Bài 3: Viết kịch bản chương trình văn nghệ

Bài 3: VIẾT KỊCH BẢN CHƯƠNG TRÌNH VĂN NGHỆ

Trong thực tế, có nhiều cách trình bày văn bản kịch bản chương trình văn hóa nghệ thuật. Sau đây, xin giới thiệu cách trình bày văn bản kịch bản chương trình văn hóa nghệ thuật tương đối phổ biến hiện nay. Kịch bản trình bày trên văn bản, thường dùng trang giấy khổ A4, trang văn bản có thể dàn ngang hoặc dọc, có thể kẻ ô hoặc không kẻ ô. Bố cục nội dung kịch bản thường gồm ba phần: phần giới thiệu chung về chương trình, phần chương trình chi tiết và phần phụ lục. Kết cấu hình thức thường có: trang bìa ngoài, trang bìa trong và các trang chính nội dung của kịch bản.

Phần giới thiệu chung về chương trình, bao gồm: đặt vấn đề; đề tài, chủ đề, tên chương trình; tóm tắt nội dung, hình thức, thời lượng chương trình; thời gian, địa điểm biểu diễn; thành phần thực hiện.

Phần chương trình chi tiết: giới thiệu hệ thống các tiết mục trong chương trình

Phần phụ lục, bao gồm: phụ lục văn bản, phụ lục hình ảnh, phụ lục âm thanh, phụ lục sản phẩm multimedia…

Sau đây là cách trình bày các trang chính trong nội dung của kịch bản

Kịch bản chương trình văn nghệ VINH QUANG MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

Phần I. Giới thiệu chung về chương trình

1. Đặt vấn đề[1]

– Lý do: nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, thực hiện kế hoạch hoạt động của đơn vị, trung tâm văn hóa tổ chức biểu diễn chương trình văn nghệ nhằm phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

– Mục đích: nhằm tạo sân chơi cho công nhân ở các công ty may trên địa bàn thành phố Thủ Đức được giải trí qua thưởng thức chương trình văn nghệ với chủ đề “những đóng góp to lớn của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

– Ý nghĩa: giúp người lao động được giải tỏa căng thẳng trí óc sau thời gian lao động, làm việc căng thẳng; qua đó nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật, bồi dưỡng tình cảm thẩm mỹ cho người lao động về những đóng góp to lớn của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, để họ càng thêm trân trọng, yêu quý những người phụ nữ Việt Nam anh hùng của ngày hôm qua, hôm nay và cả mai sau.

– Yêu cầu: nội dung chương trình phải chặt chẽ, hợp lý và mang tính tư tưởng chủ để rõ ràng; hình thức các tiết mục và chương trình phải sáng tạo, mang tính thẩm mỹ cao; xây dựng được hình tượng/biểu tượng nghệ thuật gần gũi với đời sống và phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của công chúng; giúp người tham dự đạt đươc sự vui vẻ, sảng khoái, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần thông qua thưởng thức và giải mã các hình tượng/biểu tượng văn hóa nghệ thuật.

2. Đề tài, chủ đề và tên chương trình

– Đề tài: Người phụ nữ Việt Nam.

– Chủ đề: những đóng góp to lớn của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Chủ đề chương trình sẽ được thể hiện qua các ý chủ đạo sau: (1) người phụ nữ tiễn chồng mình đi kháng chiến; (2) người phụ nữ được đồng đội của chồng báo tin anh đã hi sinh; (3) người phụ nữ một mình vừa nuôi con vừa nuôi chí diệt thù; (4) người phụ nữ tiếp tục tiễn con mình đi vào cuộc chiến; (5) ngày giải phóng, người phụ nữ đi tìm con trong đoàn quân chiến thắng trở về nhưng không gặp được con.

– Tên chương trình: chương trình văn nghệ “Vinh quang Mẹ Việt Nam anh hùng”

3. Nội dung, hình thức và thời lượng chương trình

– Tóm tắt nội dung chương trình: trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, có rất nhiều người phụ nữ Việt Nam đã lần lượt tiễn chồng và những người con của mình ra trận. Ngày chiến thắng, cả dân tộc hòa chung niềm vui đoàn tụ, thống nhất nhưng có những người phụ nữ đã không có cơ hội được đón chồng và các con của mình trở về. Họ đã chấp nhận hi sinh vô điều kiện cả thanh xuân của bản thân và tính mạng của những người ruột thịt thân yêu của mình để đổi lấy độc lập tự do cho cả dân tộc, họ xứng đáng để cả dân tộc tôn vinh là những người mẹ Việt Nma anh hùng.

– Hình thức thể loại chương trình: chương trình văn nghệ

– Tổng thời lượng chương trình: 25 phút

4. Thời gian, địa điểm biểu diễn chương trình

– Thời gian biểu diễn: 19 giờ 30 phút

– Địa điểm biểu diễn: Trung tâm văn hóa thành phố Thủ Đức

5. Thành phần thực hiện chương trình

– Danh nghĩa tổ chức: là tổ chức có tư cách pháp nhân chủ sở hữu chương trình nhưng không trực tiếp tổ chức sản xuất chương trình

– Đơn vị thực hiện: là đơn vị tổ chức sản xuất chương trình

– Tài trợ: là đóng góp vật chất cho chương trình

– Bảo trợ: là đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo bọc cho chương trình

Phần II. Chương trình chi tiết

1. Cảnh mở

        Âm thanh tiếng bom rơi xa xa, tiếng la ó, hoảng sợ của trẻ con và người già. Ánh sáng vàng, xanh lá nhẹ, chớp trắng sáng theo tiếng bom nổ. Khói phủ nhẹ, từ một góc sân khấu lan tỏa ra khắp nền sâu khấu…

Một người phụ nữ một tay bồng con, một tay ôm bao đồ, chạy lánh nạn. Vài người già, kéo đỡ nhau chạy loạn.

Tiếng trẻ con khóc và kêu la: “Mẹ ơi, ba đâu rồi mẹ ơi…”

Tiếng người mẹ: “Ba đi chiến đấu rồi, con ngoan, nín đi con…”

Tiếng người phụ nữ già: “Con đi mạnh giỏi nhe con…”

Một ông già đứng nhìn theo hướng người thanh niên chia tay người mẹ già.

Tiếng nhạc hòa trong tiếng bom rơi (hòa âm, phối khí một câu nhạc chủ đề trong ca khúc “Lá Xanh” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp). Tiếng bom nổ to, tiếng trẻ con khóc thét sau đó, tiếng người phụ nữ khóc… Video clip: cận cảnh chia tay của một đôi nam, nữ thanh niên, gương mặt người phụ nữ đượm buồn, người con trai thoáng buồn nhưng dứt khoác, quyết tâm ra đi.

Lời thuyết minh (đọc bên trong trên nền nhạc ca khúc “Lá xanh”): “Khói nhà máy cuộn trong sương núi, kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng, ôm đất nước những người áo vải, đã đứng lên thành những anh hùng” (Trích lời bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi).

In tro vào nhạc ca khúc “Lời người ra đi”.

2. Tiết mục 1

– Tên tiết mục: ca cảnh sân khấu “Lời người ra đi”

Tác giả âm nhạc: Trần Hoàn

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của ca khúc.

– Hình thức: đơn ca nữ và hoạt cảnh sân khấu minh họa.

– Thời lượng: 04 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

3. Tiết mục 2

– Tên tiết mục: diễn ngâm “Lá thư chiến trường”

Gợi ý: có thể sưu tầm, cải biên hay sáng tác một bức thư của bộ đội viết từ chiến trường gửi về cho người vợ của mình ở hậu phương.

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của lá thư.

Gợi ý: để bám sát nội dung “Người phụ nữ được đồng đội của chồng báo tin anh đã hi sinh” thì nội dung lá thư là những tình cảm của người bộ đội gửi cho vợ mình, được viết trước lúc anh hi sinh. Nay khi anh đã hi sinh thì những đồng đội của anh mới phát hiện và đọc lại những dòng thư đó bằng tình cảm và “tâm tưởng” để thay lời anh gửi về hậu phương.

– Hình thức: diễn ngâm nam, nữ

– Thời lượng: 04 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

Gợi ý: tái hiện hai không gian trên một sân khấu; không gian một, là cảnh người bộ đội đang đọc thư ở chiến trường bên xác đồng đội của mình và không gian hai, là cảnh người vợ ở hậu phương đang nghe tâm sự của chồng mình và đau đớn khi biết đó là những dòng thư cuối cùng của chồng để lại.

4. Tiết mục 3

– Tên tiết mục: ca nhạc “Đất nước lời ru”

Sáng tác âm nhạc: Văn Thành Nho

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của ca khúc.

– Hình thức: đơn ca nữ và nhóm bè nam, nữ

– Thời lượng: 05 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

5. Tiết mục 4

– Tên tiết mục: múa “Tiếp bước cha anh”

Sáng tác nhạc múa: viết nhạc mới hoặc sưu tầm, cải biên nhạc múa.

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của bài múa độc lập.

Gợi ý: nén nỗi đau mất chồng vào lòng, mẹ quyết biến đau thương thành hành động, động viên con mình tiếp tục noi theo gương chí lớn của cha anh – những anh hùng của dân tộc hùng anh, tiếp tục tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng, đánh đuổi giặc ngoại xâm, quyết giành lấy độc lập tự do, thống nhất nước nhà.

– Hình thức: tốp múa nam, nữ

– Thời lượng: 07 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

Gợi ý: Cảnh (1), khắp các địa phương từ thành thị tới nông thôn vô số thanh niên hăng hái ra trận, cảnh duo một đôi nam, nữ thanh niên lưu luyến chia tay nhau trước giờ ra trận (màn hình tái hiện lại cảnh mẹ tiễn đưa chồng năm xưa). Cảnh (2), cuộc chiến đấu gay cấn, quyết liệt ở chiến trường và hình tượng anh dũng hi sinh của người lính trẻ. Cảnh (3), niềm vui của một dân tộc chiến thắng kẻ thù ngoại xâm, người dân hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về.

6. Tiết mục 5

– Tên tiết mục: ca múa “Đất nước”

Sáng tác: Thơ – Tạ Hữu Yên, Nhạc – Phạm Minh Tuấn

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của ca khúc.

Gợi ý: câu chuyện về dân tộc Việt Nam nhỏ bé nhưng triền miên hứng chịu những cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Trong tăm tối của chiến tranh, những người phụ nữ Việt Nam phải chấp nhận cảnh sống lam lũ, cơ cực để nuôi dạy con khôn lớn; và rồi vì nghĩa nước mẹ đã phải nén tình nhà để lặng lẽ tiễn các con của mình ra trận, bước vào cuộc chiến với kẻ thù… Ngày cả dân tộc giải phóng, đất nước hòa bình, mẹ lại lặng im và khóc thầm khi biết các con của mình đã ra đi mãi mãi không trở về… Các anh đã hi sinh cho quê hương được giải phóng, mẹ cạn khô dòng nước mắt, lắng nỗi đau mất các con vào lòng; mẹ tự hào về sự anh dũng của các con, tổ quốc tự hào về những hi sinh của mẹ.

– Hình thức: đơn ca nam và tốp múa nam, nữ minh họa

– Thời lượng: 05 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

Gợi ý: màn hình chiếu phim tư liệu cảnh ngày thống nhất đất nước, cờ hoa tưng bừng, người người rộn rã, mừng vui chiến thắng. Màn hình chuyển sang thời hiện tại, một đoạn trò chuyện của những người cựu chiến binh, nội dung nói về những đồng đội của mình tới nay có người còn chưa tìm được hài cốt. Màn hình chiếu cảnh các nghĩa trang liệt sĩ, đặc tả những bia mộ liệt sĩ chưa biết tên. Ánh sáng màn hình dịu xuống dần.

Người cựu chiến binh ngồi một góc sân khấu kể chuyện với khán giả:

Sân khấu mở ra cảnh một đêm mưa gió, sấm chớp đầy trời, ẩn hiện trong đêm mưa là hình ảnh một người phụ nữ nhanh nhạy tiếp tế lương thực, thực phẩm và soi đèn cho từng tốp bộ đội lên đò qua sông. Cơn mưa ngơi hạt, người phụ nữ ngồi lặng lẽ bên song cửa, dõi mắt nhìn theo hướng những người bộ đội vừa đi qua. Tiếng đàn bầu vang lên, nhạc vào intro ca khúc “Đất nước”. Ca sĩ đi từ cánh gà trái ra một góc sân khấu vừa hết intro bắt đầu vào hát từ đầu đến hết phiên khúc một. Ánh sáng màu vàng nhẹ, bao quanh khu vực ca sĩ, ánh sáng phía sau phông sân khấu dịu xuống dần, người mẹ đi vào cánh gà. Đoạn điệp khúc cho tới hết bài hát lần một, ca sĩ di chuyển ra giữa sân khấu. Màn hình chiếu cảnh người mẹ lần lượt tiễn hai người con của mình ra trận, đặc tả gương mặt mẹ đượm buồn nhưng cương nghị. Sân khấu tập trung ánh sáng vào ca sĩ.

Nhạc gian tấu, người mẹ xuất hiện ngồi đan áo ở một góc sân khấu, có lúc tiếng bom đạn nổ xa xa, mẹ ngẫng đầu nhìn, lo sợ… Màn hình xuất hiện cảnh bộ đội chiến đấu ở chiến trường, mẹ ra vẻ lo lắng bồn chồn, diễn nét mặt linh cảm điều không lành với con mình. Màn hình cảnh bom nổ to, sân khấu tương tác hiệu ứng âm thanh và ánh sáng dữ dội. Sân khấu xuất hiện một nhóm múa nam, nữ diễn tả cảnh chiến đấu và hi sinh của bộ đội. Ca sĩ tiếp tục vào bài hát từ đoạn điệp khúc. Màn hình xuất hiện cảnh từng đoàn bộ đội vẫn tiếp tục hành quân, mẹ đi ngược chiều đoàn bộ đội để tìm con mình, diễn tương tác với màn hình… Ca sĩ hát hết điệp khúc, bất ngờ từ trong ngôi nhà mẹ, người con trai thứ ba của mẹ chạy vội ra nhìn theo đoàn quân, rồi quay lại ôm chầm lấy mẹ, quỳ xuống hôn đôi tay mẹ, sau đó người con nhanh nhạy đứng dậy, chạy vụt theo hướng đoàn bộ đội đang hành quân. Nhạc cao trào, mẹ chạy lên bục cao nhất giữa sân khấu giơ hai tay ra phía trước, ánh sáng tập trung vào nơi mẹ đứng, trên hai tay mẹ ôm dải lụa đỏ, dải lụa thướt tha kéo dài từ hai tay mẹ ra hai bên cánh gà sân khấu.

Ca sĩ hát câu coda. Nhóm múa nam, nữ xuất hiện theo hướng hai dải lụa đỏ di vào sân khấu, múa động tác tôn vinh mẹ, mẹ đứng bất động, dáng đứng một tượng đài sừng sững trên cao. Dải lụa đỏ trên hai tay mẹ tung bay phất phới. Ánh sáng đỏ rực rỡ sân khấu. Màn hình hiện một bức phù điêu màu vàng đồng cảnh các tư thế bộ đội chiến đấu. Âm nhạc kết vang vọng, hoành tráng.

Người cựu chiến binh, dâng một đóa hoa lên tượng đài người phụ nữ trên sân khấu.

Phần III. Phụ lục

1. Văn bản

– Văn bản ca khúc có trong chương trình

– Văn bản lời bài hát dân ca có trong chương trình

– Văn bản lời dẫn chương trình, lời thuyết minh, lời tuyên truyền…

– Văn bản kịch có trong chương trình

2. Hình ảnh (nếu có)

– Thiết kế sân khấu

– Thiết kế phục trang

– Thiết kế đạo cụ

– Logo chương trình

– Hình ảnh minh họa khác

3. Âm thanh – Multimedia (nếu có)

– Nhạc nền cho biểu diễn ca, múa, kịch, thời trang…

– Nhạc biểu diễn độc lập

– Sản phẩm multimedia minh họa

– Sản phẩm multimedia trình chiếu độc lập

Trịnh Đăng Khoa

[1] Phần đặt vấn đề cần trình bày rõ ràng các nội dung sau: lý do, mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của chương trình. Mỗi nội dung này cần viết thành một đoạn văn, các đoạn văn có thể trình bày tách ra độc lập bằng cách xuống dòng sau mỗi đoạn hoặc viết chung lại với nhau. Mỗi đoạn có thể (hoặc không) ghi cụ thể tiêu đề lý do, mục đích, ý nghĩa, yêu cầu.

error: Content is protected !!