Khánh Hòa: Tổ chức Hội nghị văn hóa tổng kết 10 năm thực hiện Nghị Quyết 33-NQ/TW
Sáng 30/8/2024, tại Hội trường A- UBND Tỉnh, 46 Trần Phú, Tp. Nha Trang, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị Văn hóa tỉnh Khánh Hòa 2024, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 09/6/2014 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tham dự hội nghị, về phía cơ quan Trung ương và chuyên gia có: Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Ông Đinh Văn Thuần, Phó vụ trưởng vụ Văn hóa- Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương; Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Nguyễn Hồ Phong, giảng viên, Trường đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh.
Về phía lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa có: Ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ông Lê Hữu Thọ, ủy viên Ban Thường vụ (UVBTV) Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ông Hồ Văn Mừng, Ủy viên Dự khuyết BCHTU Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang.
Tham dự hội nghị còn có các vị trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh; Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội; Lãnh đạo các doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; Lãnh đạo trường Chính trị; Trường Đại học Khánh Hòa; Học viện Hải Quân; Trường Đại học Nha Trang; Trường Đại học Thông tin liên lạc…. Về cấp huyện có: Thường trực cấp ủy; Lãnh đạo Ban tuyên giáo; Thường trực HĐND, UBND, Phòng VHTT… Trưởng các thôn, tổ dân phố tiêu biểu; các Nghệ nhân dân gian…; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.
Tài liệu Hội nghị gồm 36 báo cáo, tham luận của các tổ chức, cá nhân, do điều kiện thời gian, chỉ một số tài liệu được trình bày trực tiếp tại hội nghị.
Hội nghi đã xem phóng sự truyền hình “Văn hóa- Động lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa”.
Các ông: Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hữu Thọ, UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, chủ trì điều hành Hội nghị.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu khai mạc, đồng thời đọc Báo cáo trung tâm của hội nghị: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.
Phần tham luận, thảo luận, Hội nghị đã nghe báo cáo của: Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; Ông Huỳnh Mạnh Thắng, Phó Giám đốc sở Nội vụ; Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa, Phó hiệu trưởng và Tiến sỹ Nguyễn Hồ Phong, giảng viên, Trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Văn Nhuận, Giám đốc sở Văn Hóa và Thể thao.
Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ:
Qua tổng kết, đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh, có thể đúc kết 05 bài học kinh nghiệm lớn sau:
“(01). Phải nhận thức một cách đầy đủ, thấu đáo, toàn diện các quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người; xác định rõ việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người là trách nghiệm của cả hệ thống chính trị, là sự nghiệp toàn dân, trong đó xác định rõ Nhân dân vừa là chủ thể thụ hưởng nhưng cũng là chủ thể thực hiện. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là xây dựng con người có nhân cách, có lối sống cao đẹp.
(02). Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và sự phối hợp thực hiện đồng bộ giữa các ngành, địa phương, đơn vị có ý nghĩa quyết định. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, thường xuyên để tạo sự đồng thuận và tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thật sự nêu gương trong xây dựng và thực hiện đời sống văn hóa.
(03). Quan tâm củng cố, kiện toàn và ổn định tổ chức bộ máy về văn hóa; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và có chính sách phù hợp đối với đội ngũ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Xem đây là đãi ngộ thích đáng, yếu tố then chốt thúc đẩy việc triển khai tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về văn hóa.
(04). Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa, phát triển đời sống văn hóa tinh thần thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo và sự tham gia tích cực của Nhân dân. Quan tâm phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp trong gia đình, cộng đồng dân cư.
(05). Ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế – xã hội với phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa về xây dựng và phát triển văn hóa, con người bằng chính sách phù hợp, nhằm huy động tiềm lực toàn xã hội trong xây dựng và phát triển văn hóa, để văn hóa phát triển đa dạng và bền vững nhờ nguồn lực kinh tế và sự sáng tạo của Nhân dân”.
Từ những kết quả quan trọng của Hội nghị, đề nghị các các địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp như sau:
“Thứ nhất, về triển khai Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Hội nghị trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp của PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy – Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Với cách tiếp cận trong 04 thành tố thì Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam là những thành tố “cứng” chung cho cả nước, hệ giá trị văn hóa là thành tố “động”, vừa có tính chung với giá trị văn hóa quốc gia, dân tộc nhưng đồng thời cũng có những nét riêng, mang tính bản sắc. Vậy, giá trị bản sắc văn hóa Khánh Hòa là gì, ngoài những thành tố đáng sống, văn minh, thân thiện, mến khách, hiền hòa, hạnh phúc, thuần hậu đã được đề cập, nhắc đến nhiều lần trong các văn bản, phải chăng là tính dung hợp, khi Khánh Hòa là nơi “đất lành chim đậu”, giao lưu, tiếp biến nhiều nền văn hóa trong và ngoài nước, của các cộng đồng liên tục di cư đến Khánh Hòa. Chúng ta không cầu toàn, song những nội dung đã thống nhất, đồng thuận tại Hội nghị, cần sớm có giải pháp để hiện thực hóa các hệ giá trị này trong đời sống thực tiễn, qua đó khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, góp phần xây dựng nhân cách, con người, xây dựng gia đình, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, sớm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, cần đổi mới và tăng cường truyền thông, quảng bá, giới thiệu đặc trưng văn hóa tỉnh Khánh Hòa, gắn với đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa nhằm thu hút các nhà nghiên cứu, nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm đến văn hóa và con người Khánh Hòa, đầu tư vào tỉnh. Đồng thời, khai thác các thế mạnh về văn hóa Khánh Hòa, để tiếp cận quảng bá ngày càng sâu rộng ra thế giới. Các cơ quan báo chí, Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử các địa phương, đơn vị đẩy mạnh các chuyên trang, chuyên mục, tăng dung lượng, thời lượng đưa tin, phát sóng về gương tốt, việc tốt, các thông tin tích cực, có ý nghĩa nhân văn, giáo dục, có hiệu ứng xã hội, có tác động tốt đến việc định hình các giá trị văn hóa, con người Khánh Hòa trong giai đoạn mới.
Thứ hai,tạo đột phá hơn nữa về thể chế, thiết chế, nhất là triển khai các nội dung phát triển văn hóa trong Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn bản liên quan; triển khai Nghị quyết số 34-NQ/TU, ngày 22/12/2023 của Tỉnh ủy về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động, sáng tạo văn hóa của Nhân dân, thu hẹp chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền. Tăng cường đầu tư Nhà nước, nâng tỷ lệ ngân sách cho văn hóa, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hóa, huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xem đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở. Quan tâm đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, giáo dục đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gắn với định hướng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các thiết chế văn hóa quy mô lớn, tạo động lực cho sự phát triển văn hóa của tỉnh như Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Yersin, Bảo tàng Trường Sa…
Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật. Làm tốt công tác quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa – văn nghệ, di sản văn hóa, thể dục – thể thao, gia đình, thư viện. Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật, biểu diễn; quản lý, sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa hiện có, quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; đẩy mạnh các hoạt động thể thao cả về quy mô lẫn chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cho cán bộ tham mưu, lãnh đạo của các cơ quan văn hóa, văn nghệ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường kiểm tra, xử lý sai phạm trên lĩnh vực văn hóa. Tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái, âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trong văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Thứ tư, quan tâm xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu. Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn thực chất về văn hóa; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Thứ năm, đổi mới và đa dạng hóa nội dung và phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân. Trong triển khai thực hiện, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần lưu ý nghiên cứu những đề xuất của Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Nha Trang với vai trò là đô thị hạt nhân của tỉnh, là trung tâm của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai, cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, trở thành nơi tổ chức sự kiện đẳng cấp, mang tầm quốc gia, quốc tế. Thành phố nghiên cứu tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.
Huyện Diên Khánh cần đẩy mạnh việc xây dựng đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống, phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực đẩy nhanh việc thực hiện Dự án trùng tu di tích Thành cổ Diên Khánh.
Phát triển các tiểu đô thị sinh thái núi rừng Khánh Sơn, Khánh Vĩnh gắn với phát huy bản sắc văn hóa, giá trị tài nguyên bản địa, để bản sắc văn hóa trở thành nhân tố tích cực trong việc giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Huyện Trường Sa phải là hình mẫu của cả nước về phát triển văn hóa, xã hội trên biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngoài ra, các địa phương cần nâng cao và đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống và hiện đại. Hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ, du lịch tổ chức các chương trình, hoạt động văn hóa – văn nghệ phục vụ khách du lịch trong dịp lễ hội và các sự kiện văn hóa của tỉnh.
Thứ sáu, tiếp tục động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, đơn vị hoạt động nghệ thuật dàn dựng, sáng tác các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, có tiếng vang lớn với công chúng; tổ chức Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề “Khánh Hòa – Khát vọng phát triển” nhằm phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh và cá nhân, tổ chức tham gia sáng tác, tạo ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, tôn vinh những giá trị văn hóa của vùng đất, con người Khánh Hòa.
Thứ bảy, từ các kết quả của Hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát huy giá trị văn hóa, con người Khánh Hòa góp phần xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; cũng như chuẩn bị các nội dung về xây dựng văn hóa, con người trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ 19, nhiệm kỳ 2025 – 2030”.
Theo đánh giá của các đại biểu: Hội nghị diễn ra trong thời gian ngắn nhưng chuẩn bị rất chu đáo; số lượng báo cáo, tham luận do các tổ chức, cá nhân gửi tới khá nhiều, có sự đầu tư công phu; Báo cáo trung tâm của Hội nghị do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Nguyễn Tấn Tuân tỉnh trình bày rất đầy đủ, toàn diện, chính xác, bao quát suốt quá trình 10 năm; Kết luận Hội nghị của Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Khắc Toàn rất chính xác, toàn diện, mang tính định hướng, chuẩn mực. Hội nghị Văn hóa tỉnh Khánh Hòa năm 2024 đã thành công rực rỡ.
Trần Minh Ngọc