Bài 2: Phương pháp viết kịch bản chương trình

Bài 2: PHƯƠNG PHÁP VIẾT KỊCH BẢN CHƯƠNG TRÌNH

1. Định đề tài, chủ đề, tên chương trình

  • Đề tài: là một mảng, một lĩnh vực rộng bao trùm một một vấn đề có tính định lượng được.
  • Chủ đề: là những nội dung, những khía cạnh được rút ra, cụ thể hoá từ những mảng đề tài rộng, có tính định tính.
  • Tên chương trình: là tiêu đề của chương trình, nó phải mang tính khái quát cao và bộc lộ được nội dung tư tưởng, chủ đề của chương trình. Mang tinh tượng thanh, tượng hình và thường mang nghĩa hàm ẩn.

Ví dụ: đề tài chiến tranh

Chủ đề 1: nỗi đau của những người mẹ mất con trong chiến tranh

Chủ đề 2: niềm vui đoàn tụ gia đình sau chiến tranh

2. Định hướng nội dung

  • Từ chủ đề đã xác định ta đi xây dựng định hướng nội dung cho chương trình
  • Nội dung chương trình phải đảm bảo 2 đặc tính:  tính logic chặt chẽ và tính tư tưởng chủ đề
  • Nội dung chương trình thường được kết cấu theo 3 dạng cơ bản: gối ý, ý chính – phụ và ý độc lập.

(1) Gối ý: từ ý 1 dẫn tới -> ý 2 rồi dẫn tới -> ý 3…

Chủ đề: nỗi đau của người mẹ mất con trong chiến tranh

Định hướng các nội dung heo kiểu gối ý: Ý1. sự khắc khoải, mong chờ tin con -> Ý2. nhận được thư con ngày tết -> Ý3. niềm tin và hy vọng ngày giải phóng con về -> Ý4.  giải phóng mẹ không tìm thấy con -> Ý5. đồng đội của con báo tin con tử trận -> Ý6. nỗi đau của mẹ.

(2) Ý chính – phụ: các ý phụ tập trung cho 1 ý chính

Chủ đề: nỗi đau của người mẹ mất con trong chiến tranh

Định hướng các nội dung theo kiểu ý chính phụ:

         – Ý P1: nhớ con

ÝC: Nỗi đau tinh thần     – Ý P2: mơ thấy con

                              – Ý P3: sống với kỷ vật của con

(3) Ý độc lập: mỗi ý là 1 khía cạnh, ngang bằng nhau

Chủ đề: nỗi đau của người mẹ mất con trong chiến tranh

Định hướng các nội dung theo kiểu ý độc lập: 

    – Ý1:  sự đau khổ của thể xác và tinh thần

    – Ý2: sự oán hận kẻ thù gây ra tội ác

    – Ý3: sự biến nổi đau thành ý chí đấu tranh

3. Xây dựng tiết mục

  • Tiết mục: là đơn vị nhỏ nhất để cấu thành nên chương trình. Giữa các tiết mục có mối quan hệ với nhau trong 1 thể thống nhất cùng phát triển chủ đề – nội dung của cả chương trình.
  • Đặc điểm của tiết mục: tiết mục thường bao gồm 5 đặc điểm cấu thành là (1) tên tiết mục, (2) nội dung, (3) hình thức, (4) tiết tấu, (5) thời lượng.
  • Yêu cầu trình bày tiết mục: lần lượt các tiết mục trong chương trình phải được trình bày đầy đủ các yêu cầu dưới đây:
  1. Tên tiết mục
  2. Hình thức của tiết mục
  3. Nội dung – ý nghĩa của tiết mục
  4. Thời lượng của tiết mục
  5. Tiết tấu của tiết mục (ý tưởng thể hiện của tiết mục), thường là sự diễn đạt các yếu tố thể hiện tiết mục, những yếu tố này tạo nên tổng hòa tiết tấu của một tiết mục trong chương trình. Bao gồm:

– Thành phần sáng tạo: sáng tác, dàn dựng, biểu diễn

– Ý tưởng dàn dựng tiết mục: ý đồ dàn dựng về âm nhạc, diễn xuất, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, tạo hình, tiếng động… (dàn dựng)

– Thủ pháp kết nối tiết mục: nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật tạo hình, kỹ xão, nghệ thuật tổng hợp

4. Bố cục và kết cấu tổng thể chương trình

  • Mở, cao trào và kết thúc chương trình

Phần mở đầu, cao trào và kết thúc có ý nghĩa đặc biệt tới sự thành hay bại của một chương trình. Bởi chúng thể hiện được ý tưởng, định hướng nội dung nghệ thuật của chương trình. Đồng thời chúng nâng cao hiệu quả, chất lượng nghệ thuật, hấp dẫn và gây ấn tượng mạnh đối với người thưởng thức.

Những tiết mục mở đầu và kết thúc chính là dấu ấn có ý nghĩa quyết định giá trị nghệ thuật của toàn bộ chương trình. Các tiết mục ở vị trí ấy thường là các loại hình nghệ thuật có ý nghĩa hoành tráng hoặc trầm hùng như: hợp xướng lớn, hợp xướng với dàn nhạc, hợp xướng với múa, hát múa, hát múa minh hoạ, múa, hát múa nhạc, hoạt cảnh sân khấu hoá.

Phần mở và kết chương trình phải tạo được sự ấn tượng, khắc hoạ đậm nét hình tượng nghệ thuật và nội dung của chương trình, đạt tính thẩm mỹ cao, kể cả về yếu tố kỹ xảo hỗ trợ chương trình.

Hiện có hai dạng mở và kết chương trình thông thường đó là mở và kết đồng dạng hoặc khác dạng.

  • Tiết tấu – màu sắc chương trình

Tiết tấu làm cho người thưởng thức luôn được thoải mái, luôn có cảm giác mới, có biến đổi, gây ấn tượng và cân bằng tâm sinh lý, tình cảm, đem lại sự thích thú cho người tiếp nhận.

Tiết tấu chương trình không phải đơn thuần là sự nhanh hay chậm mà còn là điểm nhấn của thời gian, không gian. Có khi im lặng, lắng dịu, ít người, đông người trên sân khấu; hoặc là sự tham gia của kỹ xảo âm thanh, ánh sáng cũng góp phần tác động vào tiết tấu của chương trình.

Tiết tấu còn có sự  tác động của thủ pháp đối tỉ nhằm tạo ra sự phong phú, màu sắc cho chương trình: đối tỉ màu sắc, âm thanh, số lượng, giới tính, tốc độ, thời gian, không gian, sắc thái, loại hình.

  • Thủ pháp kết nối tiết mục

(1) Kết nối bằng lời giới thiệu (thuyết minh) cho chương trình

Giới thiệu chương trình chính là việc làm rõ thêm nội dung, ý nghĩa của tiết mục, chương trình giúp khán giả theo dõi và thưởng thức chương trình được dễ dàng, thông suốt và sâu sắc hơn.

Giới thiệu chương trình không có nghĩa là kể lại cho khán giả nghe hay nói thay cho nội dung của tiết mục, chương trình mà mục đích chính là khơi gợi cảm hứng để công chúng khán giả có thể tiếp cận và hứng thú theo dõi chương trình sắp diễn ra.

– Lời giới thiệu (thuyết minh) của chương trình cần đạt các mục đích sau:

+ Làm rõ chủ đề, ý nghĩa của từng tiết mục (của toàn bộ chương trình)

+ Định hướng cảm xúc thẩm mỹ cho công chúng khán giả

+ Giới thiệu – thông tin về mục đích, sự kiện, lý do để có chương trình. Những thông tin về tác phẩm, tác giả, diễn viên biểu diễn…

– Lời dẫn cần có phong cách văn chương nghệ thuật giàu tính biểu cảm, ngắn gọn, súc tích, và gợi lên được hình tượng nghệ thuật nơi người xem.

– Các hình thức giới thiệu chương trình phổ biến:

+ Giới thiệu một lần toàn bộ nội dung ý nghĩa chương trình

+ Giới thiệu từng phần (chương) của chương trình

+ Giới thiệu lần lượt các tiết mục từ mở đầu đến cuối chương trình

(2) Các thủ pháp kết nối khác: âm nhạc, âm thanh, tiếng động, ánh sang, ca múa nhạc, kịch, phức điệu…

5. Trình bày kịch bản chương trình 

  • Trình bày trang bìa kịch bản

– Tên kịch bản

– Tên tác giả (nhóm tác giả)

– Thông tin liên lạc với tác giả

– Thời điểm viết

– Hình ảnh: logo, hình ảnh minh họa, tính mỹ thuật

  • Trình bày nội dung kịch bản

Cấu trúc của nội dung kịch bản thường gồm 3 phần:

I. Giới thiệu chung về chương trình

  1. Đặt vấn đề
  2. Đề tài, chủ đề, tên chương trình
  3. Nội dung, hình thức, thời lượng
  4. Thời gian, địa điểm
  5. Thành phần thực hiện

II. Chương trình chi tiết

Có thể trình bày theo bố cục phần, chương hay tiết mục

(1) Trình bày theo kiểu phần, chương

– Phần: chương trình có thể gồm nhiều phần, trong mỗi phần có chương

– Chương: chương trình có thể gồm nhiều chương, trong mỗi chương có tiết mục

(2) Trình bày theo kiểu tiết mục

– Các tiết mục lần lượt trình bày theo một hệ thống: tiết mục 1, tiết mục 2,…

– Mỗi tiết mục gồm: tiêu đề, nội dung, hình thức, tiết tấu (gợi ý dàn cảnh), thời lượng

– Mở và kết: có thể có tiết mục, hay cảnh diễn mở đầu và kết thúc

– Kết nối: giữa các tiết mục trình bày thủ pháp kết nối hai tiết mục liền kề nhau

III. Phụ lục

  1. Phụ lục văn bản
  2. Phụ lục hình ảnh
  3. Phục lục âm thanh
  4. Phụ lục đa phương tiện

Trịnh Đăng Khoa

error: Content is protected !!