Bài 4: Viết kịch bản chương trình tuyên truyền cổ động

Bài 4: VIẾT KỊCH BẢN CHƯƠNG TRÌNH TUYÊN TRUYỀN CỔ ĐỘNG

Trong thực tế, có nhiều cách trình bày văn bản kịch bản chương trình văn hóa nghệ thuật. Sau đây, xin giới thiệu cách trình bày văn bản kịch bản chương trình văn hóa nghệ thuật tương đối phổ biến hiện nay. Kịch bản trình bày trên văn bản, thường dùng trang giấy khổ A4, trang văn bản có thể dàn ngang hoặc dọc, có thể kẻ ô hoặc không kẻ ô. Bố cục nội dung kịch bản thường gồm ba phần: phần giới thiệu chung về chương trình, phần chương trình chi tiết và phần phụ lục. Kết cấu hình thức thường có: trang bìa ngoài, trang bìa trong và các trang chính nội dung của kịch bản.

Phần giới thiệu chung về chương trình, bao gồm: đặt vấn đề; đề tài, chủ đề, tên chương trình; tóm tắt nội dung, hình thức, thời lượng chương trình; thời gian, địa điểm biểu diễn; thành phần thực hiện.

Phần chương trình chi tiết: giới thiệu hệ thống các tiết mục trong chương trình

Phần phụ lục, bao gồm: phụ lục văn bản, phụ lục hình ảnh, phụ lục âm thanh, phụ lục sản phẩm multimedia…

Sau đây là cách trình bày các trang chính trong nội dung của kịch bản

Kịch bản chương trình tuyên truyền cổ động HOA CHẮN TIỀN PHƯƠNG

Phần I. Giới thiệu chung về chương trình

1. Đặt vấn đề

Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, thực hiện kế hoạch hoạt động của đơn vị, trung tâm văn hóa tổ chức biểu diễn chương trình văn nghệ nhằm phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

Chương trình nhằm tuyên truyền cho công nhân ở các công ty may trên địa bàn thành phố Thủ Đức về những đóng góp to lớn của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Giúp người lao động cảm nhận được sâu sắc hơn về những tổn thất, mất mác, hi sinh to lớn cũng như tinh thần dũng cảm, kiên trung, bất khuất của những người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến. Qua đó, nhằm nâng cao hơn nữa lòng tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của những người phụ nữ, của cả dân tộc ta; giữ gìn và phát huy, củng cố và lan tỏa tinh thần yêu nước cho bản thân mỗi cá nhân, từng gia đình và cả cộng đồng xã hội.

Chương trình phải có nội dung cô đọng, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ; có hình thức đẹp, phong phú, sinh động, gần gũi và hấp dẫn người xem; tác động một cách trực quan tới người tiếp nhận; tạo ra sự ảnh hưởng tích cực tới nhận thức, thái độ và hành vi của những người tham dự.

2. Đề tài, chủ đề và tên chương trình

– Đề tài: Người phụ nữ Việt Nam.

– Chủ đề: những đóng góp to lớn của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Chủ đề chương trình sẽ được thể hiện qua các ý chủ đạo sau: Ý chính; những đóng góp to lớn của người phụ nữ ở hậu phương trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Các ý phụ; (1) phụ nữ làm du kích, phụ nữ làm giao liên; (2) phụ nữ làm thanh niên xung phong cứu thương, tải đạn; (3) phụ nữ hăng hái lao động tăng gia sản xuất nhu yếu phẩm gửi ra chiến trường.

– Tên chương trình: chương trình tuyên truyền cổ động “Hoa chắn tiền phương”

3. Nội dung, hình thức và thời lượng chương trình

– Tóm tắt nội dung chương trình: hậu phương là căn cứ cách mạng vững chắc cho tiền tuyến, mặc dù không đạn pháo ác liệt như chiến trường, nhưng hậu phương trong chiến tranh nhân dân của Việt Nam vẫn “rực lửa đấu tranh cách mạng”. Hậu phương luôn có những người phụ nữ sẵn sàng góp công sức, tiền của, tài sản, tính mạng của mình để xung phong, tình nguyện trở thành những cô du kích, giao liên, nữ thanh niên xung phong làm y tá cứu thương, dân công hỏa tuyến, hay là những cô nữ công đảm việc nhà để tăng gia sản xuất nhu yếu phẩm tiếp tế cho tiền tuyến… Tất cả những đóng góp to lớn của những người phụ nữ ở hậu phương đã góp phần làm cho cuộc chiến tranh mang bản chất nhân dân của Việt Nam trở thành một huyền thoại giải phóng dân tộc vinh quang và bất tử.

– Hình thức thể loại chương trình: chương trình tuyên truyền cổ động

– Tổng thời lượng chương trình: 30 phút

4. Thời gian, địa điểm biểu diễn chương trình

– Thời gian biểu diễn: 19 giờ 30 phút

– Địa điểm biểu diễn: Trung tâm văn hóa thành phố Thủ Đức

5. Thành phần thực hiện chương trình

– Danh nghĩa tổ chức: là tổ chức có tư cách pháp nhân chủ sở hữu chương trình nhưng không trực tiếp tổ chức sản xuất chương trình

– Đơn vị thực hiện: là đơn vị tổ chức sản xuất chương trình

– Tài trợ: là đóng góp vật chất cho chương trình

– Bảo trợ: là đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo bọc cho chương trình

Phần II. Chương trình chi tiết

1. Tiết mục 1

– Tên tiết mục: tiểu phẩm kịch “Áo rách nên thương”

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của tiểu phẩm kịch.

Gợi ý: nhân vật: người mẹ, người con gái của mẹ, người giặc lính, người chỉ điểm.

Giao đãi: tại ngôi nhà lá nghèo của hai mẹ con bên bờ sông. Mẹ ngồi vá lại chiếc áo bộ đội đã bị rách vai, tâm trạng vừa làm vựa sợ bị bọn lính phát hiện mình tiếp tay, che giấu bộ đội. Cô gái giúp mẹ xỏ chỉ cho từng mũi kim khâu vừa canh chừng lính. Màn hình chiếu cảnh thằng chỉ điểm nói với thằng lính về câu chuyện hai mẹ con che giấu bộ đội và tiếp tay cho Việt cộng.

Thắt nút: thằng lính và thằng chỉ điểm phát hiện chiếc áo bộ đội trong nhà, nghi ngờ và quả quyết hai mẹ con che giấu bộ đội và tiếp tay cho việt cộng, quyết trừng trị.

Phát triển: Mẹ đấu tranh bằng trí tuệ và tình cảm với bọn lính để thu phục nhân tâm và đòi lại chiếc áo bộ đội (nói dối với bọn giặc đó là một kỷ vật thiêng liêng của con trai bà hi sinh để lại), cũng là để tạo điều kiện thời gian cho con gái của bà kịp đưa người bộ đội rời khỏi điểm trú ẩn từ phía sau nhà.

Cao trào: Bọn giặc phát hiện được âm mưu bà bày cảnh để cho con gái bà có thời gian đưa bộ đội tẩu thoát, bọn giặc điên cuồng ra lệnh bắn theo phía con đò mà con gái bà dùng để đưa người bộ đội qua sông trốn thoát. Mẹ chặn nòng súng kẻ thù, viên đạn trúng thẳng vào tim và mẹ hi sinh.

Mở nút: bọn giặc hoảng sợ bỏ chạy, cô gái kịp đưa người bộ đội thoát hiểm nguy, và khi cô trở về lại nhà thì mẹ đã không còn. Chiếc áo bộ đội mẹ vẫn ôm chặt trong người khi bị bọn giặc bắn, máu mẹ thấm đỏ áo anh. Cô gái uất hận, quyết nuôi chí đánh đuổi kẻ thù.

– Hình thức: tiểu phẩm kịch nói

– Thời lượng: 06 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

2. Tiết mục 2

– Tên tiết mục: tuyên truyền miệng (lần 1) “vai trò của người phụ nữ ở hậu phương trong chiến tranh”

Sáng tác mới bài tuyên tuyền miệng trên cơ sở thu thập đầy đủ, chính xác các thông tin, tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, có xuất xứ tin cậy, rõ ràng, chính thống.

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của bài tuyên truyền miệng.

Gợi ý: cấu trúc bài tuyên truyền với 3 ý chính: ý (1) nói về vai trò người phụ nữ ở hậu phương trong thời chiến; ý (2) nói về những đóng góp cụ thể (có số liệu minh chứng) về sức người, sức của của phụ nữ Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; ý (3) nói về ý nghĩa của những đóng góp đó. Bài tuyên truyền có thể phân đoạn ra để đọc lần lượt ở những tiết mục phù hợp nhằm làm sáng tỏ thêm cho nội dung tiết mục và giúp khán giả dễ theo dõi và dễ nhớ hơn.

Ví dụ, sau tiết mục 1 này, chỉ cần đọc ý (1) của bài tuyên truyền là “khẳng định vai trò người phụ nữ ở hậu phương trong thời chiến”, và dẫn nối qua tiết mục tiếp theo, với câu nói “hãy cùng tiếp tục xem họ đã đóng góp những gì và đóng góp như thế nào cho cuộc chiến của chúng ta nhé”.

– Hình thức: tuyên truyền viên nam và nữ

– Thời lượng: 01 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

Gợi ý: tuyên truyền viên nói và diễn tương tác với màn hình. Màn hình chiếu clip minh họa theo nội dung chi tiết. Có thể kết hợp với panô minh họa những chi tiết quan trọng cần nhấn trọng tâm để tác động vào sự chú ý của khán giả. Các panô sẽ được thiết kế đa dụng, thẩm mỹ và khai thác tiếp tục như là các cảnh trí sân khấu cho tiết mục tiếp sau.

3. Tiết mục 3

– Tên tiết mục: múa “Nữ giao liên”

Sáng tác nhạc múa: viết nhạc mới hoặc sưu tầm, cải biên nhạc múa.

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của bài múa độc lập.

Gợi ý: diễn tả những hành động chiến đấu tiêu biểu của nữ giao liên hoạt động ở nội ô và vùng ven thành phố.

Đoạn 1: Hợp sức: chủ động gây dựng cơ sở, tập hợp lực lượng các chị em phụ nữ đứng vào hàng ngũ tổ chức, hình thức thông qua các buổi sinh hoạt nữ công, văn nghệ, sinh hoạt bí mật, công khai hoặc vừa bí mật vừa công khai ngay trong nội ô thành phố.

Đoạn 2: Dẫn đường: đội nữ du kích lên kế hoạch và tiến hành dẫn đường cho bộ đội tiến công vào nội thành, đánh du kích và chiến thằng một số trận.

Đoạn 3: Đối đầu: trong một lần đội nữ du kích dẫn đường bộ đội bị phát hiện, bị địch phản công dữ dội, các nữ du kích thông minh, lanh lợi và dũng cảm đã đối phó thành công với địch, bảo toàn lực lượng và đưa bộ đội ta rút lui, ẩn nấp an toàn.

– Hình thức: tốp múa nam, nữ

– Thời lượng: 03 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

4. Tiết mục 4

– Tên tiết mục: tuyên truyền miệng (lần 2) “Những đóng góp về sức người phụ nữ ở hậu phương trong chiến tranh”

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của bài tuyên truyền miệng.

Gợi ý: những đóng góp cụ thể về công sức của người phụ nữ ở hậu phương trong chiến tranh (có số liệu minh chứng), như: bản thân tham gia làm du kích địa phương, làm giao liên, thông tin liên lạc, đội nữ tự vệ…

– Hình thức: tuyên truyền viên nữ

– Thời lượng: 01 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

Gợi ý: tuyên truyền viên nói và diễn tương tác với màn hình. Màn hình chiếu clip minh họa theo nội dung chi tiết. Có thể kết hợp với diễn viên trong vai các nữ du lích, giao liên, nữ tự vệ minh họa thêm cho đoạn tuyên truyền.

Sau khi kết lời tuyên truyền (lần 2), dẫn nối qua tiết mục tiếp theo, với câu nói “không chỉ ở thành thị mà cả ở nông thôn, đâu đâu cũng có biết bao tấm gương phụ nữ sẵn sàng đóng góp sức mình, trực tiếp giúp đỡ cho bộ đội vượt qua những chặng hành quân đầy gian nguy, cách trở. Không chỉ thế, mà ngay cả ở những cung đường tuyến lửa của cuộc chiến, vẫn không thể ngăn được sự tự nguyện dấn thân đóng góp của các chị – những thanh niên xung phong cáng thương, tải đạn, kéo pháo vá đường…”

5. Tiết mục 5

– Tên tiết mục: ca nhạc “Qua sông”

Sáng tác âm nhạc: Phạm Minh Tuấn

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của ca khúc.

– Hình thức: tốp ca nữ

– Thời lượng: 05 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

Gợi ý: có thể thay thế hình thức ca nhạc của tiết mục này bằng chiếu phim một trích đoạn phim truyện về nữ du kích Việt Nam hoặc kết hợp chiếu phim (không phát tiếng) để minh họa thêm về hình tượng nữ du kích hoạt động ở vùng sông nước Nam bộ.

Gợi ý kết nối giữa hai tiết mục:

Nhạc nhỏ dần rối kết thúc bài hát “Qua sông”, sân khấu giảm dần ánh sáng, màn hình chiếu cảnh một vùng sông nước với dầy đặc cây dừa nước, cảnh khúc sông dần về đêm, một con đò do nữ du kích đưa bộ đội qua sông, chỉ có âm thanh tiếng con ểnh ương hòa với tiếng chèo đò nghe càng lúc càng rõ.

Chiếc đò len lách và khuất sâu trong đám cây dừa nước, chỉ còn thấy lấp lánh ánh sáng ngọn đèn dầu lắc lư theo từng nhịp chèo đò… đên càng về khua, càng nghe rõ tiếng côn trùng và tiếng chèo đò, đò càng lúc càng đi xa và sâu vào trong đám cây dừa nước.

Có một tiếng bom nổ to và ánh chớp lóe sáng một vùng sông nước.

Tiếng chèo đò dừng.

Ánh sáng đèn dầu vụt tắt.

Chỉ còn tiếng ểnh ương.

Màn hình chiếu hình ảnh một khúc sông lờ mờ sáng trong khói đạn, len lỏi giữa hai hàng dừa nước có một dòng nước màu  đỏ (máu) chảy loang ra, một chiếc khăn rằng nửa chìm nửa nổi lềnh bềnh trên mặt nước, bên cạnh là một nửa mảng chiếc xuồng bể tang hoang… không có ai, chỉ có tiếng nấc nghẹn, đau đớn của người bộ đội xa xa.

Từ một góc màn hình, người bộ đội như vừa lội được vào bờ, mệt mõi, một tay kéo khúc voan màu trắng (pha ánh sáng màu đỏ vào khúc voan), cố gắng kéo dài khúc voan ra một cách mệt nhọc. Ánh sáng sân khấu đỏ dần dần lên. Người bộ đội ôm chiếc khăn rằng vào người, kéo theo khúc voan, tiến dần ra phía góc phải sân khấu, khúc voan trắng phủ màu đỏ như dòng máu cứ loang dần ra, khúc voan càng lúc càng được kéo nhiều ra và trải rộng khắp cả mặt nền sân khấu, sân khấu như là mặt nước một dòng sông đỏ rực máu.

Người bộ đội bất ngờ quay lại nhìn lên phía màn hình, màn hình chiếu cảnh chiếc đò bị bom nổ trúng bể nát, không còn ai sống sót, âm thanh rùng rợn, người bộ đội thét lên, rồi đau khổ, ôm chiếc khăn chạy vụt vào cánh gà.

Màn hình chuyển dần sang cảnh núi rừng tờ mờ sáng, mặt trời ló dạng.

Âm nhạc chuyển điệu, một câu nhạc, khí nhạc Tây nguyên.

Ánh sáng chuyển màu xanh lá chiếu vào khúc voan, khúc voan chuyển động, diễn viên múa len lõi vào các vị trí dưới nền khúc voan và đứng cao thấp, nhấp nhô nhè nhẹ tạo sự ra cảnh đồi núi, hìn từ a tới gần.

Dùng kỹ thuật sân khấu, kỹ thuật biểu diễn và đạo cụ để chuyển cảnh, tạo ra hai không gian sân khấu gồm: tầng trên đồi cao, diễn cảnh bộ đội chiến đấu và tầng dưới đồi thấp, diễn cảnh các nữ thanh niên xung phong đang cứu thương cho bộ đội, lắp đường,…

Diễn phức điệu trong hành động sân khấu giữa tầng trên đồi cao và tầng dưới đồi thấp.

In tro bắt đầu vào nhạc ca khúc “Những bông hoa trên tuyến lửa”.

6. Tiết mục 6

– Tên tiết mục: ca nhạc “Những bông hoa trên tuyến lửa”

Sáng tác: Thơ – Đỗ Trung Quân, Nhạc – Nguyễn Cửu Dũng

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của ca khúc.

– Hình thức: đơn ca nam, tốp bè nam và hoạt cảnh sân khấu nam, nữ

– Thời lượng: 05 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

Gợi ý: cảnh diễn những nữ thanh niên xung phong làm người cáng thương, tải đạn, lấp ổ bom, vá đường… trong khói lửa, bom đạn chiến tranh ác liệt nhưng các chị vẫn hăng hái, quyết liệt… và rồi trong số các nữ thanh niên xung phong đó đã có một nữ anh hùng ngã xuống trong lứa tuổi thanh xuân khi đang làm nhiệm vụ thiêng liêng với tổ quốc.

Tuyên truyền viên kết hợp đọc lời thuyết minh trên nền âm nhạc và cảnh diễn sân khấu về những số liệu đóng góp, hi sinh to lớn của các nữ thanh niên xung phong trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ của dân tộc ta.

Tuyên truyền viên gồm một số người, họ thay phiên nhau đọc các số liệu, thành tích tiêu biểu của nữ thanh niên xung phong, nữ tự vệ, nữ du kích, nữ giao liên.

Sân khấu chia thành 4 không gian diễn và và một không gian chiếu phim (màn hình trên cao, ở giữa sân khấu), tất cả cùng đồng thời diễn ra hành động (phức điệu), nhưng ánh sáng đặc tả đẹp cho một không gian chủ lực, không gian chủ lực được xác định là không gian đang được tuyên truyền viên nhắc tới qua nội dung lời đọc thuyết minh.

– Không gian 1: trung tâm sân khấu; diễn viên minh họa theo lời tuyên truyền viên, giới thiệu đóng góp tiêu biểu của nữ thanh niên xung phong; âm nhạc nền ca khúc “Những bông hoa trên tuyến lửa” (Sáng tác: Thơ – Đỗ Trung Quân, Nhạc – Nguyễn Cửu Dũng); trang phục và đạo cụ phù hợp.

– Không gian 2: cánh trái sân khấu; diễn viên minh họa theo lời tuyên truyền viên, giới thiệu đóng góp tiêu biểu của nữ tự vệ; âm nhạc nền ca khúc “Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn” (Sáng tác âm nhạc: Phạm Minh Tuấn); trang phục và đạo cụ phù hợp.

– Không gian 3: cánh phải sân khấu; diễn viên minh họa theo lời tuyên truyền viên, giới thiệu đóng góp tiêu biểu của nữ du kích; âm nhạc nền ca khúc “Qua sông” (Sáng tác âm nhạc: Phạm Minh Tuấn); trang phục và đạo cụ phù hợp.

– Không gian 4: trên cao màn hình; diễn viên minh họa theo lời tuyên truyền viên, giới thiệu đóng góp tiêu biểu của nữ giao liên; âm nhạc nền ca khúc “Tiến về Sài Gòn” (Sáng tác âm nhạc: Huỳnh Minh Siêng); trang phục và đạo cụ phù hợp.

Trong lúc các không gian chủ lực đang diễn, thì các không gian khác cũng diễn minh họa theo nội dung không gian sân khấu chủ lực (phức điệu).

7. Tiết mục 7

– Tên tiết mục: tuyên truyền miệng (lần 3) “Những đóng góp về của cải vật chất của người phụ nữ ở hậu phương trong chiến tranh”

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của bài tuyên truyền miệng.

Gợi ý: những đóng góp cụ thể về của cải vật chất của người phụ nữ ở hậu phương trong chiến tranh (có số liệu minh chứng), như: tài sản hiện kim, hiện vật, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm…

– Hình thức: tuyên truyền viên nữ

– Thời lượng: 02 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

Gợi ý: tuyên truyền viên nói và diễn tương tác với màn hình. Màn hình chiếu video clip minh họa theo nội dung chi tiết.

8. Tiết mục 8

– Tên tiết mục: ca múa “Lá đỏ”

Sáng tác: Thơ – Nguyễn Đình Thi, Nhạc – Hoàng Hiệp

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của ca khúc.

– Hình thức: đơn ca nam và nhóm múa nữ minh họa

– Thời lượng: 05 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

Gợi ý: cảnh gặp gỡ giữa nữ thanh niên xung phong với bộ đội. Đoàn bộ đội tiếp tục hành quân. Cung đường tiếp tục bị bom đạn cày xéo. Các nữ thanh niên xung phong lại tiếp tục công việc nguy hiểm nhưng đầy vinh quang của mình. Tất cả cùng hi vọng vào ngày giải phóng… Lá rừng rực đỏ lên trong mịt mù đạn bom, khói lửa giữa đại ngàn trường sơn.

9. Tiết mục 9

– Tên tiết mục: tuyên truyền miệng (lần 4) “ý nghĩa về những đóng góp to lớn của người phụ nữ hậu phương trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam”

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của bài tuyên truyền miệng.

– Hình thức: tuyên truyền viên nam, nữ

– Thời lượng: 01 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

Gợi ý: tuyên truyền viên đọc thuyết minh lúc gian tấu hoặc sau khi kết nhạc ca khúc “Lá đỏ” hoặc nối thêm một đoạn nhạc cao trào và đọc giọng khí thế trên nền nhạc nối để kết chương trình hoành tráng, tạo cảm giác khí thế cuộc chiến và những đóng góp của những nữ thanh niên xung phong vẫn còn tiếp diễn.

Phần III. Phụ lục

1. Văn bản

– Văn bản ca khúc có trong chương trình

– Văn bản lời bài hát dân ca có trong chương trình

– Văn bản lời dẫn chương trình, lời thuyết minh, lời tuyên truyền…

– Văn bản kịch có trong chương trình

2. Hình ảnh (nếu có)

– Thiết kế sân khấu

– Thiết kế phục trang

– Thiết kế đạo cụ

– Logo chương trình

– Hình ảnh minh họa khác

3. Âm thanh – Multimedia (nếu có)

– Nhạc nền cho biểu diễn ca, múa, kịch, thời trang…

– Nhạc biểu diễn độc lập

– Sản phẩm multimedia minh họa

– Sản phẩm multimedia trình chiếu độc lập

Trịnh Đăng Khoa

error: Content is protected !!