Bài 1: Khái quát về đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật

Bài 1: KHÁI QUÁT VỀ ĐẠO DIỄN CHƯƠNG TRÌNH VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

1. Định nghĩa chương trình văn hóa nghệ thuật

Sách “Phương pháp đạo diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp” của Lê Ngọc Canh[1] quan niệm về chương trình nghệ thuật tổng hợp như sau:

Chương trình nghệ thuật tổng hợp là sự liên kết, hợp thành từ những tác phẩm, tiết mục đơn lẻ nằm trong một tổng thể sắp xếp cố định và chương trình đó đã hàm chứa tính nghệ thuật tổng hợp. Nói cách khác là chương trình nghệ thuật tổng hợp là tập hợp các tác phẩm, tiết mục đơn lẻ của nhiều loại hình nghệ thuật, song nó phải tuân theo quy luật cấu trúc và cân bằng sinh thái, tình cảm, tâm lý và thẩm mỹ người xem. Chương trình nghệ thuật tổng hợp phải thực hiện được hai yêu cầu là tính nghệ thuật và tình lôgích khoa học, tính hợp lý, tính hấp dẫn.

Sách “Tài liệu nghiệp vụ văn hóa cơ sở”[2] của Cục văn hóa cơ sở – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bài “Công tác văn nghệ quần chúng ở cơ sở” đã nêu:

Nói tới chương trình nghệ thuật là nói tới các tiết mục và sự sắp xếp, bố cục các yếu tố tạo nên một tổng thể nghệ thuật trình diễn gây ấn tượng, hấp dẫn người xem từ mở đầu tới kết thúc. Chương trình nghệ thuật quần chúng là một số tác phẩm nghệ thuật được kết cấu với nhau trong một thể thống nhất, biểu diễn trong một thời gian nhất định, do quần chúng tham gia vào quá trình sáng tác và biểu diễn nghệ thuật, nhằm chuyển tải tới người xem ý đồ tư tưởng, tình cảm và giá trị thẩm mỹ.

Sách “Phân tích âm nhạc” của Đào Trọng Minh[3] khi nói về âm nhạc không tiêu đề, có tiêu đề và âm nhạc có chương trình đã phân tích:

Âm nhạc không có tiêu đề là loại tác phẩm âm nhạc không có tên gọi tác phẩm mang tính tiêu đề nội dung mà chỉ có tên gọi tác phẩm mang tính thể loại, hình thức cấu trúc hoặc xuất xứ nguồn gốc. Âm nhạc có tiêu đề là loại tác phẩm âm nhạc mà trong đó nhạc sĩ diễn đạt những hiện tượng cụ thể trong đời sống tự nhiên và xã hội bằng một tiêu đề văn học diễn đạt khái quát nội dung tác phẩm của mình. Âm nhạc có chương trình là một dạng mở rộng và cụ thể hóa của âm nhạc có tiêu đề. Ở đây người nghe lĩnh hội tác phẩm thông qua nội dung đã được chương trình hóa. Bằng các phương pháp biểu hiện nghệ thuật khác nhau tác giả đã hướng người nghe vào một chương trình nội dung theo ý đồ sáng tạo của mình; và như thế cảm nhân âm nhạc cũng như hình tượng âm nhạc được cụ thể hóa hơn.

Qua một số quan niệm trên, có thể rút ra những đặc điểm cơ bản chung của thể loại chương trình như sau: mỗi chương trình đều là sự hợp thành của các tiết mục, giữa các tiết mục có mối quan hệ với nhau, các tiết mục được sắp xếp theo một cấu trúc, và diễn ra theo một trình tự thời gian nhất định.

Từ những nhận định về đặc điểm chung của chương trình và các phân tích về hoạt động văn hóa nghệ thuật, có thể đưa ra một cách hiểu cơ bản về chương trình văn hóa nghệ thuật như sau:

Chương trình văn hóa nghệ thuật là một dạng hoạt động văn hóa phi vật thể, bao gồm các tiết mục văn hóa, nghệ thuật khác nhau; được lắp ghép theo một cấu trúc hợp lý, thẩm mỹ và cân bằng tâm sinh lý – tình cảm; diễn ra liên tục và trực tiếp trước người xem; theo một trình tự thời gian nhất định.

2. Đặc trưng chương trình văn hóa nghệ thuật 

(1) Là một thể loại hoạt động văn hóa dưới dạng phi vật thể: như đã trình bày, sản phẩm của các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong hệ thống trung tâm văn hóa có thể tồn tại ở hai dạng cơ bản là: (1) dạng vật thể, bao gồm các sản phẩm thuộc nhóm hoạt động ứng dụng đặc trưng nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật tạo hình; (2) dạng phi vật thể, bao gồm các sản phẩm thuộc nhóm hoạt động ứng dụng đặc trưng nghệ thuật biểu hiện và nghệ thuật tổng hợp. Từ đó, có thể thấy chương trình văn hóa nghệ thuật thuộc nhóm hoạt động ứng dụng nghệ thuật tổng hợp (mà tiêu biểu là nghệ thuật sân khấu), cho nên nó vừa mang đặc tính của một hoạt động sân khấu vừa chứa đựng các đặc thù của một hoạt động văn hóa. Nói cách khác, mục đích của hoạt động văn hóa nghệ thuật hướng con người tới các giá trị văn hóa và phương tiện của hoạt đồng này chủ yếu sử dụng ngôn ngữ đặc trưng của nghệ thuật sân khấu. Tuy nhiên, hành động và xung đột trong chương trình văn hóa nghệ thuật không hoàn toàn giống với hành động và xung đột của tác phẩm sân khấu.

(2) Chương trình bao gồm nhiều tiết mục được lắp ghép lại với nhau: chương trình có thể được bố cục theo hình thức tiết mục, chương hay phần (mỗi phần có thể có hơn một chương). Chương trình có thể có hoặc không có cố định chủ đề; đối với chương trình có cố định chủ đề thì hệ thống các tiết mục phải có mối quan hệ với nhau và với chủ đề – nội dung của cả chương trình; đới với các chương trình không cố định chủ đề thì các tiết mục không nhất thiết phải có mối quan hệ với nhau và với chủ đề – nội dung, nhưng vẫn phải có mối quan hệ với nhau về mặt hình thức – thể loại, tiết tấu và thời gian diễn ra chương trình.

(3) Tiết mục là đơn vị cơ bản để cấu trúc nên chương trình: Mỗi tiết mục đều có năm đặc điểm cơ bản là: có tiêu đề, có nội dung, có hình thức biểu đạt, có tiết tấu và có thời lượng. Mỗi tiết mục có thể tồn tại tương đối độc lập trong chương trình, đồng thời giữa các tiết mục cũng có mối quan hệ với nhau một cách thống nhất, hài hòa, thẩm mỹ trong cùng một chương trình. Đối với chương trình có cố định chủ đề thì các tiết mục bắt buộc phải có mối quan hệ hữu cơ, chặt chẽ với nhau cả nội dung lẫn hình thức và tiết tấu để tạo nên một khối thống nhất, chặt chẽ cùng phản ánh một tư tưởng chủ đề chung.

(4) Tiết mục trong mỗi chương trình thường đa dạng về ngôn ngữ thể hiện: đặc tính tổng hợp cho phép mỗi tiết mục trong chương trình văn hóa nghệ thuật có thể thuộc một thể loại sinh hoạt văn hóa (lễ nghi truyền thống và đương đại, trò chơi, trò diễn…), hay nghệ thuật (âm nhạc, múa, kịch, xiếc, ảo thuật, video clip, phim ngắn, hóa trang, trang trí, sắp đặt, tạo hình…); bên cạnh một tiết mục cũng có thể đồng thời được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ văn hóa, nghệ thuật khác nhau như trong một tiết mục đồng thời có ca múa, ca múa nhạc, biểu diễn thời trang, hoạt cảnh sân khấu, nói có hình ảnh minh họa…

(5) Cấu trúc chương trình hợp lý, thẩm mỹ và cân bằng tâm sinh lý – tình cảm: đây cũng là những yêu cầu mang tính nguyên tắc của chương trình văn hóa nghệ thuật, nghĩa là chương trình phải có một nội dung được xác định mang tính hợp lý, chặt chẽ; nội dung của chương trình phải được chuyển tải ra bên ngoài bằng những hình thức thẩm mỹ, vươn tới cái đẹp và tiết tấu của chương trình phải được cân nhắc sao cho đảm bảo tính sinh động, phát triển hài hòa, cân đối nhằm tạo sự cân bằng về mặt tâm sinh lý – tình cảm cho cả người biểu diễn lẫn người thưởng thức từ lúc mở đầu cho tới khi kết thúc chương trình. Tất cả ba yếu tố này phải hòa quyện vào nhau một cách nhuần nhuyễn, tài tình để tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn của mỗi chương trình văn hóa nghệ thuật. Để tạo ra một cấu trúc vừa đảm bảo tính hợp lý, tính thẩm mỹ, tính cân bằng tâm sinh lý – tình cảm và tính hấp dẫn, thu hút công chúng, chương trình văn hóa nghệ thuật thường ứng dụng nghệ thuật sân khấu kịch với đặc trưng tính “kịch” và các hình thức kết cấu “xung đột kịch” để cấu trúc chương trình.

(6) Chương trình diễn ra liên tục, trực tiếp: các tiết mục trong chương trình có thể có nội dung không liên tục (kiểu sử thi hay gián cách như kịch Brecht), nhưng chúng được lắp ghép với nhau và thông qua các thủ pháp kết nối để liên tục diễn ra trên sân khấu, đảm bảo tính thời gian quy định cho từng tiết mục trong tổng thời lượng của cả chương trình. Đồng thời các tiết mục cũng được diễn viên thể hiện trực tiếp qua ngôn ngữ hành động sân khấu, trước sự tham dự, thưởng thức của khán giả. Cũng có những tiết mục không phải được diễn viên biểu diễn trực tiếp trên sân khấu mà có thể qua phương tiện ngôn ngữ điện ảnh, hình ảnh hay biểu ngữ… Cả hai dạng tiết mục biểu diễn trực tiếp và không trực tiếp qua diễn xuất của diễn viên đều có giá trị ngang nhau và cùng góp phần tạo nên hình tượng của tác phẩm văn hóa – chương trình văn hóa nghệ thuật. Khác với tác phẩm sân khấu, xem nghệ thuật diễn xuất của diễn viên là trung tâm, các phương tiện nghệ thuật không biểu diễn phải tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện, phục vụ đắc lực cho nghệ thuật biểu diễn của người diễn viên trên sân khấu. Tuy nhiên, về cơ bản các tiết mục trong chương trình văn hóa nghệ thuật vẫn tập trung và đề cao vai trò diễn viên biểu diễn trực tiếp trên sân khấu, trước sự tham dự của khán giả.

(7) Chương trình diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định: sự giới hạn và quy định về lượng thời gian diễn ra của một chương trình thể hiện rõ đặc tính nghệ thuật thời gian trong các chương trình văn hóa nghệ thuật. Nghĩa là các tiết mục trong chương trình có sự kết hợp, vận động và phát triển theo thời gian sẽ tạo nên cảm xúc và nội dung biểu hiện của chương trình. Yếu tố thời gian có đặc tính quy ước và tính tổ chức, biểu hiện cho tính hành động và tính thống nhất trong một chương trình văn hóa nghệ thuật. Tính quy ước và tính tổ chức của thời gian là cơ sở cho việc quy định, phân bố, giới hạn đối với thời lượng biểu diễn của mỗi tiết mục, giữa các tiết mục trong một chương trình văn hóa nghệ thuật. Mỗi tiết mục là một hành động, hệ thống các tiết mục trong quan hệ cấu trúc chặt chẽ của nó sẽ tạo ra một hành động sân khấu mang tính chỉnh thể văn hóa nghệ thuật. Chương trình văn hóa nghệ thuật với tư cách là một chỉnh thể văn hóa nghệ thuật được diễn ra liên tục, xuyên suốt trong một khoảng thời gian nhất định. Mặc dù, chương trình bao gồm nhiều tiết mục khác nhau, song khi thưởng thức một chương trình văn hóa nghệ thuật liền mạch thì không thể chia cắt ra nhiều lần, nhiều tiết mục riêng lẻ để thưởng thức.

Với cách quan niệm chương trình là một hệ thống các tiết mục được lắp ghép lại với nhau, thì có thể thấy ở các trung tâm văn hóa, thể loại chương trình văn hóa nghệ thuật ứng dụng phương tiện nghệ thuật sân khấu phổ biến một số hình thức sau:

  • Chương trình văn nghệ (chương trình biểu diễn âm nhạc, chương trình biểu diễn múa, chương trình biểu diễn ca múa nhạc, chương trình nghệ thuật tổng hợp, chương trình tuyên truyền lưu động);
  • Chương trình sân khấu hóa (các cuộc lễ, hội, sinh hoạt…);
  • Chương trình cuộc thi (trò chơi, cuộc thi, liên hoan, hội thi, hội diễn…)

Nhóm các chương trình này đều mang những đặc điểm chung là: tính hành động, tính lắp ghép, tính tổng hợp và tính trực tiếp.

3. Thành tố chương trình văn hóa nghệ thuật

Tiếp cận theo đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu, chương trình văn hóa nghệ thuật cũng chứa đựng các thành tố của một tác phẩm sân khấu bao gồm: tác giả – người viết kịch bản, diễn viên – người biểu diễn các tiết mục trong chương trình, đạo diễn – người dàn dựng chương trình và khán giả – người tiêu dùng chương trình văn hóa nghệ thuật.

(1) Tác giả –  người viết kịch bản chương trình

Kịch bản chương trình văn hóa nghệ thuật cũng được xem là một một câu chuyện bằng ngôn từ, là thể loại của loại hình văn học (văn, thơ, kịch). Bởi, nó cũng phản ánh hiện thực bằng phương pháp tư duy hình tượng, thông qua phương tiện ngôn ngữ lời thoạị của các loại nhân vật (nhân vật người dẫn chuyện, người dẫn chương trình, tuyên truyền viên, nhân vật kịch), cùng với ngôn ngữ của thể loại tự sự và trữ tình (sử dụng lời văn, lời thơ, lời ca của các tác phẩm văn học, nghệ thuật lồng ghép trong kịch bản).

Kịch chương trình văn hóa nghệ thuật có một số đặc điểm sau:

Tính tự sự: thể hiện qua kịch chương trình văn hóa nghệ thuật là một câu chuyện có mở đầu, phát triển và kết thúc rõ ràng. Kịch chương trình văn hóa nghệ thuật cũng có cốt truyện rõ ràng, nhưng khác với một cốt truyện theo kiểu kịch tính thường thấy (là một hệ thống hữu cơ và hoàn chỉnh về các sự kiện, với các nhân vật có sự va chạm, xung đột với nhau về tính cách, đấu tranh một cách khốc liệt để giải quyết xung đột), cốt truyện kịch chương trình văn hóa nghệ thuật có thể có hoặc không nhất thiết phải có một hệ thống hữu cơ các sự kiện, các nhân vật có mâu thuẫn nhau về tính cách, xung đột và đấu tranh để triệt tiêu nhau, đi tới kết thúc và tất cả phải được kết cấu chặt chẽ lại với nhau để tường thuật lại trong một cốt truyện hoàn chỉnh.

Tính trữ tình: bộc lộ qua tư tưởng, tình cảm, khát vọng của các nhân vật được tác giả hư cấu trong tác phẩm (thông qua lời thoại kịch, lời dẫn chương trình, lời thuyết minh, lời tuyên truyền, lời ca, điệu múa, thậm chí là hình ảnh tĩnh và động, tranh, tượng hay các phương tiện biểu cảm khác).

Tính kịch: nội dung câu chuyện được hư cấu trong sự kết hợp giữa yếu tố tư liệu và yếu tố hình tượng nghệ thuật; có thể thấy, chủ đề của kịch các chương trình văn hóa nghệ thuật thường khai thác chất liệu nội dung của những sự kiện cụ thể, người thật, việc thật; căn cứ vào mục đích của cuộc trình diễn; để giải nghĩa các chất liệu cuộc sống thật đó một cách gần gũi, dễ hiểu và thẩm mỹ; bằng sự hư cấu – thông qua trí tưởng tượng của nghệ sĩ để tạo nên các hình tượng; qua đó, nhằm làm sáng tỏ các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa… thực hiện những nhiệm vụ nhất định của đơn vị. Tư liệu là cơ sở để hư cấu nghệ thuật (tưởng tượng sáng tạo nên hình tượng nghệ thuật), sản phẩm mang tính tự liệu và hư cấu nghệ thuật bộc lộ, phản ánh mục đích chủ đạo, chủ quan của người sáng tạo. Sự phản ánh đó chính là một phương thức đặc thù – phương thức hình tượng trong việc chuyển hóa giữa thông tin xã hội và nhận thức con người (hai chiều của một hoạt động văn hóa tinh thần). Câu chuyện chứa đựng các mâu thuẫn, xung đột để tạo nên sức hấp dẫn, có khi gây kịch tính. Xung đột trong chương trình văn hóa nghệ thuật là những xung đột giả định, do tác giả hư cấu nhằm mục đích tạo sự tương phản, đối lập, đối tỉ để làm cái cớ nhằm đạt mục đích giáo dục sao cho hấp dẫn khán giả, nó không nhất thiết phải là xung đột đích thực của những tính cách nhân vật trong những hoàn cảnh xã hội nhất định, đấu tranh với nhau để khẳng định sự thắng hay thua cuộc và qua đó tự bộc lộ tư tưởng chủ đề.

Như vậy kịch bản chương trình văn hóa nghệ thuật là một văn bản biên kịch, trình bày câu chuyện được hư cấu, có cốt truyện rõ ràng, có mâu thuẫn, xung đột và được thể hiện thông qua lời thoại của các kiểu nhân vật khác nhau cùng với sự kết hợp đa dạng của các phương tiện biểu cảm.

Tác giả kịch bản chương trình văn hóa nghệ thuật: là người (cá nhân hay tập thể) sáng tác ra các kịch bản văn học kịch chương trình văn hóa nghệ thuật. Thông thường họ là những người làm việc chính thức hay cộng tác viên của các trung tâm văn hóa; là những người có am hiểu và hành nghề chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Những người có vốn kiến thức sâu và rộng, am tường về văn hóa, cảm thụ tốt và thực hành được nhiều loại hình nghệ thuật, nhất là nghệ thuật tổng hợp sẽ là một lợi thế trong hoạt động sáng tác kịch bản chương trình văn hóa nghệ thuật. Tác giả kịch bản có thể đồng thời là người đạo diễn cho chương trình văn hóa nghệ thuật.

(2) Diễn viên – người biểu diễn trong chương trình

Diễn viên là người sáng tạo và biểu diễn trên sân khấu, người trung chuyển tất cả các hành động kịch trong kịch bản tới khán giả. Hoạt động sáng tạo của diễn viên giới hạn trong phạm vi của kịch bản và phụ thuộc vào đạo diễn và khán giả. Diễn viên chương trình văn hóa nghệ thuật rất đa dạng, phong phú, phụ thuộc vào việc thiết kế tiết mục của tác giả và cả việc xử lý dàn dựng của đạo diễn. Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật biểu hiện, biểu diễn (hành động ngôn ngữ, ngoại hình và tư duy) người diễn viên thể hiện lời dẫn, lời thuyết minh, lời tuyên truyền, lời thoại kịch, lời phát biểu, lời ca, điệu múa; hay sử dụng các động tác, cử chỉ, điệu bộ của cơ thể (hành động không lời) trong sự kết hợp với các đạo cụ, cảnh trí (phương tiện nghệ thuật tạo hình và biểu cảm khác) cùng vận động và phát triển trong không gian và thời gian sân khấu, dưới sự dàn cảnh của đạo diễn… để thể hiện vai diễn của mình hay trình bày nội dung, ý nghĩa của tiết mục, cảnh diễn trong chương trình.

Sản phẩm lao động sáng tạo của diễn viên là vai diễn. Mỗi vai diễn của diễn viên chương trình văn hóa nghệ thuật vừa chứa đựng cái tôi tỉnh táo, sáng suốt của diễn viên; vừa chứa đựng cái tôi trữ tình của nhân vật được giả định, quy định trong kịch bản. Vai diễn của diễn viên chương trình văn hóa nghệ thuật có khi là sự biểu diễn một nhân vật kịch được định sẵn theo khuôn mẫu kịch bản quy định (diễn viên đóng vai); cũng có khi vai diễn đó là sự trình diễn chính trí tuệ, tình cảm của bản thân mình về một nhân vật hay sự kiện, vấn đề nào đó (qua lời dẫn, lời bình, lời phát biểu của bản thân diễn viên là người dẫn chương trình, khách mời, đại biểu…).

Sáng tạo của diễn viên trên sân khấu được thực hiện trong thời gian và không gian của chương trình, tại địa điểm là sàn diễn, được khán giả tiếp nhận trực tiếp tại chỗ. Giữa diễn viên và khán giả có sự giao lưu, tác động và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau trong lúc sáng tạo và hưởng thụ chương trình văn hóa nghệ thuật. Quá trình sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, cho nên khán giả cũng là một thành tố hữu cơ, không thể thiếu trong sự hoàn chỉnh một chương trình văn hóa nghệ thuật.

(3) Đạo diễn – người dàn dựng chương trình

Đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật là người chuyển nội dung hành động trong kịch bản văn học thành hành động biểu diễn trên sân khấu, thông qua nghệ thuật dàn cảnh, sắp đặt diễn viên vận động và phát triển trong bối cảnh sân khấu.

Quy trình công việc của người đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật bao gồm các công đoạn sau: đọc kịch bản, phân tích kịch bản, lên ý đồ đạo diễn và thực hiện ý đồ đạo diễn. Nội dung công việc người đạo diễn phải làm là: lý giải kịch bản bằng cách nói riêng của mình với tất cả sự hiểu biết nghề nghiệp, cảm xúc, sự rung động thực sự của bản thân; chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên để hình thành nên các hình tượng nhân vật độc đáo trong sự hài hòa của vở diễn; tổ chức phối hợp các loại hình nghệ thuật, các thành viên sáng tạo vào một định hướng chúng theo ý đồ dàn dựng thống nhất của mình.

Đạo diễn là một nghề thuộc nhóm ngành nghệ thuật. Đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật vừa phải là “nhà nghệ sĩ” làm nghề nghệ thuật dàn dựng, vừa phải là “nhà văn hóa” làm nghề hoạt động văn hóa. Sự thấu hiểu, am tường một cách sâu và rộng các vấn đề văn hóa và nghệ thuật, trong sự vận động hữu cơ, biện chứng và thống nhất giữa chúng với nhau vừa là một mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đồng thời cũng là ý nghĩa, giá trị to lớn nhất của nghề đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật. Cho nên, người làm hoạt động văn hóa cần phải hiểu và biết thực hành nghệ thuật, còn người làm nghệ thuật cần phải nhận thức đầy đủ về bản chất, quy luật và giá trị của văn hóa; và quan trọng hơn, cần có thái độ và năng lực vận dụng một cách hợp lý, hài hòa, thẩm mỹ mối quan hệ biện chứng giữa phương tiện nghệ thuật và mục đích văn hóa trong quá trình hoạt động văn hóa nghệ thuật.

(4) Khán giả – người tiêu dùng văn hóa nghệ thuật

Khán giả là người trực tiếp tham dự (hưởng thụ và sáng tạo) các chương trình văn hóa nghệ thuật. Trong quá trình tham dự, khán giả biểu lộ trực tiếp phản ứng của với tất cả những gì đang diễn ra trên sân khấu. Những biểu lộ, phản ứng của khán giá sẽ tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới cảm hứng, tâm lý sáng tạo, biểu diễn của diễn viên ngay trên sân khấu.

Quá trình tham dự vào các chương trình văn hóa nghệ thuật khán giả không chỉ hưởng thụ mà còn có thể cùng tham gia sáng tạo và hoàn thiện chương trình thông qua sự liên tưởng, tưởng tượng, thái độ, phản ứng, góp ý, gợi ý cho diễn viên, đạo diễn…; thậm chí họ còn là những người trực tiếp tham gia vào quá trình biểu diễn trên sân khấu thông qua tiết mục giao lưu, phát biểu ý kiến, người chơi các trò chơi, thí sinh của cuộc thi…; đối với các chương trình sân khấu hóa, khán giả cũng là một lực lượng diễn viên chính thức, tham gia vào hành động kịch và hành động sân khấu, có tổ chức và được dàn dựng như nhóm diễn viên biểu diễn trên sân khấu…

Thông qua hưởng thụ và sáng tạo các chương trình văn hóa nghệ thuật, khán giả không chỉ để thỏa mãn nhu cầu cái đẹp, tìm kiếm và thỏa mãn những khoái cảm thẩm mỹ, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bản thân theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn các giá trị chân, thiện, mỹ.

Có thể thấy, chương trình văn hóa nghệ thuật cũng hội đủ các đặc tính của một tác phẩm sân khấu như: tính hành động, tính xung đột, tính trực tiếp biểu diễn và giao lưu với khán giả, tính tổng hợp và tập thể. Các đặc tính này góp phần làm cho chương trình văn hóa nghệ thuật có được sức mạnh và sức sức hấp dẫn đặc biệt của loại hình nghệ thuật tổng hợp không gian và thời gian; là phương tiện đặc thù, độc đáo của hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Hoạt động sáng tạo nghệ thuật sân khấu cũng có sự tương đồng với hoạt động sản xuất các sản phẩm văn hóa tinh thần bao gồm các thành tố sáng tạo, tổ chức và hưởng thụ. Song, đặt trong bối cảnh hoạt động của trung tâm văn hóa, nơi chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tổ chức phục vụ các nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa nghệ thuật của người dân, thì hoạt động phục vụ bao gồm hai hoạt động chủ yếu là sáng tạo và tổ chức (còn hoạt động hưởng thụ thuộc về phía người dân). Theo đó, có thể thấy hoạt động sáng tạo và tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật ở trung tâm văn hóa hiện nay thường tựu trung vào hai loại hoạt động chủ yếu là: hoạt động viết kịch bản và hoạt động dàn dựng các chương trình văn hóa nghệ thuật.

4. Định nghĩa đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật

Đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật là người lý giải kịch bản và chỉ đạo, hướng dẫn toàn bộ công việc biểu diễn trong một chương trình văn hóa nghệ thuật, bằng nghệ thuật dàn cảnh sân khấu.

Đạo diễn là danh xưng để chỉ một người làm công việc dàn dựng nghệ thuật; là người có năng lực phân tích, lý giải và xây dựng hình tượng nghệ thuật trong tiết mục, chương trình và chỉ rõ việc thể hiện hình tượng nghệ thuật đó trên sân khấu; hướng dẫn nhưng không áp đặt, mở ra tất cả những sáng tạo của diễn viên và tập thể văn nghệ sĩ cộng tác viên trong chương trình; có năng lực tổ chức toàn bộ hành động của một chương trình.

Từ định nghĩa trên, có thể thấy đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật có vai trò, nhiệm vụ như sau:

  • Vai trò của đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật:

Chuyển ngôn ngữ hành động kịch trong kịch bản chương trình văn hóa ghệ thuật  thành ngôn ngữ hành động sân khấu để diễn viên biểu diễn trong sự sắp đặt, dàn cảnh của các yếu tố thuộc điều kiện thiết kế khác để hợp thành tác phẩm sân khấu – chương trình văn hóa nghệ thuật.

  • Nhiệm vụ của đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật:

Xây dựng hình tượng nghệ thuật cho tiết mục, chương trình là nhiệm vụ tối cao, hàng đầu của người nghệ sĩ – đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật chính là thước đo giá trị – tài năng lao động của người nghệ sĩ. Quá trình tạo dựng nên các hình tượng nghệ thuật trong các chương trình chính là quá trình nghệ sĩ từ trí tuệ và cảm xúc, tình cảm của mình đi lựa chọn các công cụ, phương tiện vật chất kỹ thuật và các hình thái (đặc trưng ngôn ngữ) của các loại hình nghệ thuật khác nhau để tạo nên lớp vỏ vật chất mang tính hình thức bên ngoài, nhằm chuyển tải một nội dung, tư tưởng nào đó mà kịch bản quy định. Nói cách khác, người đạo diễn có nhiệm vụ chuyển tải nội dung tư tưởng đã được khẳng định trong kịch bản (hành động kịch), thành các hình trạng, cảnh tượng được diễn viên biểu diễn sinh động trên sân khấu để khán giả xem (hành động sân khấu), bằng các thủ pháp nghệ thuật dàn cảnh.

Nghệ thuật dàn cảnh là hoạt động tư duy bằng những hình tượng tạo hình được chuyển tải thông qua diễn xuất của diễn viên cùng với các điều kiện thiết kế của sân khấu khi đạo diễn đã thấy rõ toàn bộ hành động kịch trong kịch bản. Ngôn ngữ dàn cảnh thể hiện cuộc sống trên sân khấu một cách hình tượng và nhiệm vụ này chỉ có thể được thực hiện thông qua sự tổng hợp toàn bộ các phương tiện nghệ thuật và sức mạnh đặc thù của sân khấu. Dàn cảnh là phương tiện để bày tỏ tư tưởng – tình cảm, bày tỏ ý đồ nghệ thuật của người đạo diễn. Ngôn ngữ dàn cảnh là phương tiện giải quyết hàng loạt nhiệm vụ như: khám phá hành động quán xuyến, hoàn thiện hành động diễn viên, tìm kiếm hành động hình thể của nhân vật và cuối cùng là không khí vở diễn mà trong đó hành động diễn ra. Tất cả những nhiệm vụ này diễn ra cùng một lúc do ngôn ngữ dàn cảnh tạo nên và chính chúng tạo nên ngôn ngữ dàn cảnh. Tóm lại, có thể hình dung dàn cảnh là sự “sắp đặt” diễn viên trên sân khấu trong mối quan hệ cụ thể giữa họ với nhau và với cảnh trí, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng… tại một thời điểm nhất định. Sự tương tác giữa những người biểu diễn với nhau, với công chúng khán giả và với các điều kiện thiết kế sân khấu tạo nên những cảnh diễn sống động, hấp dẫn của một cuộc sống thật sự sinh động trên sân khấu.

Đạo diễn là người có nhiệm vụ tạo ra những hình tượng nghệ thuật sân khấu trong các chương trình văn hóa nghệ thuật bằng nghệ thuật dàn cảnh; để hấp dẫn người xem, giúp họ tìm được những khoái cảm thẩm mỹ, thông qua sự liên tưởng, tưởng tượng của chính mình; từ đó mà có sự biến đổi trong nhận thức, tình cảm, hành vi theo những chiều hướng tích cực, nhân văn hơn.

5. Chức năng của đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật

(1) Lý giải kịch bản: là quá trình mà người đạo diễn đọc và phân tích kịch bản để hoàn thiện kịch bản trên hai phương diện cơ bản; thứ nhất là về mặt nội dung sao cho đảm bảo tính logic rõ ràng, tính tư tưởng chặt chẽ, tính mục đích cụ thể; thứ hai là về mặt hình thức phải suy nghĩ và tìm ra được các hình thức và cách thức để chuyển tải nội dung đó sao cho đẹp, hay và hấp dẫn. Cùng một nội dung có thể sẽ có nhiều cách lý giải hành động sân khấu khác nhau giữa những người dàn dựng, đó cũng chính là cái tôi cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật của mỗi người nghệ sĩ, để từ đó hình thành nên những phong cách nghệ thuật khác nhau góp phần làm đa dạng hóa các chương trình văn hóa nghệ thuật trong thực tế.

(2) Hướng dẫn diễn xuất: diễn xuất của diễn viên trong một tiết mục hay của các nhân vật trong một chương trình là vấn đề quan tâm hàng đầu của quá trình sáng tạo một tác phẩm sân khấu, bởi lẽ không có một tiết mục hay một chương trình nào diễn ra trên sân khấu mà không có sự biểu diễn của diễn viên, nếu ở đó không diễn ra những vấn đề (hành động nào đó) mà con người đang mong muốn quan tâm và thể hiện mối quan tâm đó của mình thì nghệ thuật sân khấu không còn bản chất của nó – nghệ thuật hành động (diễn) của diễn viên. Trong chương trình văn hóa nghệ thuật, yếu tố diễn xuất không chỉ thuần túy là nghệ thuật dành riêng cho một đối tượng diễn viên – nghệ sĩ; mà yếu tố diễn xuất còn thể hiện trong hành động của nhiều thành phần, đối tượng khác như: đại biểu, khách mời, giám khảo, huấn luyện viên, quần chúng nhân dân… Những con người này, khi tham gia một vai trò nào đó trong chương trình trên sân khấu, thì đều cần phải “đẹp”; do vậy, phải tuân thủ theo quy luật tạo hình của cái đẹp. Một đại biểu phát biểu, khách mời giao lưu, người tham gia trả lời phỏng vấn… tất cả đều phải được “sắp đặt”, “kiểm soát” như: xuất hiện như thế nào, làm gì và làm ra sao để thực hiện tốt một vai trò nào đó theo yêu cầu nội dung kịch bản, đồng thời phải biểu diễn cho hay, cho đẹp từ các chi tiết đi, đứng hay ngồi, trang phục, đạo cụ, ngữ điệu khi nói, phong thái khi trình bày,… tất cả đều phải được biểu diễn (hành động sân khấu) và đặt dưới sự chỉ huy chung, nhất quán của người đạo diễn.

(3) Tổ chức hành động: vở diễn, bộ phim hay chương trình văn hóa nghệ thuật đều là một chỉnh thể thống nhất. Đánh giá sự thành công của một chương trình văn hóa nghệ thuật là đánh giá sức lao động tổng hợp của cả một tập thể những người sáng tạo. Đạo diễn là nghề tổng hợp, phải lao động cùng với một tập thể những người sáng tác, dàn dựng, kỹ thuật, biểu diễn và quần chúng cho nên muốn hay không muốn anh ta cũng phải có năng lực của một nhà tổ chức. Có một tư duy khoa học tổ chức tốt thể hiện qua sự huy động, nối kết và phân nhiệm rõ ràng, hiệu quả cho từng người, từng bộ phận và khơi gợi nên trong họ khả năng sáng tạo, tinh thần tập thể và tính kỷ luật cao để cùng nhau tạo dựng nên một chương trình, tác phẩm hoàn mỹ. Một hành động sân khấu đôi khi chỉ là một, hai, hay ba giây ngắn ngủi nhưng đó là những khoảnh khắc tập trung cao độ của diễn viên, âm nhạc, ánh sáng, đạo cụ, phim ảnh, quần chúng… nếu tất cả các bộ phận này độc lập sáng táo với nhau mà không hướng đích theo chỉ dẫn, điều khiển chung của người đạo diễn thì tất sẽ khó có được những khoảnh khắc hành động sân khấu đẹp, ấn tượng và đỉnh cao. Hơn thế nữa, nếu không có vai trò tổng chỉ huy thống nhất của người đạo diễn, mà từng bộ phận công việc phát triển độc lập, riêng biệt, tách rời với nhau thì tác phẩm đó, chương trình đó không thể nào trở thành một tổ hợp đúc khối, một chỉnh thể đa dạng mà thống nhất định hướng tư tưởng chủ đề – đặc tính quan trọng, tất yếu để tạo nên tác phẩm nghệ thuật sân khấu nói chung trong đó có chương trình văn hóa nghệ thuật.

Người đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật có vai trò, nhiệm vụ, chức năng hết sức quan trọng trong việc tạo dựng nên những hình ảnh khác biệt, đặc trưng, mang giá trị nội dung và tính thẩm mỹ nghệ thuật cao cho mỗi chương trình văn hóa nghệ thuật. Đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật là người chỉ huy và hướng dẫn tất cả mọi hoạt động trong một chương trình dưới góc nhìn thẩm mỹ – nghệ thuật. Đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật là người: lý giải kịch bản, chỉ huy và hướng dẫn tất cả công việc biểu diễn, người khán giả đầu tiên, người tổng chỉ huy cho một cuộc trình diễn sân khấu.

Trịnh Đăng Khoa

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

[1] Lê Ngọc Canh. (2003). Phương pháp đạo diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp. Hà Nội: Văn hóa thông tin. Tr. 38.

[2] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (2013). Tài liệu nghiệp vụ văn hóa cơ sở (lưu hành nội bộ). Cục văn hóa cơ sở: Hà Nội. Tr. 157-158.

[3] Đào Trọng Minh. (2012). Giáo trình Phân tích âm nhạc. Bộ VH,TT&DL – Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh: Âm nhạc. Tr. 45,46,50.

 

error: Content is protected !!