Tạp chí Văn hóa nghệ thuật
Số 1 | 2007
ĐÁM RƯỚC TƯỢNG BÀ TRÊN ĐỈNH NÚI SAM
- Lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam
Lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam là một lễ hội tín ngưỡng dân gian được diễn ra từ ngày 23 đến 27 tháng tư âm lịch hàng năm tại miếu Bà Chúa xứ thuộc xã Vĩnh Tế (nay là phường núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang). Mặc dù lễ hội chính thức được diễn ra vào những ngày cuối tháng tư, nhưng bắt đầu từ rằm tháng giêng dòng người từ khắp nơi cả trong và ngoài nước đã nô nức cho chuyến hành hương “đi vía Bà”. Hàng năm lễ hội này đã thu hút hơn 2 triệu lượt khách hành hương đến đây để viếng Bà kết hợp với tham quan – du lịch.
Lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam, xét về cấu trúc gồm có hai phần tương đối rõ rệt là lễ và hội. Về trình thức của lễ hội này được diễn ra tương tự như lễ hội kỳ yên (lễ hội cúng đình) phổ biến khắp vùng Nam bộ với các hoạt động cụ thể như sau:
- Lễ “Tắm Bà” được cử hành vào lúc 0 giờ đêm 23 rạng sáng 24 tháng 4 âm lịch;
- Lễ “Thỉnh sắc”, tức rước sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân từ lăng Thoại Ngọc Hầu (Sơn lăng) về miếu Bà, được cử hành lúc 15 giờ chiều ngày 24;
- Lễ “Túc yết”, tức dâng lễ vật và tiến hành cúng Bà lúc 0 giờ khuya đêm 25 rạng 26; ngay sau đó là lễ “Xây chầu” mở đầu cho việc hát Bội tại Võ ca của miếu;
- Lễ “Chánh tế” (tương tự như lễ “Túc yết”) vào lúc 4 giờ sáng ngày 27, và 16 giờ chiều cùng ngày là lễ “Hồi sắc”, tức đem sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân về lại Sơn lăng.
Trong các lễ hội dân gian thì thần linh luôn là đối tượng được suy tôn và thờ kính. Chính thần linh là trung tâm để thu hút, gắn kết mọi người từ khắp nơi tụ hội về bên nhau; trước là để chiêm bái, cầu nguyện và thể hiền lòng thành của mình đối với người mà họ tin là đã có công phù hộ, yểm trợ cho cả cộng đồng được “Quốc thái dân an”; sau là tổ chức các hoạt động vui chơi, đám tiệc, hội hè. Vì thế mới nói “phi lễ bất thành hội”.
Với lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam thì đối tượng được suy tôn chính là Bà Chúa xứ – Bà mẹ xứ sở. Trong niềm tin tâm linh của người dân bản địa thì Bà Chúa xứ là người đã che chở, yểm trợ và phù hộ cho sự bình an, may mắn và phát đạt của tất cả cộng đồng. Chính vì thế họ còn có cách gọi thành kính khác dành cho Bà là “Chúa xứ thánh mẫu”. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì tín ngưỡng thờ “Chúa xứ thánh mẫu” hay “Linh sơn thánh mẫu” (ở lễ hội núi Bà Đen – Tây Ninh) trong tâm thức dân gian của người dân Nam bộ có mối quan hệ với tín ngưỡng thờ mẫu và là kết quả của sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người Kinh, Hoa, Khmer, Chăm cùng cộng cư trên vùng đất này. Vậy Bà Chúa xứ là ai?
Cho tới nay việc khẳng định về xuất xứ và nguồn gốc Bà Chúa xứ có nhiều ý kiến lý giải khác nhau.
Về nguồn gốc pho tượng: các nhà nghiên cứu cho biết, tượng Bà Chúa xứ núi Sam ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ VI đầu thế kỷ thứ VII, bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao. Pho tượng này thuộc nền văn hóa Óc Eo, được tạo hình theo mô típ mỹ thuật Bà la môn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, thực ra đây không phải là tượng người phụ nữ mà là tượng nam thần đang ngồi với dáng vẻ trầm tư, nghĩ ngợi, thường gặp trong các tín ngưỡng chịu ảnh hưởng của Bà la môn giáo.
Theo nhà văn Sơn Nam thì: “Tượng của Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Người Việt đưa tượng vào miễu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó “Bà Chúa xứ” là vị thần có quyền thế lớn ở khu vực ấy, xứ ấy…”[1]
Về truyền thuyết Bà Chúa xứ:
Truyền thuyết thứ nhất: những năm 1820 – 1825, giặc Xiêm thường sang nước ta quấy nhiễu, cướp bóc. Trong một lần họ rượt đuổi ttheo dân làng lên đến đỉnh núi Sam thì phát hiện nơi đây có một pho tượng bằng đá xanh. Chúng đã cậy ra, lấy dây buộc lại dùng đòn khiêng xuống núi để mang về xứ. Nhưng khi bọn chúng mới khiêng đi được một đoạn đường ngắn thì lạ thay pho tượng bỗng dưng nặng trĩu không thể nào nhấc lên được nữa. Khi đó, một tên trong bọn tức giận đập vào cốt tượng làm gãy một phần cánh tay bên trái. (hiện nay pho tượng thờ tại miếu Bà cánh tay bên trái không còn nguyên vẹn). Sau đó cả bọn đã kéo đi và bỏ lại pho tượng này. Ít lâu sau, trong làng có một bé gái đang đùa giỡn bỗng dưng ngồi lại, mặt đỏ bừng, đầu lắc lư, tự xưng là Chúa xứ thánh mẫu và nói với các bô lão: “Tượng Bà đang ngự trên núi, bị giặc Xiêm phá hại, dân làng hãy đưa Bà xuống thì Bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành hành”. Dân làng bàn nhau rồi huy động các tráng đinh lập tức lên núi để khiêng tượng xuống lập miếu phụng thờ. Tuy nhiên, mặc dù có rất nhiều trai làng khỏe mạnh nhưng không làm sao nhấc pho tượng lên được. Các cụ cho rằng: “chắc là chưa trúng ý Bà” nên cử người cầu khấn. Quả nhiên bé gái hôm nọ lại được Bà đạp đồng mách bảo: “Hãy chọn chín cô gái đồng trinh để đem Bà xuống núi”. Dân làng mừng rỡ tuyển chọn chín cô gái dẫn lên núi, xin phép Bà được đưa cốt tượng xuống. Lạ thay, chín cô gái khiêng Bà đi một cách nhẹ nhàng. Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch trở lại, các cô không sao khiêng tiếp đi được nữa. Dân làng tiến hành tổ chức xin keo thỉnh ý Bà, quả keo linh ứng thể hiện ý Bà muốn an vị nơi đây. Sau đó dân làng đã tiến hành lập miếu để thờ Bà chính tại nơi của ngôi miếu Bà ngày nay.
Truyền thuyết thứ hai: khi được vua giao trọng trách vào trấn giữ vùng biên cương phía Tây Nam, ông Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu) đã chọn làng Vĩnh Tế làm nơi đóng quân, chống giặc ngoại xâm. Ông lập châu quận để tiến hành các việc được vua giao như khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi. Làng Vĩnh Tế xưa còn hoang sơ, nhiều cây rừng và đầy thú dữ. Mỗi lần ông Thoại Ngọc Hầu xuất chinh đi đánh giặc, vì thương chồng, bà Châu Thị Tế hay lên đỉnh núi Sam và đến bên một pho tượng đá khấn nguyện cho chồng thắng trận trở về. Trong một lần thắng trận trở về, bà Tế kể cho chồng nghe chuyện ngày ngày lên tượng đá trên đỉnh núi Sam khấn nguyện. Bà ngỏ ý mong ông cho dời pho tượng ấy xuống núi, lập miếu thờ để báo ân đấng linh thiêng. Cảm kích trước chân tình của vợ, ông Thoại Ngọc Hầu đã cho dân làng lên núi dời pho tượng xuống. Sau khi làm lễ khấn vái xin thỉnh tượng đi, nhưng hàng trăm lượt người dân làng Vĩnh Tế vẫn không tài nào nhấc nổi pho tượng. Một đêm, bà Tế nằm mộng nghe Bà Chúa xứ hiện thân từ tượng đá trên đỉnh núi báo rằng, phải chọn chín cô gái đồng trinh lên núi khiêng thì tượng đá mới chịu đi. Theo lời báo mộng, ngay hôm sau trưởng làng Vĩnh Tế lập đàn cầu khấn, rồi cử chín cô gái đồng trinh lên núi thỉnh tượng. Tượng đá được khiêng đi, nhưng vừa xuống chân núi thì bỗng trở nặng bất thường. Dân làng cho rằng, Bà muốn chọn nơi đây làm chốn ngự cuối cùng. Vì thế, dân làng đã lập miếu thờ Bà tại địa điểm gọi là miếu Bà Chúa xứ núi Sam ngày nay.
Có khá nhiều câu chuyện truyền miệng khác nữa trong dân gian về nguồn gốc và sự linh thiêng của Bà. Nhưng nhìn chung, đa số đều thống nhất một chi tiết là pho tượng được thờ trong miếu Bà hiện nay, trước đây được đặt trên đỉnh núi Sam. Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện và chứng minh cho điều này là bệ đá Bà ngồi trước đây vẫn còn tồn tại trên triền núi Sam. Bệ đá có chiều ngang 1.60m dài 0.3m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0.34m, loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn. Bệ đá này trùng khớp về kích cỡ và chất liệu với pho tượng Bà đang thờ hiện nay.
- Đám rước tượng Bà trên đỉnh núi Sam
Như đã nói, lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam hàng năm được diễn ra từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch. Nhưng kể từ sau khi được nâng cấp Quốc gia (2001), Ban Tổ chức đã tiến hành xây dựng chương trình “tuần lễ hội Quốc gia vía Bà Chúa xứ núi Sam” trên cơ sở đan xen giữa các nghi lễ cổ truyền vốn có của lễ hội đồng thời với việc kết hợp bổ sung thêm một số hoạt động văn hóa-nghệ thuật-thể thao mới nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hoạt động của lễ hội hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách đến hành hương viếng Bà. Một trong những hoạt động hội mới đó chính là chương trình sân khấu hóa phục hiện đám rước tượng Bà Chúa xứ trên đỉnh núi Sam.
Kịch bản chương trình được nghiên cứu, biên soạn khá công phu và chi tiết trên cơ sở nội dung của các truyền và ý thức về niềm tin tâm linh trong tâm thức của người dân bản xứ hướng về nguồn gốc của pho tượng cùng với sự linh ứng của nó.
Kịch bản được xây dựng theo dạng thức của kịch bản sân khấu nghĩa là có cốt chuyện, nội dung và tình tiết được hư cấu. Kịch bản được bố cục làm ba phần mở đầu, phát triển và kết thúc cụ thể như sau:
Phần một – “Hội làng”: tái hiện không khí ngày hội được mùa và báo công khẩn hoang, lập ấp của người dân làng Vĩnh Tế. Trong ngày hội này dân làng bày tỏ nguyện vọng muốn có một nơi thờ tự để củng cố niềm tin tâm linh và ổn định đời sống tinh thần nơi vùng đất mới – tân cương biên trấn.
Phần hai – “Thỉnh tượng”: thể theo ý nguyện của dân làng, các thanh niên trai tráng đã lên đỉnh núi Sam – nơi mà trong lúc đi khai hoang, mở đất trước đây họ đã phát hiện có một pho tượng bằng đá xanh ngự trị ở đó để thỉnh tượng về lập miếu thờ. Cùng với các trai tráng còn có đông đảo bà con dân làng cùng tham gia đám rước lên đỉnh núi Sam theo trật tự như sau: dẫn đầu là đoàn lân, tiếp theo là các tốp trống-chiêng, tốp rước cờ, tốp các bô lão, tốp binh khí đi hai bên chính giữa là kiệu và theo sau cùng là dân làng 4 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm cùng cộng cư tại vùng đất này (đám rước do 500 diễn viên tham gia trình diễn).
Đến nơi thỉnh tượng[2] các bô lão đã tiến hành nghi lễ xin rước tượng xuống núi. Mặc dù đã tuyển chọn những “tráng đinh” của làng (người trẻ, khỏe) để thi hành việc này nhưng họ vẫn không sao nhấc nổi pho tượng lên. Sau đó là những tình tiết của câu chuyện mang màu sắc tâm linh đã được diễn ra theo hình thức trình diễn sân khấu như: trong lúc mọi người đang hoang mang thì bất ngờ có giọng một người phụ nữ vang vọng lên một cách thanh thoát và đầy uy lực tự xưng là Chúa xứ thánh mẫu và bảo rằng cần phải có chín thiếu nữ đồng trinh mới rước Bà đi được. Dân làng lập tức làm theo lời báo ứng và quả thật chín cô gái đã nhấc được pho tượng lên kiệu (pho tượng được cách điệu bằng áo và mão của Bà) sau đó chín thiếu nữ đã khiêng kiệu xuống núi. (chín cô gái do các nữ học sinh đóng vai, và dọc đường xuống núi có chín tốp thay phiên nhau để khiêng kiệu về tới miếu Bà).
Có thể thấy, rằng phần hai này chính là cao trào của đám rước. Các màn trình diễn sân khấu hóa có thể được xem như là một hình thức phát triển mới hơn từ các trò diễn trong lễ hội tín ngưỡng dân gian xưa. Mục đích của các trò diễn không chỉ là sự thể hiện tài năng trình diễn nghệ thuật mà cốt yếu chính là qua các hành động này nhằm ôn lại các tích hoặc là kể về công đức to lớn, tiêu biểu nào đó lúc sinh thời của các vị thần linh được người dân tôn thờ. Đồng thời, qua đó hầu nhắc nhỡ cho con cháu đời sau hiểu, biết để gìn giữ và lưu truyền. Trong trường hợp của đám rước này các cảnh diễn sân khấu hóa như trên cũng không nằm ngoài mục đích là thể hiện sự linh thiêng của Bà chúa xứ. Các cảnh diễn đạt tới sự thăng hoa của nó không chỉ do tài diễn xuất của các diễn viên mà còn là vì giữa người diễn và người xem lúc này đã có sự đồng cảm cao với nhau trong một niềm tin tâm linh xuyên suốt. Sự cộng cảm này chính là một trong những giá trị đặc trưng – thể hiện cái thiêng của hội.
Phần ba – “An vị”: đoàn rước kiệu từ trên đỉnh núi sam đi xuống tới chân núi và tiến thẳng về miếu Bà (theo truyền thuyết Bà đã chọn nơi này an vị). Tại miếu Bà được bố trí một tốp dân làng ra chào đón đoàn rước tượng về. Ban Quản trị lăng miếu núi Sam rước kiệu vào chánh điện. Sau đó áo, mão được tiếp nhận để cúng ra mắt Bà và dùng để thay cho Bà trong lễ “Tắm Bà” diễn ra vào ngày tiếp theo. Lúc này bên ngoài sân miếu diễn ra các hoạt động như: múa lân, sư, rồng; trình diễn nghệ thuật ca múa nhạc với nội dung mừng đoàn rước đã thỉnh được tượng Bà về tới nơi an vị.
Một bất ngờ khá thú vị cho Ban Tổ chức chương trình sân khấu hóa phục hiện đám rước tượng Bà Chúa xứ núi Sam lần đầu tiên này chính là sự hưởng ứng một cách nhiệt tình ngoài mong đợi của đông đảo du khách hành hương có mặt tại thời điểm đó. Có thể ước tính, nếu con số diễn viên tổng cộng cho chương trình sân khấu hóa lúc bấy giờ là 500 người thì số người dân tự nguyện tháp tùng cùng đám rước từ chân núi về miếu Bà là gấp 5 lần như thế. Hơn 2000 quần chúng đã tự nguyện xếp hàng một cách trật tự và đi theo đám rước sân khấu hóa trên một đoạn đường dài 1.5 km từ chân núi Sam về tới miếu Bà. Trong khi đó tại khuôn viên ngôi miếu Bà hàng ngàn người dân cũng đã đứng chật kín các lối đi, khoảng trống nơi này để chờ đợi đoàn rước tượng Bà về. Có thể xem đây là hiện tượng hết sức đặc biệt và thành công đối với một hoạt động hội mới được bổ sung vào trong lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam.
10 năm, kể từ ngày lễ hội vía bà chúa xứ núi Sam được nâng cấp Quốc gia, đám rước tượng Bà cho tới nay đã không còn là một chương trình nghệ thuật sân khấu hóa thuần túy như kịch bản ban đầu nữa, mà nó đã nghiễm nhiên trở thành một hành động hội không thể tách rời trong chuỗi hoạt động và nghi lễ của lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam. Điều đó có nghĩa là không còn diễn viên phải hóa trang và biểu diễn cảnh dân làng tháp tùng cùng đám rước lên núi thỉnh tượng như trước đây mà thay vào đó là hàng chục ngàn người dân mỗi năm đã tụ hội về núi Sam để tự nguyện tham gia vào đám rước. Và họ đã thực sự trở thành những chủ thể đồng thời cũng là khách thể cùng góp phần tạo nên hành động hội này. Đây chính là giá trị đích thực của đám rước tượng Bà Chúa xứ núi Sam. Bởi nó phản ánh được bản chất cốt lõi của các lễ hội dân gian vốn có từ lâu đời trong kho tàng lễ hội của người Việt chúng ta.
Có thể nói, rằng chương trình phục hiện đám rước tượng Bà Chúa xứ núi Sam chính là kết quả tất yếu từ sự ứng xử văn hóa một cách hợp lý của chúng ta đối với lễ hội tín ngưỡng dân gian trong bối cảnh xã hội đương đại. Điều đó được thể hiện thông qua các yếu tố sau:
- Thứ nhất: hoạt động này đã kế thừa và bảo lưu các giá trị tinh thần cốt lõi của một lễ hội tín ngưỡng dân gian, đó chính là yếu tố tâm linh. Lễ rước tượng Bà không chỉ là một cuộc vui chơi đông người thuần túy mà tự nó đã tạo nên được một không khí hội hè thật sự tự nhiên, gần gủi, linh thiêng và thiết thực để người dự hội được tự do bày tỏ, thể hiện và khẳng định niềm tin tâm linh của chính mình.
- Thứ hai: chương trình phục hiện đám rước đã không quá rập khuôn theo các trình thức, nội dung, nghi lễ rườm rà, gò ép mà đã biết cải biên, chọn lọc những cái tinh túy nhất từ bản chất, nội dung và hình thức của các lễ hội cổ truyền; kết hợp với phương pháp tổ chức, trình diễn mới; sử dụng khéo léo các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm tạo nên sự thu hút, hấp dẫn đối với công chúng nhưng đồng thời không phá vỡ bầu không khí chung của một sinh hoạt văn hóa dân gian.
- Thứ ba: đám rước tượng bà chúa xứ được xem như là một hành động hội mới. Song nó đã gắn kết vào tổng thể chung của lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam một cách hợp lý, chặt chẽ, thống nhất cả về nội dung lẫn hình thức. Đám rước tượng Bà được ấn định tổ chức trước Lễ “Tắm bà” một ngày (vào lúc 14 giờ, ngày 22 tháng 4 hàng năm) để các áo, mão (cách điệu cho tượng Bà) được thỉnh về trong đám rước sẽ dùng làm trang phục mới thay cho Bà trong lễ “Tắm Bà” ngày hôm sau này.
Trên con đường của lịch sử phát triển ngày hôm nay không bao giờ không có sự tiếp thu có tính chất kế thừa của nền tảng lịch sử văn hóa. Lễ hội là một sản phẩm văn hóa của lịch sử được ra đời trong một giai đoạn, hoàn cảnh cụ thể nhất định nào đó và nó phản ánh một cách tổng thể, rõ ràng những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của xã hội đó. Vì thế lễ hội luôn được thay đổi qua từng chặng thời gian, nghĩa là nó luôn được bổ sung, bồi đắp những giá trị mới phù hợp với hoàn cảnh và nguyện vọng của người dân trong xã hội thực tại đồng thời loại trừ những giá trị đã lạc hậu, không còn phù hợp. Cho nên yếu tố bảo lưu, yếu tố cải biên và yếu tố mới phải hết sức được quan tâm và vận dụng một cách sáng tạo trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội đặc biệt là đối với các lễ hội tín ngưỡng dân gian hiện nay.
Có thể còn tồn tại đâu đó một số sai sót, khuyết điểm trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động lễ hội của địa phương. Song cũng nhận thấy, rằng sự không thuyên giảm số lượng du khách đến với lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam và luôn tăng lên đối với đám rước tượng Bà hàng năm trong bối cảnh mà công tác quản lý, tổ chức lễ hội của chúng ta nói chung đang còn gặp nhiều lúng túng và bất cập thì thành công bước đầu của nó là rất đáng được trân trọng và khích lệ.
Trịnh Đăng Khoa
[1] Sơn Nam,“Đồng bằng sông Cửu Long-nét sinh hoạt xưa”. NXB TP. HCM, tr.149-150
[2] là nơi có bệ đá sa thạch đã được các nhà khảo cổ học xác định chính là bệ đá mà trước đây dùng làm giá đỡ cho pho tượng Bà chúa xứ. Hiện nay tại địa điểm này Ban quản trị lăng miếu núi Sam đã cho xây một ngôi miếu nhỏ để thờ cúng. Miếu có hàng rào và cầu thang đi lên, phía dưới có một khoảng sân rộng để khách dừng chân, nghỉ ngơi và chiêm bái. Đây cũng là nơi diễn ra phần hai của đám rước này.