Bài 1: Khái quát về dẫn chương trình

Bài 1: KHÁI QUÁT VỀ DẪN CHƯƠNG TRÌNH

1. Quan niệm

Dẫn chương trình là nghệ thuật sử dụng các phương tiện ngôn ngữ để giao tiếp (trực tiếp) với khán giả nhằm cung cấp thông tin, thuyết phục, và định hướng cảm xúc thẩm mỹ cho công chúng khán giả.

Người phát thanh viên là người nói (đọc) trước công chúng.

Người dẫn chương trình là người giao tiếp với công chúng.

Người dẫn chương trình là người giới thiệu, dẫn dắt, điều khiển và là một diễn viên đặc biệt của chương trình, thông qua nghệ thuật ngôn ngữ và cử điệu nhằm chuyển tải đến người nghe – xem (khán giả) những thông tin để làm rõ nội dung – ý nghĩa của chương trình, đồng thời khơi gợi – định hướng cảm xúc thẩm mỹ cho công chúng khán giả.

2. Vai trò – nhiệm vụ của người dẫn chương trình

2.1 Vai trò

(1) Là người giới thiệu chương trình

Người dẫn chương trình là người biết rõ toàn bộ nội dung, kết cấu của chương trình diễn ra từ lúc mở đầu đến khi kết thúc, nên giữ vai trò xuất hiện để giới thiệu từng tiết mục cho khán giả hoặc quần chúng tham dự được dễ dàng theo dõi chương trình.

(2) Là người dẫn dắt chương trình

Người dẫn chương trình là người hiểu rất rõ về nội dung (câu chuyện) của chương trình, nên họ là người diễn giải để làm rõ hơn giá trị nghệ thuật của từng tiết mục, phần, đoạn đồng thời dẫn dắt khán giả đi xuyên suốt chủ đề chương trình để họ (khán giả) thấu hiểu và cảm nhận được trọn vẹn, đầy đủ hơn về nội dung và ý nghĩa chủ đề của chương trình.

(3) Là người điều khiển chương trình

Người dẫn chương trình là người có khả năng tạo ra bầu không khí chung cho từng chương trình (sự lắng đọng, cao trào, phấn khởi… ) nhằm thu hút, lôi cuốn mọi người theo một tiết tấu được dự tính trước.

(4) Là người diễn viên đặc biệt của chương trình

Người dẫn chương trình có thể xuất hiện 1 hoặc nhiều lần trên sân khấu, nhưng là người phải có mặt từ lúc mở đấu đến khi kết thúc chương trình nên cần phải có những nét mới trong cách giới thiệu tránh sự lặp lại gây nhàm chán.

“Tiết mục” của người dẫn chương trình thường ngắn ngủi, có khi chỉ là thoáng qua nhưng lại có thể làm nổi bật các tiết mục khác vừa diễn xong hay sắp diễn ra trong chương trình.

2.2 Nhiệm vụ

(1) Làm rõ ý nghĩa từng tiết mục

Mỗi tiết mục là một diễn ý của chủ đề chung cho toàn bộ chương trình, người dẫn chương trình phải chuẩn bị phần lời giới thiệu sao cho ý nghĩa của tiết mục đo được khơi gợi lên gắn và bó sâu xa nhưng tự nhiên với yêu cầu hàm chứa của chủ đề chương trình.

(2) Giới thiệu thông tin

Để cung cấp thông tin cho khán giả về tiết mục, phần, đoạn hay toàn bộ một chương trình nghệ thuật người dẫn chương trình cần nắm rõ các thông tin sau:

  • Nắm được mục đích, ý nghĩa, lý do, sự kiện để hình thành chương trình.
  • Hiểu rõ các tác phẩm được trình bày trong chương trình.
  • Hiểu rõ về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm được trình bày trong chương trình.
  • Giới thiệu được về diễn viên, nhóm diễn viên, nghệ sĩ tham gia trong chương trình.

Ngoài ra còn phải biết cách làm thư giãn bầu không khí và ứng xử tốt các tình huống đột xuất xảy ra trong chương trình.

(3) Định hướng cảm xúc thẩm mỹ cho khán giả:

Người dẫn chương trình là người giúp khán giả nhận ra cái hay, cái đúng, cái đẹp và đồng thời cũng là người góp phần điều chỉnh những thành kiến không tốt của dư luận quần chúng đối với một tác phẩm hay một sự kiện nào đó đã, đang và sẽ diễn ra.

3. Tiêu chuẩn và năng lực của người dẫn chương trình

– Ngoại hình cân đối, nhân dáng đẹp, duyên dáng

– Giọng nói truyền cảm, rõ, chuẩn

– Sử dụng ngôn ngữ lưu loát, chuẩn xác

– Nắm bắt nhanh, nhạy cảm với tâm lý khán giả

– Có kiến thức rộng và sâu, có khả năng hiểu biết và phân tích được tác phẩm

– Khả năng thích ứng nhanh, chính xác, thông minh

– Có khả năng thực hiện một số kỹ năng phụ trợ: quản trò, kể chuyện, hát, múa, ngâm thơ, diễn kịch…

4. Công việc của người dẫn chương trình

4.1 Các bước chuẩn bị cho công tác dẫn chương trình

– Tìm hiểu các thông tin liên quan đến chương trình sẽ giới thiệu:

  • Hình thức, tính chất, qui mô, mục đích của chương trình.
  • Đối tượng khán giả, số lượng, trình độ, nghề nghiệp,…
  • Địa điểm, phương tiện phục vụ cho việc dẫn chương trình

– Xác định đề tài, hình thành phương pháp và phong cách dẫn chương trình.

– Soạn đề cương, viết lời dẫn (thuyết minh)

– Luyện tập nói – đọc lời giới thiệu.

  • Tập nói một lần theo ý đã viết
  • Tập nói lần 2 diễn cảm theo ý đã viết (không cầm giấy)

– Chuẩn bị trang phục phù hợp với chương trình sẽ giới thiệu.

– Chuẩn bị tâm thế khi xuất hiện trước khán giả.

4.2 Viết lời dẫn (thuyết minh cho chương trình)

– Cần xác định trọng tâm, mục đích, chủ đề của chương trình để tìm thông tin, dữ kiện có liên quan đến tiết mục trong chương trình và lựa chọn ngôn tư, văn phong, phù hợp với tính chất của từng loại chương trình.

– Khi viết nội dung lời dẫn phải chú trọng việc làm nổi bật chủ đề của chương trình mà những người tổ chức thực hiện muốn gửi gắm.

– Trong lúc dẫn chương trình có thể ứng khẩu ngẫu hứng để giới thiệu thêm một vài thông tin về tiết mục, nghệ sĩ,… để tạo không khí cho chương trình, nhưng phải tập trung vào ý chính theo như lời dẫn đã soạn.

5. Một số loại hình thường gặp khi dẫn chương trình

5.1 Chương trình nghi lễ

– Phong cách người dẫn chương trình: Trang trọng, nghiêm túc, đúng mực.

– Ngôn từ: Cần chính xác, không khoa trương, không khô khan.

– Lưu ý: Tránh lối nói ngẫu hứng.

5.2 Chương trình giao lưu – sinh hoạt

– Phong cách người dẫn chương trình: Phóng khoán, trẻ trung, linh động nhưng cũng cần chỉnh tề.

– Ngôn từ: Tự nhiên, lịch sự, pha chút dí dỏm.

– Lưu ý: Không nên đối đáp bắt bẻ nhân vật giao lưu vào thế bí mà cần gợi ý để nhân vật trả lời và tạo không khí vui vẽ.

5.3 Chương trình biểu diễn nghệ thuật

– Phong cách người dẫn chương trình: Sinh động, không quá cầu kỳ, không quá cứng ngắt, phải luôn làm chủ sân khấu, nắm bắt được tâm lý khán giả.

– Ngôn từ: Ngôn ngữ cần gợi lên được những hình tượng nghệ thuật gây được xúc cảm nơi khán giả.

– Lưu ý: Không nên giới thiệu quá dài dòng, dùng từ sáo rỗng.

6. Rèn luyện kỹ năng dẫn chương trình

Người dẫn chương trình cần phải:

– Thường xuyên trau dồi, làm giàu kiến thức của mình trên nhiều lĩnh vực (Nghề dẫn chương trình là nghề làm việc bằng “đầu”)

– Rèn luyện kỹ năng viết (tập viết nhiều dạng lới dẫn, thuyết minh theo tính chất của từng loại hình chương trình)

– Rèn luyện kỹ năng nói – đọc:

  • Đọc tròn vành rõ chữ
  • Đọc không lắp, không nuốt chữ
  • Đọc diễn cảm, có nhấn trọng âm

– Xác định rõ mục đích chương trình để chọn cách nói phù hợp:

  • Chương trình nhằm mục đích thông tin, phổ biến kiến thức
  • Chương trình nhằm mục đích để giải trí
  • Chương trình nhằm mục đích để thuyết phục
  • Chương trình nhằm mục đích để kích thích, khuyến khích

– Tạo phong cách riêng (chú ý sự hài hòa giữa hình thức và nội dung).

Trịnh Đăng Khoa

error: Content is protected !!