Bài 3: Dàn dựng và Tổ chức biểu diễn

Bài 3: DÀN DỰNG VÀ TỔ CHỨC BIỂU DIỄN

1. Chuẩn bị dàn dựng

Đạo diễn làm việc với bộ phận sáng tác, dàn dựng, biểu diễn, phục vụ và các bộ phận khác có liên quan tơí chương trình.

  • Tổ thanh nhạc: làm việc với người dựng hát cho các tiết mục trong chương trình (dựng ca một hoặc nhiều bè, xử lý kỹ thuật thanh nhạc, tình cảm…)
  • Tổ khí nhạc: làm việc với nhạc sĩ, nhạc công các công việc như phối âm cho bài hát, sáng tác nhạc múa, chọn nhạc, nối nhạc, hoàn thành dĩa tiếng cho toàn bộ chương trình.
  • Tổ múa: làm việc với biên đạo múa về hình thức, thể loại, tính chất từng tiết mục múa; múa độc lập hay minh hoạ…
  • Tổ thiết kế, kỹ thuật sân khấu: làm việc với họa sĩ và chuyên gia về ý đồ thiết kế trang trí sân khấu, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng sân khấu.
  • Tổ phục trang, đạo cụ: làm việc với các nghệ nhân, chuyên viên chế tác đạo cụ, phục trang về qui cách mẫu mã, số luợng từng loại phục trang, đạo cụ..
  • Tổ diễn viên: lựa chọn diễn viên phù hợp cho từng tiết mục. Chú ý tránh chồng chéo diễn viên giữa các tiết mục liền kề nhau trong chương trình.
  • Tổ hậu đài sân khấu, phục vụ: làm việc với bộ phận phục vụ chuẩn bị về địa điểm, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện

– Trước khi bắt tay vào thực hiện cần tổ chức một cuộc họp chung để phổ biến kế hoạch, thời gian tổng thể và cụ thể từng buổi, ngày, tuần tập dợt và thời điểm cuối cùng phải hoàn thành chương trình.

– Từ kế hoạch chung các trợ lý, tổ đạo diễn các chuyên ngành phải lập kế hoạch riêng (đề án đạo diễn phân cảnh, lịch tập dợt) cụ thể cho nhóm, tổ chuyên môn của mình nhằm tiến hành đồng loạt các công việc của từng bộ phận.

2. Tập luyện 

2.1. Công tác chuẩn bị trước, trong và sau khi tập luyện

(1) Chuẩn bị trước khi tập luyện

  • Liên hệ sân bãi và hệ thống phương tiện âm thanh, ánh sáng… để hỗ trợ công việc tập luyện chương trình
  • Chuẩn bị các loại đạo cụ tập luyện tạm thời cho các tiết mục
  • Chuẩn bị kỹ về máy hát, băng đĩa nhạc cho tiết mục tập luyện
  • Thông báo lịch tập cụ thể cho diễn viên và người dàn dựng

(2) Trong lúc tập luyện

  • Quản lý diễn viên tập luyện (điểm danh, giờ giấc tập, giải quyết các tình huống phát sinh trong lúc tập)
  • Đảm bảo an ninh, trật tự và tích cực hỗ trợ cho công tác tập luyện của người dàn dựng khi họ có yêu cầu
  • công tác hậu cần: thức ăn, nước uống… phục vụ người tập luyện

(3) Sau khi tập luyện

  • Thu dọn và kiểm tra lại đạo cụ, các trang thiết bị đã tập luyện
  • Thông báo nhắc lại lịch tập buổi sau
  • Kiểm tra kỹ hệ thống điện, nước và vệ sinh sân bãi trước khi về

2.2. Phương pháp tập luyện chương trình

(1) Tập từng tiết mục lẻ: ở phần tập này người đạo diễn cần giới thiệu, phân tích nội dung, hình tượng kết cấu của tiết mục sau đó trình bày thủ pháp nghệ thuật để xử lý tiết mục đó.

Trình tự tập tiết mục lẻ

– Đối với ca khúc

+ Vỡ bài hát

+ Ghép ca với nhạc

+ Xử lý sắc thái tác phẩm

+ Dàn dựng biểu diễn

+ Hoàn chỉnh, nâng cao

– Đối với múa

+ Tập những động tác múa cơ bản được sử dụng trong tác phẩm

+ Tập từng phân đoạn theo nhịp đếm

+ Ghép từng phân đoạn múa với nhạc

+ Tập các phân đoạn còn lại rồi ghép với nhạc

+ Lắp ghép toàn bộ tác phẩm

+ Xử lý sắc thái tác phẩm

+ Hoàn chỉnh, nâng cao

– Đối với tiết mục hát có múa minh hoạ

+ Tập vỡ bài hát

+ Tập vỡ bài múa

+ Ghép hát với múa

(2) Tập từng bộ phận (phần, chương): sau khi tập xong các tiết mục đơn lẻ người đạo diễn tiến hành  ghép – nối các tiết mục đó lại bằng các thủ pháp nghệ thuật phong phú, sinh động , sáng tạo để hoàn chỉnh từng phần, chương của chương trình.

(3) Tập tổng thể: sau khi đã tập hoàn thành các phần, chương người đạo diễn tiến hành ghép – nối các phần, chương đó lại với nhau (cũng theo phương pháp như tập từng bộ phận) để hình dung ra được tổng thể của chương trình, có nhìn thấy được tổng thể chương trình mới có thể điều chỉnh, bổ sung và kịp thời xử lý đạo diễn các mặt, bộ phận phối hợp của toàn bộ chương trình cho hợp lý.

– Bước tập tổng thể kết thúc cũng là lúc người đạo diễn phải phối hợp làm việc với các bộ phận khác như: Âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ, hậu đài, người dẫn chương trình… để đạo diễn tổng thể toàn bộ chương trình, giai đoạn này là phối hợp tổng thể để hoàn chỉnh chương trình.

– Sau khi phối hợp hoàn chỉnh chương trình, người đạo diễn tiến hành cho tổ chức chạy thử toàn bộ chương trình (chạy đường dây kịch bản).

Trình tự tập tổng thể

– Chạy toàn bộ chương trình (chạy mộc)

– Chạy ghép với âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ

– Chạy tổng thể tất cả với lời dẫn chương trình

(4) Hoàn thiện chương trình: Sau khi chạy tổng thể chương trình xong người đạo diễn cần bình tỉnh suy nghĩ, nhìn lại chương trình xem đã phản ảnh đầy đủ tinh thần của kịch bản phân cảnh chưa? Mặt được và chưa đựơc? Cần bổ sung thêm hoặc bớt gì? Từ đó tiếp tục sáng tạo, bổ sung, điều chỉnh để hoàn thiện chương trình.

(5) Rèn luyện kỹ thuật – nâng cao chương trình: Khi đã định hình chương trình, các bộ phận phối hợp đã đồng bộ, thống nhất thì bước vào giai đoạn trau chuốt, rèn luyện kỹ thuật từng tiết mục, phần, chương để nâng cao chương trình.

  • Một số lưu ý khi hướng dẫn tập dợt:

– Hướng dẫn tập dợt nên cụ thể bằng hành động, cử chỉ, cách diễn và chỉ rõ các tuyến của ngưởi diễn .

– Tập theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Nên tập theo kiểu cuốn chiếu, tập tốt tiết mục này rồi mới sang tiết mục khác.

– Đối với chương trình qui mô lớn nên phác thảo, khái quát tổng thể (tập nhanh) rồi mới tập chi tiết sau. Không tham chi tiết nhỏ mà bỏ tổng thể (mảng, khối lớn).

– Khi ráp – nối (tập cùng lúc nhiều bộ phận) phải chuẩn bị kỹ bản đề án phân cảnh chính xác, cụ thể tối đa về ý đồ nghệ thuật, các tuyến ra-vào, tuyến di chuyển tạo mảng – khối (nên có sơ đồ cụ thể) để ráp – nối được liền mạch mà không mất nhiều thới gian và đạt hiệu quả.

3. Tổng duyệt và biểu diễn chính thức

3.1. Tổng duyệt chương trình

– Đây là buổi trình diễn đầu tiên để lãnh đạo duuyệt chương trình, chính vì thế nó có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tất cả mọi người tham gia chương trình, bởi vì ấn tượng ban đầu thường khó có thể quên đối với người xem. Nên cần quán triệt sâu sắc đến toàn thể những ngưới tham gia, những bộ phận có liên  quan đến chương trình tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, hết mình đồng thời cũng cần khích lệ, động viên họ tự tin, phấn khởi để trình diễn, phục vụ tốt cho chương trình.

– Sau khi lãnh đạo duyệt chương trình xong, người tổ chức và đạo diễn cần bình tĩnh, khách quan, khiêm tốn và có bản lĩnh nghề nghiệp để tiếp thu, cân nhắc những ý kiến đóng góp của lãnh đạo, bạn bè đồng nghiệp và khán giả dự tổng duyệt chương trình nhằm tiếp tục bổ sung, sáng tạo hoàn thiện lần cuối cùng chương trình.

3.2. Biểu diễn chính thức

– Buổi diễn chính thức đầu tiên (có khi là duy nhất) đòi hỏi tập thể những người tham gia, các bộ phận liên quan phải chuẩn bị chu đáo, cẩn thận và nghiêm túc mọi công việc trước khi trình diễn để hạn chế mức thấp nhất các sơ suất, sai sót xảy ra trong suốt quá trình biểu diễn.

– Người tổ chức, đạo diễn và các trợ lý, phụ trách từng bộ phận, phải kiểm tra kỹ lưỡng từ đạo cụ, phục trang, băng – đĩa nhạc… đến những chi tiết nhỏ nhất có liên quan tới chương trình và phối hợp nhắc nhở diễn viên, các bộ phận liên quan, đồng loạt kiểm tra chu đáo các khâu chuẩn bị trước giờ biểu diễn chính thức ít nhất từ 15 đến 30 phút.

– Người tổ chức và đạo diễn cần tạo tâm lý thoải mái, tự tin, vui vẻ, giảm bớt căn thẳng để các diễn viên, các bộ phận phận phục vụ làm chủ được công việc của mình và hứng thú để trình diễn.

Trịnh Đăng Khoa

error: Content is protected !!