những hiệu ứng xã hội khác nhau như: những phản ứng tức thời từ người tiếp nhận (sự bày tỏ thái độ, ý kiến, hay những trạng thái vui, buồn, thỏa mãn, hăng hái, háo hức, lo lắng, bi quan); hình thành thói quen, quan điểm, lối sống, nếp sống…; hình thành dư luận xã hội. Chính những vai trò này đã tạo nên cho hoạt động truyền thông các chức năng quan trọng cơ bản như: chức năng tư tưởng, chức năng giáo dục, chức năng giám sát và quản lý xã hội.

Truyền thông gồm năm yếu tố cấu thành: nguồn phát, thông điệp, kênh, đối tượng tiếp nhận, nơi tiếp nhận. Trong đó, nguồn phát mang thông tin tiềm năng và khởi phát nên quá trình truyền thông, cung cấp nội dung thông tin; thông điệp là nội dung mà khách thể tiếp nhận được qua trao đổi từ nguồn phát; kênh là phương tiện, đường truyền, cách thức chuyển tải thông điệp từ nguồn phát tới đối tượng tiếp nhận; đối tượng tiếp nhận là khâu cuối cùng của một quá trình truyền thông, quyết định hiệu quả của truyền thông; nơi tiếp nhận là địa điểm, vị trí, tọa độ, môi trường, xã hội của nguồn thu thập, thâu giữ thông điệp.

Hiệu quả của hoạt động truyền thông thể hiện qua hiệu ứng và hành vi xã hội của số đông công chúng sau khi tiếp nhận thông tin. Đồng thời, công chúng cũng chính là nhân tố tích cực, chủ động tạo nên hiệu quả của truyền thông thông qua thái độ ứng xử (chấp nhận hay từ chối) sản phẩm truyền thông mà họ đã được tiếp nhận. Trong bối cảnh xã hội ngày nay, trình độ nhận thức của công chúng ngày càng cao, họ có nhiều điều kiện, cơ hội để lựa chọn, suy xét và tiếp nhận thông tin. Do vậy, hoạt động truyền thông trong bối cảnh xã hội hiện nay muốn thu hút được sự quan tâm của đông đảo và đa dạng công chúng thì bên cạnh nội dung, thông điệp mà sản phẩm truyền thông đưa ra và mong muốn đạt tới thì yếu tố phương tiện – hình thái để vật chất hóa nội dung cũng cần được quan tâm, nghiên cứu và đầu tư đúng mức bởi nó đóng một vai trò hết sức quan trọng và là một trong những yếu tố mang tính quyết định hiệu quả truyền thông.

Bên cạnh phương tiện báo chí với những ưu thế thông tin kịp thời, chân thật, khoa học, thời sự, chắt lọc các vấn đề, sự kiện, hiện tượng của đời sống xã hội thì nghệ thuật – với tư cách là “một hoạt động nhận thức của con người bằng phương tiện hình tượng… với đối tượng phản ánh riêng, phương thức phản ánh riêng, có tác động đến thị giác và thính giác của những công chúng nhất định”[1] sẽ là một ưu thế lớn cho sự lựa chọn các phương tiện để tạo ra một sản phẩm truyền thông. Bởi, tác phẩm nghệ thuật bên cạnh việc thỏa mãn được các chức năng của một sản phẩm báo chí truyền thông, nó đồng thời còn đáp ứng và làm thỏa mãn đa dạng các nhu cầu của đại đa số công chúng trong xã hội tiêu dùng văn hóa hiện nay.

2. Nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội đặc biệt, dùng hình tượng sinh động, cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền đạt tư tưởng, tình cảm[2]. Như vậy, nghệ thuật chính là những sáng tạo phản ánh nhận thức của con người về thế giới khách quan và được tái hiện lại bằng những hình tượng cụ thể theo ý thức chủ quan của người nghệ sĩ. Hình tượng nghệ thuật chính là kết quả của quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, đồng thời cũng là thông điệp mà họ mong muốn chuyển tải tới công chúng. Cũng như báo chí truyền thông, nghệ thuật với vai trò truyền thông cũng phải mang tới cho đối tượng tiếp nhận một thông điệp cụ thể, thiết thực nào đó. Song, với báo chí những thông điệp đó có thể dễ dàng và nhanh chóng được nhận diện ra trong khi đối với nghệ thuật sự nhận diện và giải mã những thông điệp mang tính hình tượng nghệ thuật đòi hỏi công chúng phải có một trình độ nhận thức thẩm mỹ nhất định. Yếu tố này, ở một chừng mực nào đó có thể là lực cản cho sự lựa chọn phương tiện để truyền thông, nhưng mặt khác có thể lại là lực đẩy để góp phần nâng cao dân trí, phát triển trình độ và năng lực tiếp nhận thông tin của công chúng.

Nghệ thuật với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, một bộ phận của văn hóa tinh thần với những chức năng cơ bản như: chức năng nhận thức và dự báo, chức năng thẩm mỹ và giải trí, chức năng giao tiếp và giáo dục. Với những chức năng này nghệ thuật không chỉ có thể đáp ứng các yêu cầu để trở thành một phương tiện hữu dụng của truyền thông mà còn được xem như là một trong những đích đến của truyền thông. Bởi, phương tiện truyền thông càng đa dạng, khả dụng và hấp dẫn thì sản phẩm truyền thông càng mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, nghệ thuật truyền thông không chỉ tác động vào trí tuệ của con người mà còn hướng đích đến tác động vào toàn bộ đời sống tinh thần, hướng con người đạt tới cái đích của chân – thiện – mỹ.

Như vậy, nghệ thuật là một trong những mục đích của truyền thông khi nó được xem với tư cách là một bộ phận của mỹ học; đồng thời nghệ thuật cũng chính là một trong những phương tiện của truyền thông khi chúng ta đặt nó trong cái nhìn loại – thể.

3. Nghệ thuật – mục đích của truyền thông: sản phẩm truyền thông cùng lúc phải đạt tới nhiều mục đích khác nhau như: chuyển tải thông tin, làm diễn đàn công luận, tạo và định hướng dư luận, tuyên truyền và cổ động, giáo dục nâng cao nhận thức, phát hiện và biểu dương nhân tố mới, đấu tranh với thói hư tất xấu, phản hồi ý kiến công chúng, thúc đẩy và mở rộng giao lưu quốc tế… Song, cho dù các mục đích có đa dạng, liên tục thay đổi và phát triển do những biến động về nhu cầu, đối tượng, chủ thể, khách thể, thời gian, không gian, bối cảnh xã hội khác nhau… đến mức độ nào đi chăng nữa thì tính giá trị trong mỗi thông điệp mà sản phẩm truyền thông đưa tới công chúng vẫn là mối quan tâm hàng đầu và thông điệp đó cần phải chứa đựng trong nó những giá trị mang tính chất và bản chất của nghệ thuật. Bởi, sản phẩm truyền thông rất cần giúp cho công chúng hình thành nên mối quan hệ thẩm mỹ – một trong những mối quan hệ quan trọng của con người với thế giới, chính nhờ thông qua mối quan hệ này con người hình thành nên trong mỗi cá nhân mình những cung bậc của tình cảm thẩm mỹ để họ biết vui sướng hay yêu thích trước cái đẹp; căm ghét và xa lánh trước cái xấu; đau xót trước cái bi; khâm phục và ngưỡng mộ trước cái cao cả, cái anh hùng…  Mỹ học Marx – Lenin cho rằng, khi con người biết chế tạo công cụ lao động cũng là lúc con người đoạn tuyệt với kiếp sống của con vật, nhưng chỉ khi con người biết cải biến thế giới theo “quy luật của cái đẹp” con người mới thực sự khẳng định ưu thế tuyệt đối của mình trước bất cứ thực thể nào khác của giới tự nhiên[3]. Với những ý nghĩa quan trọng như vậy, thiết nghĩ sản phẩm truyền thông trong cái nhìn tương tác với văn hóa nghệ thuật thì bản thân nó cũng cần vươn tới tầm của một tác phẩm nghệ thuật. Nghĩa là, truyền thông cũng được xem như là hoạt động của con người nhằm sáng tạo ra những sản phẩm vừa có ý nghĩa thực dụng, vừa có khả năng làm đẹp cho đời, đem lại những khoái cảm thẩm mỹ cho con người. Theo cách tiếp cận này, thì hoạt động truyền thông phải được nhìn nhận như là những hoạt động sáng tạo theo nguyên tắc của cái đẹp.

Nếu như các lĩnh vực sản xuất ra của cải vật chất, giá trị sử dụng là mục tiêu hàng đầu mà người sản xuất quan tâm tới, còn giá trị thẩm mỹ mặc dù có được quan tâm tính đến, song nó chỉ đóng vai trò là thứ yếu; thì truyền thông với tư cách là lĩnh vực sản xuất ra sản phẩm tinh thần thì giá trị thẩm mỹ là một trong những giá trị cần phải được xếp đặt ở vào vị trí trung tâm. Cái đẹp lúc này chính là lý do sống còn – là đích đến để tạo nên hiệu quả của sản phẩm truyền thông. Muốn thế, thì hoạt động sản xuất ra các sản phẩm truyền thông một mặt, phải đảm bảo và giữ vững nguyên tắc hoạt động của mình; mặt khác, phải đa dạng hóa phương pháp và phương tiện để chuyển tải nội dung thông tin. Nói cách khác, cần phải xem phương pháp sáng tạo nghệ thuật và các loại hình của nghệ thuật chính là phương tiện sản xuất quan trọng, phục vụ đắc lực cho lĩnh vực truyền thông.

4. Nghệ thuật – phương tiện để truyền thông: với những đặc thù riêng biệt thể hiện trong phương thức biểu hiện của mình, nghệ thuật đã chia ra làm nhiều loại – thể khác nhau. Có thể, tạm đưa đây cách chia nghệ thuật gồm năm nhóm loại hình lớn (trong mỗi loại có những thể nhỏ) như sau: nhóm nghệ thuật ngôn từ, nhóm nghệ thuật biểu hiện, nhóm nghệ thuật tạo hình, nhóm nghệ thuật tổng hợp, nhóm nghệ thuật ứng dụng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin chọn lọc một số thể loại tiêu biểu nhất của các nhóm và mạn phép đưa ra những nhận định, so sánh tương đối về đặc trưng ngôn ngữ diễn đạt, ưu thế của mỗi thể loại nghệ thuật trong mối tương quan loại hình như là một gợi ý nhỏ cho việc lựa chọn thể loại nghệ thuật làm phương tiện để truyền thông.

Văn học (nghệ thuật ngôn từ): thông qua ngôn từ, văn học phản ánh và tái hiện trực tiếp mọi phương diện của đời sống trên cả chiều dài của thời gian và chiều rộng của không gian mở rộng đến vô cùng. Nhờ nhịp cầu ngôn ngữ mà văn học đã vượt qua không gian và thời gian để tự tìm đến giao lưu với con người, tác động vào trí tuệ, tình cảm con người qua những hình tượng “phi vật thể” bằng cách đọc. Có ưu thế khi dùng để tuyên truyền việc đấu tranh với thói hư, tật xấu trong xã hội…

Âm nhạc và nhảy múa (nghệ thuật biểu hiện): chính là sự bày tỏ tâm tư, khát vọng của con người về hiện thực; không nhằm tái tạo hiện thực mà gợi cho con người những suy nghĩ về hiện thực thông qua nghe và nhìn. Có ưu thế khi dùng để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; tuyên truyền, cổ động; giáo dục, nâng cao nhận thức; thúc đẩy, mở rộng giao lưu quốc tế; các hoạt động hướng tới cộng đồng, công chúng trẻ…

Hội họa (nghệ thuật tạo hình): tái tạo hiện thực, cuộc sống thông qua những hình tượng nghệ thuật được tạo nên bằng các phương tiện tạo hình mà con người có thể nhìn thấy được như màu sắc, đường nét, mảng khối. Có ưu thế khi dùng để tuyên truyền, cổ động; định hướng dư luận; mở rộng giao lưu quốc tế…

Kịch (nghệ thuật tổng hợp): tổng hòa của nhiều thể loại nghệ thuật, tiếp xúc trực tiếp với công chúng, tập trung chú ý của người xem vào thế giới nội tâm của nhân vật, những biểu hiện tinh vi của tình cảm, thu hút sự quan tâm của khán giả bằng trực diện của diễn viên là thế mạnh của vở diễn sân khấu. Có ưu thế khi dùng để tuyên truyền, cổ động; định hướng dư luận; chuyển tải thông tin các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; làm diễn đàn của dư luận và công chúng; giáo dục nâng cao nhận thức; đấu tranh với thói hư, tật xấu…

Trang trí (nghệ thuật ứng dụng): thông qua màu sắc, đường nét hình trang trí, hoa văn trang trí chứa đựng những thông điệp mang tính tư tưởng, tượng trưng. Có ưu thế khi dùng để tuyên truyền, cổ động; quảng bá hình ảnh quốc gia…

Như vậy, có thể nói nghệ thuật đóng vai trò hết sức quan trọng đối với ngành truyền thông. Bởi, một mặt nó là đích đến cần thiết phải đạt tới của mỗi sản phẩm truyền thông, qua thông điệp của sản phẩm truyền thông công chúng có được sự nhận thức và đi tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp; mặt khác, nghệ thuật với tư cách là những loại hình nghệ thuật mang những nét đặc trưng riêng biệt và đặc thù độc đáo sẽ là những công cụ, phương tiện phục vụ đắc lực cho ngành truyền thông trong việc tìm kiếm chất liệu, khai thác thể loại để sáng tạo nên những sản phẩm truyền thông “đẹp” nhằm thu hút sự quan tâm ngày càng đông đảo của công chúng. Sản phẩm truyền thông càng đa dạng, đa chiều về nội dung thông tin; phong phú, mới lạ, hấp dẫn về hình thức thì càng có nhiều cơ hội mang lại những lợi ích to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trịnh Đăng Khoa

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Thanh Bình, Truyền thông đại chúng và phát triển xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  2. Lê Văn Dương – Lê Đình Lục – Lê Hồng Vân, Mỹ học đại cương, Nxb. Giáo dục Việt Nam.
  3. Phạm Ngọc Trung, Giáo trình lý luận văn hóa, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Đỗ Tiến Sâm (chủ biên), Xây dựng nền văn hóa tiên tiến ở Trung Quốc, Nxb. Khoa học xã hội.
  5. Hồ Sỹ Vịnh, Toàn cầu hóa và văn hóa nghệ thuật, Nxb. Văn hóa – Thông tin & Viện văn hóa, Hà Nội
  6. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng.
  7. Cagan (Phan Ngọc dịch), Hình thái học của nghệ thuật, Nxb. Hội nhà văn.
  8. A Lukin – V.C Skaterosiskov, Nguyên lý mỹ học Marx – Lenin, Nxb. Sách giáo khoa Marx – Lenin, Hà Nội.

 

[1] M. Cagan (Phan Ngọc dịch), Hình thái học của nghệ thuật, Nxb. Hội nhà văn, tr.5

[2] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr.676

[3] Iu.A Lukin – V.C Skaterosiskov, Nguyên lý mỹ học Marx – Lenin, Nxb. Sách giáo khoa Marx – Lenin, Hà Nội, tr.30

error: Content is protected !!