Bài 2: Viết chương trình sự kiện

Bài 2: VIẾT CHƯƠNG TRÌNH SỰ KIỆN

1. Quan niệm về chương trình sự kiện

Chương trình là khung sườn, bộ xương nâng đỡ công trình sự kiện, là tâm điểm của kế hoạch và sự kiện. Chương trình cụ thể hóa nội dung, hình thức và gợi ra những ý tưởng, phương cách sáng tạo, tổ chức dàn dựng sự kiện trong tương lai.

Chương trình là tiền đề cơ sở cho việc tính toán các điều kiện thiết kế sự kiện như: cơ sở vật chất thiết bị, nhân lực và tài chính cho sự kiện; nếu không có chương trình thì nhà tổ chức sự kiện không biết phải dựa vào đâu để làm cơ sở tính toán và lên dự trù kinh phí, cũng như các dự trù khác trong sự kiện.

Mỗi sự kiện có thể có một hoặc nhiều hoạt động, mỗi hoạt động sẽ hình thành nên  một chương trình.

Chương trình là một hệ thống các tiết mục, giữa các tiết mục có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong cùng một chương trình về: đề tài, chủ đề, thể loại, thời gian, không gian, nội dung, hình thức và tiết tấu.

Tiết mục là đơn vị nhỏ nhất cấu thành chương trình, mỗi tiết mục có 5 đặc điểm cơ bản: tiêu đề, nội dung, hình thức, thời lượng, tiết tấu.

2. Quy trình viết chương trình sự kiện

(1) Nắm rõ yêu cầu của chủ sở hữu sự kiện.

(2) Phác thảo ý tưởng, khai thác đề tài, chủ đề, định hình các hoạt động.

(3) Xây dựng hệ thống tiết mục trong hoạt động/chương trình.

(4) Cấu trúc tổng thể chương trình.

(5) Phác thảo các thiết kế mỹ thuật sự kiện.

(6) Trình bày chương trình sự kiện.

3. Cấu trúc văn bản chương trình sự kiện

Thông thường văn bản chương trình sự kiện gồm 3 phần cơ bản là:

(1) Giới thiệu tổng quan về sự kiện.

(2) Chương trình chi tiết của sự kiện.

(3) Thiết kế mỹ thuật chương trình sự kiện.

Tham khảo cách trình bày văn bản chương trình sự kiện:

I. Giới thiệu tổng quát về chương trình

  • Tên chương trình, tác giả (nhóm tác giả)
  • Mục đích, ý nghĩa, yêu cầu (đặt vấn đề)
  • Đề tài, chủ đề
  • Tóm tắt nội dung, hình thức của chương trình (nếu sự kiện có nhiều hoạt động thì giới thiệu tóm tắt bố cục chung của cả sự kiện sau đó trình bày tóm tắt nội dung, hình thức của từng hoạt động trong sự kiện)
  • Thời gian, điạ điểm
  • Thành phần tham dự (đối tượng, số lượng)
  • Tổ chức thực hiện (danh nghĩa tổ chức, đơn vị thực hiện, thành phần dàn dựng, biểu diễn)
  • Tài trợ (nếu có)
  • Tiến độ thời gian thực hiện chương trình

II. Chương trình chi tiết của sự kiện

  • Phần mở đầu
  • Phần trọng tâm
  • Phần kết thúc
  • Phụ lục: lời dẫn (dẫn chương trình, thuyết minh, phát biểu)

Hình thức trình bày: viết trên trang giấy có hoặc không có kẻ ô, dọc hoặc ngang

Thời gianNội dung hoạt độngThực hiệnGhi chú

III. Thiết kế mỹ thuật chương trình sự kiện

  • Phương án/ sản phẩm thiết kế mỹ thuật không gian sự kiện: sân khấu, lễ đài, khu vực khán giả, không gian chung nơi diễn ra sự kiện (trang trí, bày trí, bản vẽ sơ đồ bố trí các khu vực).
  • Phương án/ sản phẩm thiết kế nhận diện thương hiệu sự kiện: logo, prosure, poster, banner, standee, background,..

Trịnh Đăng Khoa

error: Content is protected !!