Đại học Văn hóa TP.HCM góp phần nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở ở TP.HCM

Hội thảo khoa học

ĐUK BVHTTDL | 2015

VAI TRÒ CỦA ĐẠI HỌC VĂN HÓA TP. HỒ CHÍ MINH VỚI VIỆC GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA TINH THẦN TẠI CÁC THIẾT CHẾ VĂN HÓA CƠ SỞ Ở TP. HCM

Tóm tắt:

Hiện nay, việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một trong những chủ trương có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa, xây dựng con người phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước. Thực tiễn trong thời gian qua, hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò quan trọng trong việc tổ các hoạt động văn hóa tinh thần, nhiệm vụ chính trị xã hội mà Đảng và Nhà nước giao phó. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở ở thành phố cho thấy không phải ở đâu, lúc nào cũng đều đạt được những kết quả như mong muốn, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là thiếu đội ngũ nhân lực có chất lượng cao. Trong bối cảnh đó, Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh đã thể hiện vai trò, vị trí của mình là một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành văn hóa chủ lực của miền Nam. Trong tham luận này, chúng tôi sẽ làm rõ hơn mỗi quan hệ hữu cơ giữa Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh với việc nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa tinh thần tại hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở ở Tp. Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, văn hóa cơ sở

1. Quản lý văn hóa (QLVH) – ngành đào tạo chủ lực của trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh

Sau gần 40 năm thành lập trường, quy mô đào tạo nguồn nhân lực ngành QLVH tại trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh không ngừng gia tăng với nhiều cấp bậc và loại hình đào tạo với nòng cốt là Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật; Khoa Tại chức và Khoa Cao học. Hiện nay Khoa QLVH,NT có hơn 4.000 sinh viên đang theo học ở 3 bậc cao đẳng, đại học và cao học với hai hình thức chính quy và không chính quy. Với quy mô đào tạo như trên, hàng năm, trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh cung cấp cho thị trường lao động hơn 500 sinh viên ngành QLVH, trở thành cơ sở có quy mô đào tạo nguồn nhân lực ngành QLVH lớn nhất khu vực phía Nam.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực ngành QLVH, trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh đã tập trung nghiên cứu để xây dựng chương trình đào tạo có sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết với thực hành, giữa lý luận với thực tiễn; chú trọng rèn luyện, xây dựng những kỹ năng nghề nghiệp cho người học. Trong đó, tổ chức hoạt động văn hóa tinh thần tại các thiết chế văn hóa cơ sở là một trong những kỹ năng chuyên sâu mà người học sẽ có được trong quá trình học tập tại trường. Vì vậy, sinh viên, học viên tốt nghiệp ngành QLVH tại trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh khi ra trường không chỉ vững về lý thuyết, tư tưởng chính trị mà kỹ năng thực hành nghề nghiệp khá tốt, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng. Đó cũng là cơ sở để chứng minh khả năng cung ứng nguồn lao động đáp ứng nhu cầu cho thị trường lao động tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vị trí, thực hiện sứ mệnh của mình đối với xã hội.

2. Môi trường thực tập, thực hành nghề nghiệp và thị trường lao động ngành QLVH tại Tp. Hồ Chí Minh

Lợi thế lớn của Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh so với các cơ sở đào tạo cùng ngành QLVH khác ở khu vực phía Nam là được đặt tại nội thành Tp. Hồ Chí Minh. Đây là một siêu đô thị, một trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa lớn nhất Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của khoảng 10 triệu dân, cũng như để thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội, Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng một mạng lưới với hàng trăm các thiết chế văn hóa cơ sở như Trung tâm văn hóa – Thể thao, Nhà văn hóa… từ cấp thành phố, cấp quận – huyện , cấp phường – xã đến khu phố. Mạng lưới các thiết chế văn hóa này chính là môi trường quý giá để sinh viên, học viên ngành QLVH gắn kết giữa hệ thống kiến thức lý thuyết trên lớp với giải quyết các vấn đề của thực tiễn thông qua quá trình thực hành, thực tập nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, thực tiễn hiện nay cho thấy, chất lượng các hoạt động văn hóa tinh thần tại các thiết chế văn hóa cơ sở ở Tp. Hồ Chí Minh còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, chưa có nhiều năng lực cạnh tranh so với các loại hình giải trí khác. Một trong những nguyên nhân chính của thực trạng trên là các thiết chế văn hóa này chưa xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực được đào tạo chính quy, bài bản có thể đáp ứng yêu cầu công việc tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần trong một môi trường đặc thù như Tp. Hồ Chí Minh. Chính điều đó đã hình thành thị trường lao động quan trọng để người học ngành QLVH tại Tp. Hồ Chí Minh có cơ hội tiếp cận và lao động nghề nghiệp đúng với chuyên môn nghề nghiệp đã được đào tạo, từ đó, hạn chế nạn thất nghiệp, chống lãng phí trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành QLVH. Đồng thời, việc hình thành một thị trường lao động ngành QLVH đa dạng, phong phú và rộng lớn ở Tp. Hồ Chí Minh đã tạo nên tính cạnh tranh một cách công bằng, bình đẳng và dân chủ giữa người lao động với nhau và giữa các thiết chế văn hóa cơ sở với nhau, từ đó, tạo động lực cho người lao động ngành QLVH trong việc nỗ lực rèn luyện, phấn đấu trau dồi chuyên môn nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn lao động.

3. Triển vọng liên kết, hợp tác giữa Đại Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh và các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh

Thực tế phát triển đời sống văn hóa tinh thần của người dân Tp. Hồ Chí Minh hiện nay cho thấy các thiết chế văn hóa cơ sở tại thành phố chưa đáp ứng được hết nhu cầu ngày càng cao của người dân trong hưởng thụ các giá trị văn hóa. Phần lớn những sản phẩm văn hóa tinh thần do các cơ sở này cung cấp không bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của thị hiếu thẩm mỹ nghệ thuật từ công chúng. Thậm chí, nhiều thiết chế văn hóa cơ sở “đứng ngoài lề” của đời sống xã hội vốn vô cùng sôi động, sống động, phong phú và chuyển biến mau lẹ hàng ngày, hàng giờ. Hệ quả của thực trạng này là các thiết chế văn hóa cơ sở giảm sút vai trò của mình trong đối với xã hội, từ đó không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chính trị xã hội của mình. Để khắc phục thực trạng trên, một giải pháp đầy triển vọng, khả thi là các cơ sở này cần tăng cường tiếp nhận lực lượng sinh viên được đào tạo ngành QLVH tại trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh về cơ sở thực hành, thực tế, thực tập tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần cho người dân tại địa phương mình. Với những ưu thế và chất lượng của chương trình đào tạo, chắc hẳn các thiết chế văn hóa cơ sở này sẽ được hưởng lợi nhiều từ lực lượng sinh viên thực tập, kiến tập, thực hành.

Mặt khác, ngoài việc tiếp nhận sinh viên về thực tập, kiến tập, các thiết chế văn hóa cơ sở tại Tp. Hồ Chí Minh còn có thế liên kết đặt hàng trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh tham gia xây dựng và thực hiện các dự án, đề án nhằm tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần theo kế hoạch hàng năm của thành phố, hoặc phối kết hợp mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn để nâng cao chuyên môn và tạo nguồn cán bộ cho đơn vị mình. Thực hiện giải pháp này sẽ đạt được mục tiêu “đôi bên cùng có lợi”. Về phía các thiết chế văn hóa sẽ có điều kiện để nâng cao chất lượng chương trình, tăng hàm lượng sáng tạo trong các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, bởi chương trình được hợp tác xây dựng với đội ngũ những sinh viên trẻ, được học hành bài bản cùng với cách nghĩ và cách làm đầy sáng tạo, bắt kịp hơi thở và nhịp sống của thời đại mới, phù hợp với sự vận động và phát triển mạnh mẽ của một đô thị như Tp. Hồ Chí Minh. Về phía sinh viên và giảng viên trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh, đây là cơ hội quý giá để họ gắn kết giữa lý thuyết với thực hành, giữa lý luận với thực tiễn, qua đó có những cải tiến nhất định trong quá trình triển khai các phương pháp dạy và học, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đạo tạo nguồn nhân lực ngành QLVH cho đất nước.

Thay lời kết

Tóm lại, sau gần 40 năm hình thành, xây dựng và phát triển, hiện nay trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh đã trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực ngành văn hóa lớn nhất ở phía Nam. Thực hiện sứ mệnh “Trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh là một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, truyền thông và du lịch chuẩn mực, chất lượng, tiên tiến, thân thiện và phù hợp nhu cầu xã hội”, đến nay, Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh đã cung cấp cho ngành Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, khu vực Miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ một lực lượng lớn nguồn nhân lực ngành QLVH. Lực lượng này đã đóng góp tích cực vào công tác xây dựng và phát triển đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố nói chung, khu vực phía Nam nói riêng, từ đó, góp phần thực hiện thành công tinh thần của Nghị Quyết Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Văn Ánh, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Văn Hy (2002), Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  2. Trần Văn Ánh, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Văn Hy (2002), Đại cương công tác Nhà văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  3. Cục Văn hóa cơ sở, (2013), Tài liệu nghiệp vụ văn hóa cơ sở, Nxb. Hà Nội.
  4. Phạm Minh Hạc (2001), Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Chính trị quốc quốc gia.
  5. Vũ Văn Phúc & Nguyễn Duy Hùng (2012), Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia.
  6. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2011), “Quy hoạch phát triển nhân lực thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2020”.
  7. Nghị Quyết Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI.
  8. Website Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh: http://www.hcmuc.edu.vn/

 

 

 

 

 

 

error: Content is protected !!