Chia sẻ CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA TỪ DI SẢN VĂN HÓA DÂN GIAN

Công nghiệp văn hóa từ di sản văn hóa dân gian

Báo Văn hóa | THÙY TRANG; ảnh tư liệu 

VHO – Di sản văn hóa dân gian là yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn, định hình bản sắc dân tộc và còn là tài nguyên quý để phát triển công nghiệp văn hóa trong bối cảnh hội nhập.

Tại hội thảo “Công nghiệp văn hóa TP.HCM – Từ bản sắc đến sáng tạo” do Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo TP.HCM (Sở KH&CN TP.HCM) tổ chức mới đây, các chuyên gia, nghệ sĩ và startup đã thảo luận về việc khai thác và phát triển ngành công nghiệp này từ góc nhìn sáng tạo, đào tạo và khởi nghiệp.

Di sản văn hóa dân gian cần được tiếp cận như chất liệu sáng tạo

TS Trịnh Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, khẳng định văn hóa dân gian không chỉ đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và định hình bản sắc dân tộc, mà còn là nguồn lực quý để phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần tạo nên bản sắc đô thị trong bối cảnh hội nhập đa văn hóa.

Theo chuyên gia, quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế tri thức sang nền kinh tế sáng tạo đang khiến công nghiệp văn hóa trở thành trụ cột chiến lược thúc đẩy phát triển bền vững.

Trong đó, việc chuyển hóa di sản văn hóa dân gian từ trạng thái tĩnh sang hình thái động, gắn với sáng tạo và tiêu dùng hiện đại, được xem là hướng đi cấp thiết và nhiều tiềm năng.

Di sản không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, mà còn trở thành chất liệu để khơi mở ý tưởng, nuôi dưỡng bản sắc và hình thành hệ sinh thái sáng tạo đô thị.

TS Trịnh Đăng Khoa đề xuất mô hình “Không gian sáng tạo văn hóa dân gian đô thị”, xem đây như giải pháp tích hợp giữa bảo tồn giá trị truyền thống và phát triển công nghiệp văn hóa tại TP.HCM.

Mô hình không chỉ bảo vệ di sản trong đô thị hóa, mà còn tái sinh văn hóa dân gian, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và sinh hoạt tinh thần của cư dân hiện đại, qua đó cụ thể hóa chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa “từ bản sắc đến sáng tạo”.

TS Khoa nghiên cứu và lựa chọn đình An Khánh (TP.HCM) làm điểm thí điểm cho mô hình này.

Đình An Khánh là di tích tiêu biểu của vùng đất Gia Định xưa, lưu giữ lễ hội Kỳ yên cùng hệ thống nghi lễ truyền thống, hiện được cải tạo hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển đô thị. Vị trí giáp sông, kết nối cộng đồng cư dân đa dạng, giúp nơi đây trở thành hạt nhân tiềm năng cho không gian sáng tạo gắn với di sản.

Ông phân tích, đình làng Việt Nam là thiết chế văn hóa truyền thống tiêu biểu, hội tụ nhiều lớp giá trị: vật thể (kiến trúc, mỹ thuật, đồ thờ) và phi vật thể (lễ hội, tín ngưỡng, trò chơi, văn nghệ, tri thức dân gian).

Khi được kết hợp cùng nghệ thuật đương đại, các nghi lễ truyền thống không chỉ được bảo tồn mà còn nâng cao khả năng giáo dục, lan tỏa giá trị tới công chúng hiện đại.

Các hoạt động như trò chơi, diễn xướng, ẩm thực dân gian… khi tái tổ chức theo hướng sáng tạo sẽ vừa duy trì mạch sống văn hóa cộng đồng, vừa thu hút du khách và thế hệ trẻ.

Mô hình được thiết kế theo nguyên tắc tích hợp giữa bảo tồn – đổi mới sáng tạo – phát triển công nghiệp văn hóa, với bốn không gian liên hoàn.

Trình diễn – lễ hội, tái hiện lễ hội dân gian qua sân khấu hóa, nghệ thuật thực cảnh, hướng tới “Đại lễ Kỳ yên TP.HCM” tầm khu vực; Sáng tạo – sản xuất, phát triển sản phẩm lưu niệm, thủ công, đồ chơi dân gian cải tiến.

Truyền thông – giáo dục, tổ chức lớp truyền nghề, workshop, bảo tàng số, thư viện số; và Kinh tế sáng tạo, gồm chợ phiên, tuyến du lịch ven sông, không gian ẩm thực và biểu diễn, phát triển thương hiệu sản phẩm văn hóa dân gian TP.HCM.

Để phát triển bền vững, mô hình “Không gian sáng tạo văn hóa dân gian đô thị” cần được thiết kế với 7 mắt xích: Nghiên cứu – điều tra di sản, Đào tạo – truyền nghề, Sáng tạo – trình diễn, Sản xuất – kinh doanh sản phẩm văn hóa, Truyền thông – giáo dục cộng đồng, Quản trị mô hình – kết nối hệ sinh thái, Phát triển bền vững – chuyển hóa chính sách.

TS Khoa đề xuất trước mắt thí điểm tại đình An Khánh, sau đó mở rộng Quận 5, Quận 8, Quận 1, kết nối với các không gian di sản khác.

Để mô hình thành công, cần đồng bộ giải pháp: phối hợp liên ngành, lồng ghép vào chiến lược công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa di sản, phát triển truyền thông số và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng.

Cách tiếp cận này giúp nuôi dưỡng bản sắc đô thị, mở rộng thị trường văn hóa, đồng thời tạo ra giá trị kinh tế, nghệ thuật và cộng đồng, trở thành hướng đi thiết thực để TP.HCM hiện thực hóa tầm nhìn phát triển CNVH.

Xây dựng cộng đồng yêu thích điện ảnh và văn hóa đô thị

Là chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh, TS Phạm Huy Quang, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, cho rằng điện ảnh là một ngành công nghiệp giải trí đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong bối cảnh TP.HCM đang tiến gần mục tiêu gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh, việc phát triển đội ngũ nhân lực chuyên sâu, bài bản càng trở nên cấp thiết.

Tuy nhiên, TS Phạm Huy Quang cũng nhấn mạnh, hiện nay vẫn thiếu hụt nhiều ngành nghề chuyên biệt như biên kịch, dựng phim, thiết kế phục trang…

Đây là những mắt xích quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái điện ảnh hoàn chỉnh, phục vụ mục tiêu hội nhập và phát triển quốc tế. Ông kêu gọi các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh chiến lược đào tạo bền vững, đồng thời kết nối chặt chẽ với thị trường và nhu cầu thực tiễn.

Trong khi đó, NSƯT Linh Trung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Đông Nam Á, đưa ra hình ảnh ví von sinh động: “Văn hóa là cái thắng của chiếc xe. Xe chạy càng nhanh, thắng càng phải tốt”.

Ông cho rằng người sáng tạo không chỉ có trách nhiệm với tác phẩm của mình, mà còn phải gắn kết, định hướng thị hiếu công chúng, giúp điều tiết sự phát triển xã hội theo hướng lành mạnh, nhân văn.

Cùng với những sáng kiến từ các mô hình khởi nghiệp sáng tạo, TP.HCM đang chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ và năng động của thế hệ trẻ trong ngành công nghiệp văn hóa.

Một trong những ví dụ tiêu biểu là dự án “Kính Vạn Hoa” do Huỳnh Hoàng Dũng sáng lập, với mục tiêu sử dụng điện ảnh để kể chuyện về văn hóa và xã hội, đồng thời xây dựng cộng đồng yêu thích điện ảnh và văn hóa đô thị.

Bên cạnh đó, chương trình nhạc dân tộc “Chào Show” do Trần Minh Hoàng điều hành đã trở thành một điểm đến văn hóa mới, thu hút du khách trong và ngoài nước, đồng thời góp phần phát triển du lịch văn hóa và kinh tế đêm cho thành phố.

“Chào Show” ra đời từ niềm đam mê âm nhạc dân gian và giá trị truyền thống, nhằm tôn vinh âm nhạc Việt Nam và các nhạc cụ dân tộc độc đáo. Chương trình kết hợp âm nhạc, hình ảnh và ẩm thực, mang đến cho khán giả một trải nghiệm sâu sắc, đa chiều về văn hóa Việt Nam.

Với tầm nhìn trở thành chương trình nghệ thuật uy tín, “Chào Show” không chỉ bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống mà còn mở ra không gian giao lưu nghệ thuật giữa quá khứ và hiện tại, tạo cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế, hướng tới một trải nghiệm nghệ thuật hiện đại nhưng đậm đà bản sắc.

Cùng với các mô hình thực tiễn, phía quản lý nhà nước cũng có những hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy lĩnh vực này. Bà Đặng Thị Luận, Quyền Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo TP.HCM (SIHUB), cho biết hiện nay SIHUB đã tuyển chọn và ươm tạo hơn 130 dự án văn hóa thông qua các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Tuy nhiên, để các dự án phát triển hiệu quả, bền vững và lan tỏa, rất cần sự tham gia, đồng hành của các chuyên gia, cố vấn dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Đồng thời, SIHUB mong muốn xây dựng mạng lưới kết nối chặt chẽ giữa cộng đồng sáng tạo trẻ với các nguồn lực chuyên môn, tạo thành hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa của TP.HCM.

error: Content is protected !!