Bài 5: Viết kịch bản chương trình cuộc thi

Bài 5: VIẾT KỊCH BẢN CHƯƠNG TRÌNH CUỘC THI

Trong thực tế, có nhiều cách trình bày văn bản kịch bản chương trình văn hóa nghệ thuật. Sau đây, xin giới thiệu cách trình bày văn bản kịch bản chương trình văn hóa nghệ thuật tương đối phổ biến hiện nay. Kịch bản trình bày trên văn bản, thường dùng trang giấy khổ A4, trang văn bản có thể dàn ngang hoặc dọc, có thể kẻ ô hoặc không kẻ ô. Bố cục nội dung kịch bản thường gồm ba phần: phần giới thiệu chung về chương trình, phần chương trình chi tiết và phần phụ lục. Kết cấu hình thức thường có: trang bìa ngoài, trang bìa trong và các trang chính nội dung của kịch bản.

Phần giới thiệu chung về chương trình, bao gồm: đặt vấn đề; đề tài, chủ đề, tên chương trình; tóm tắt nội dung, hình thức, thời lượng chương trình; thời gian, địa điểm biểu diễn; thành phần thực hiện.

Phần chương trình chi tiết: giới thiệu hệ thống các tiết mục trong chương trình

Phần phụ lục, bao gồm: phụ lục văn bản, phụ lục hình ảnh, phụ lục âm thanh, phụ lục sản phẩm multimedia…

Sau đây là cách trình bày các trang chính trong nội dung của kịch bản

Kịch bản chương trình cuộc thi GÁNH TÌNH HẬU PHƯƠNG

Phần I. Giới thiệu chung về chương trình

1. Đặt vấn đề

Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, thực hiện kế hoạch hoạt động của đơn vị, trung tâm văn hóa tổ chức biểu diễn chương trình văn nghệ nhằm phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Chương trình nhằm hướng tới mục đích giáo dục truyền thống cho nữ công nhân ở các công ty may trên địa bàn thành phố về những đóng góp to lớn của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Giúp người lao động có được sự hiểu biết và nhận thức đầy đủ hơn về những hi sinh to lớn, đóng góp quan trọng cả về vật chất lẫn tinh thần của những người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến. Qua đó, nhằm nâng cao tinh thần tự hào, tự tôn về người phụ nữ Việt Nam; tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong giai đoạn hôm nay. Nội dung chương trình phải được soạn thảo có tính hệ thống khoa học chặt chẽ, hợp lý, đảm bảo tính chân thực khách quan, tính lịch sử, tính chính trị rõ ràng, phù hợp với trình độ, tâm sinh lý – tình cảm của đối tượng tham dự. Hình thức thể hiện phải đa dạng, mới lạ và mang tính thẩm mỹ, bằng hoặc thông qua các loại hình nghệ thuật tổng hợp, sinh động, hấp dẫn để dễ dàng thu hút đông đảo người tham dự.

2. Đề tài, chủ đề và tên chương trình

– Đề tài: Người phụ nữ Việt Nam.

– Chủ đề: những đóng góp to lớn của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Chủ đề chương trình sẽ được thể hiện qua các ý chủ đạo sau: (1) những đóng góp về vật chất của người phụ nữ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; (2) những đóng góp về tinh thần của người phụ nữ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc

– Tên chương trình: Chương trình cuộc thi “Gánh tình hậu phương” (Cuộc thi tìm hiểu những đóng góp về vật chất và tinh thần của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mang tên “Gánh tình hậu phương”).

3. Nội dung, hình thức và thời lượng chương trình

– Tóm tắt nội dung chương trình: trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, người phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn về nguồn lực cải vật chất và cả nguồn lực văn hóa tinh thần. Tất cả những đóng góp đó đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp dân tộc Việt Nam chiến thắng được mọi kẻ thù xâm lược hùng mạnh hơn ta gấp nhiều lần, để giành lấy độc lập tự do, thống nhất đất nước.

– Hình thức thể loại chương trình: chương trình cuộc thi

– Tổng thời lượng chương trình: 60 phút

4. Thời gian, địa điểm biểu diễn chương trình

– Thời gian biểu diễn: 19 giờ 30 phút

– Địa điểm biểu diễn: Trung tâm văn hóa thành phố Thủ Đức

5. Thành phần thực hiện chương trình

– Danh nghĩa tổ chức: là tổ chức có tư cách pháp nhân chủ sở hữu chương trình nhưng không trực tiếp tổ chức sản xuất chương trình

– Đơn vị thực hiện: là đơn vị tổ chức sản xuất chương trình

– Tài trợ: là đóng góp vật chất cho chương trình

– Bảo trợ: là đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo bọc cho chương trình

Phần II. Chương trình chi tiết

1. Tiết mục mở

– Tên tiết mục: trình diễn thời trang “Dáng đứng Việt nam”

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của tiết mục trình diễn thời trang.

Gợi ý: bộ sưu tập thời trang áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam trải qua một số thời kỳ lịch sử văn hóa, gắn với các nhân vật nữ anh hùng hay các thời kỳ lịch sử tiêu biểu như: áo dài phụ nữ thời Hai Bà Trưng, áo dài phụ nữ thời Nam Phương hoàng hậu, áo dài phụ nữ thời kháng chiến chống Pháp, áo dài phụ nữ thời kháng chiến chống Mỹ, áo dài phụ nữ thời giải phóng, thống nhất đất nước, áo dài phụ nữ thời kỳ đổi mới…    – Hình thức: nhóm người mẫu thời trang nữ

– Thời lượng: 05 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

2. Phần khai mạc

– Tên phần: khai mạc cuộc thi

Lưu ý: khai mạc thường là một cuộc lễ, bao gồm nhiều nghi lễ/tiết mục diễn ra theo một trình tự, nguyên tắc nhất định, mang tính trang trọng; nhằm loan báo đến công chúng lý do, mục đích, ý nghĩa, nội dung, hình thức, thể thức tiến hành các hoạt động và đánh dấu thời điểm chính thức bắt đầu cho hoạt động đó.

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của phần khai mạc.

Gợi ý: lễ khai mạc thường bao gồm các nội dung; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, phát biểu khai mạc, thông qua thể lệ thi, giới thiệu ban tổ chức/ban giám khảo chấm thi, giới thiệu các đội thi/người thi.

– Hình thức: ngôn ngữ nói của người dẫn chương trình, đại biểu

– Thời lượng: 05 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

3. Phần thi 1

– Tên phần thi: “Lá ngụy trang”

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của phần thi.

Gợi ý: phát triển nội dung ý chủ đạo “những đóng góp về vật chất của người phụ nữ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc” thành các nội dung thi cụ thể như sau:

Nội dung thi 1: gói quà gửi ra tiền tuyến

Nội dung thi 2: may áo gửi ra tiền tuyến

Nội dung thi 3: ngụy trang gánh quà gửi ra tiền tuyến

Nội dung thi 4: gánh quà ra tiền tuyến

– Hình thức: thi đồng đội nữ (mỗi đội 10 người), liên hoàn các nội dung thi với nhau.

Gợi ý: xây dựng hình thức thi từ các nội dung thi đã xác định

Hình thức nội dung thi 1: gói bánh tét với các vật liệu quy định và có sẵn

Hình thức nội dung thi 2: may áo với các vật liệu quy định và có sẵn

Hình thức nội dung thi 3: ngụy trang gánh quà với các vật liệu quy định và có sẵn

Hình thức nội dung thi 4: gánh quà đã ngụy trang vượt chướng ngại vật quy định

– Yêu cầu: mô tả tiêu chí tính thắng và thua của các nội dung thi

Gợi ý: tiêu chí cơ bản để tính thắng hay thua của các nội dung thi

Tính số lượng nhiều hay ít

Tính thời gian nhanh hay chậm

Tính khéo tay, đẹp hay xấu

Tính biểu diễn trên sân khấu

Tính đồng đội, làm việc tập thể

– Thời lượng: 20 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

Gợi ý: sân khấu chia thành hai không gian, khu vực trước thềm sân khấu là hậu phương, khu vực sàn sân khấu là tiền tuyến; mỗi khu vực chia diện tích mặt nền đều nhau cho các đội thi; thiết kế đầy đủ vật liệu, đạo cụ theo các nội dung thi, thẩm mỹ, an toàn. Các nội dung thi liên tục diễn ra theo một trật tự và quy định thống nhất về thời gian bắt đầu và kết thúc (khuyến khích làm nhanh). Âm thanh các nội dung thi tạo cảm giác gay cấn, thúc giục; kết hợp âm nhạc và lời dẫn kiểu quản trò, hoạt náo. Hình ảnh, có một đội trưởng (đạo diễn) chỉ huy dàn cảnh sân khấu (diễn xuất, thẩm mỹ) để tổ chức các hành động thi của tất cả các thành viên trong đội của mình (diễn viên). Đặc biệt là nội dung thi gánh quà ngụy trang ra tiền tuyến, diễn ra trên sân khấu, mỗi đội có hai người gánh tiếp sức, các đội gánh di chuyền theo các truyến khác nhau, vừa gánh đi vừa diễn xuất trên nền âm nhạc và lời thoại, vượt qua các trở lực trên đường đi như: vật cản đường, ánh sáng đèn pha, hố bom, lính canh gác để về đích an toàn và nhanh nhất.

4. Phần thi 2

– Tên phần thi: “Tình hậu phương”

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của phần thi.

Gợi ý: phát triển nội dung ý chủ đạo “những đóng góp về tinh thần của người phụ nữ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc” thành nội dung thi cụ thể như:

Phản ánh và thể hiện tình cảm của những người phụ nữ ở hậu phương về hoàn cảnh sống và chiến đấu của bộ đội Việt Nam ở chiến trường qua hoạt động sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật.

– Hình thức: thi đồng đội nữ (mỗi đội 10 người), liên hoàn các nội dung thi với nhau.

Gợi ý: xây dựng hình thức thi từ nội dung thi đã xác định

Xem một đoạn video clip hoặc bức tranh, ảnh hay tượng về cảnh sống và chiến đấu của bộ đội ở chiến trường;

Sáng tác đoạn thơ hoặc đoạn nhạc phản ánh và thể hiện tình cảm của mình về hoàn cảnh sống và chiến đấu của bộ đội qua xem video clip hoặc bức tranh, ảnh hay tượng;

Biểu diễn ca hoặc diễn ngâm nội dung của các đoạn thơ hoặc nhạc vừa sáng tác; kết hợp với biểu diễn minh họa múa hoặc hoạt cảnh sân khấu cho phần ca hay diễn ngâm thơ.

– Yêu cầu: mô tả tiêu chí tính thắng và thua của các nội dung thi

Gợi ý: tiêu chí cơ bản để tính thắng hay thua của các nội dung thi

Tính thời gian nhanh hay chậm

Tính sáng tác

Tính dàn dựng

Tính biểu diễn

Tính đồng đội, làm việc tập thể

– Thời lượng: 20 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

Gợi ý: có thể cho các đội chuẩn bị trước nội dung sáng tác và dàn dựng; tại thời điểm thi trên sân khấu chỉ mô tả lại quá trình thi của hai nội dung đó qua video clip. Nội dung thi thứ ba bắt buộc phải biểu diễn trực tiếp tại sân khấu.

5. Phần bế mạc

– Tên phần: bế mạc cuộc thi

Lưu ý: bế mạc thường cũng là một cuộc lễ, bao gồm nhiều nghi lễ/tiết mục diễn ra theo một trình tự, nguyên tắc nhất định, mang tính trang trọng.

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của phần bế mạc.

Gợi ý: lễ bế mạc thường bao gồm các nội dung/ tiết mục như: báo cáo nhận xét, đánh giá cuộc thi của ban giám khảo; tổng kết đánh giá của tổ chức; công bố kết quả cuộc thi; trao giải cuộc thi; phát biểu bế mạc cuộc thi.

– Hình thức: ngôn ngữ nói của người dẫn chương trình, đại biểu

– Thời lượng: 05 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

6. Tiết mục kết

– Tên tiết mục: ca múa “Tự hào người phụ nữ Việt nam”

– Nội dung: mô tả tóm tắt nội dung ý nghĩa của bài hát.

Gợi ý: viết lời mới cho một làn điệu dân ca Nam bộ dựa trên định hướng nội dung/ý chủ đạo là “ca ngợi sức mạnh trí tuệ và tâm hồn của người phụ nữ”.

Ví dụ: viết lời mới theo làn điệu Lý Chim Xanh (Dân ca Nam bộ)

Đoạn 1:

Quê hương đất nước xinh tươi, tự hào năm xưa

Kiên trung, vẹn tình phụ nữ Việt Nam anh hùng

Triệu người dân quyết chung một lòng

Thề nguyện theo Đảng ta

Chung lòng yêu nước, cứu quốc

Dựng thành hậu phương.

        Đoạn 2:

Hôm nay phụ nữ hân hoan, tự hào đi lên

Chung tay, ta cùng vun đắp dựng xây nước nhà

Từ hậu phương khó khăn đói nghèo

Chìm trong tăm tối xưa

Nay là vùng đất, đổi mới

Rộng ràng đông vui.

Đoạn 3:

Vinh danh phụ nữ Việt Nam, thời (đại) Hồ Chí Minh

Vang danh anh hùng, bất khuất, đảm đang, trung hậu

Cùng nhau ta, cất cao câu hò

Cùng nhau ta, hát vang

Mừng người phụ nữ, hùng anh

Người mẹ Việt Nam.

        Hát lặp lại câu kết:

Chung lòng yêu nước, cứu quốc, vững vàng hậu phương.

Vẹn tròn tổ ấm, hạnh phúc, nhà nhà an vui.

Muôn đời tim khắc, tâm nhớ người mẹ Việt Nam.

– Hình thức: tốp ca múa nam, nữ

– Thời lượng: 03 phút

– Gợi ý dàn cảnh: mô tả hành động sân khấu.

Gợi ý: sau khi trao giải xong, âm thanh liên kết ngay vào nhạc intro bài hát của tiết mục kết, trên nền câu hát lặp lại ở cuối bài lý người dẫn chương trình nói lời kết thúc chương trình và chào tạm biệt khán giả.

7. Cảnh kết

Múa minh họa (5 nhóm) trên nền bài hát cải biên từ điệu Lý Chim xanh

– Nhóm 1: điệu múa nữ nông dân (trang phục và đạo cụ phù hợp)

– Nhóm 2: điệu múa nữ công nhân (trang phục và đạo cụ phù hợp)

– Nhóm 3: điệu múa nữ quân đội và công an (trang phục và đạo cụ phù hợp)

– Nhóm 4: điệu múa nữ doanh nhân (trang phục và đạo cụ phù hợp)

– Nhóm 5: điệu múa nữ trí thức (trang phục và đạo cụ phù hợp)

Cả năm nhóm đồng thời múa chung một điệu múa và kết hình tượng tất cả phụ nữ Việt Nam cùng đồng tâm, hiệp lực tiến lên trong thời đại mới.

Phần III. Phụ lục

1. Văn bản

– Văn bản ca khúc có trong chương trình

– Văn bản lời bài hát dân ca có trong chương trình

– Văn bản lời dẫn chương trình, lời thuyết minh, lời tuyên truyền…

– Văn bản kịch có trong chương trình

2. Hình ảnh (nếu có)

– Thiết kế sân khấu

– Thiết kế phục trang

– Thiết kế đạo cụ

– Logo chương trình

– Hình ảnh minh họa khác

3. Âm thanh – Multimedia (nếu có)

– Nhạc nền cho biểu diễn ca, múa, kịch, thời trang…

– Nhạc biểu diễn độc lập

– Sản phẩm multimedia minh họa

– Sản phẩm multimedia trình chiếu độc lập

Trịnh Đăng Khoa

error: Content is protected !!