Đào tạo nghề đạo diễn sự kiện trong bối cảnh hiện nay

Tạp chí Văn hóa nghệ thuật

Số 328 | 2011

ĐÀO TẠO NGHỀ ĐẠO DIỄN SỰ KIỆN TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

Từ điển Tiếng Việt (2005) định nghĩa: “Sự kiện là cái gì, việc gì quan trọng đã xảy ra”. Tuy nhiên, hiện nay xung quanh thuật ngữ này có nhiều cách lý giải theo những quan điểm tiếp cận khác nhau. Theo cách hiểu thông thường thì “sự kiện” là những sự việc, hiện tượng quan trọng nào đó đã và đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội hoặc tự nhiên. Theo GS.TS Phạm Duy Khuê trong cuốn “Tổ chức và dàn dựng sự kiện” đã viết: “Sự kiện là sự việc xảy ra ở bất cứ lĩnh vực nào, vào thời điểm nào trong đời sống thường nhật (cả đời sống tự nhiên, xã hội và tư duy) của con người – của cộng đồng người, dù đem lại lợi ích to lớn hay tai hại – nguy nan cho cộng đồng; sự kiện có thể do thiên nhiên, hay con người gây ra…”[1]

Trong lĩnh vực kinh tế thuật ngữ “sự kiện” (event) thường được xem như là tất cả những gì có tính chất “điểm tụ” thu hút số đông nhằm nói lên một mục đích nào đó của chủ nhân sự việc khi hướng tới đối tượng của họ.

Trong lĩnh vực văn hóa “sự kiện” được hiểu như là “những cuộc hoạt động quan trọng, tập trung và nổi trội trong đời sống của các cộng đồng và tổ chức dưới các hình thức thuộc phạm trù văn hóa như: kỷ niệm, nhắc nhở và tôn vinh những giá trị có tính dấu mốc lịch sử của cộng đồng hay cá nhân, phô diễn và tôn vinh những giá trị văn hóa nghệ thuật hay thể thao, truyền thông quảng bá chính trị hay thương mại.”[2].

  1. 1. Nghề tổ chức sự kiện trong bối cảnh xã hội hiện nay và sự ra đời của chuyên ngành “Đạo diễn sự kiện”

Cụm từ “Tổ chức sự kiện” ngày nay đã trở nên khá phổ biến và quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của xã hội. Nhiều tác giả trong những công trình nghiên cứu của mình đã có những cách định nghĩa khác nhau như sau:

“Tổ chức sự kiện là một quá trình bao gồm sự kết hợp các hoạt động lao động với các tư liệu lao động cùng với việc sử dụng máy móc, là một quá trình bao gồm sự kết hợp các hoạt động lao động với các tư liệu lao động cùng với việc sử dụng máy móc thiết bị, công cụ lao động thực hiện các dịch vụ đảm bảo toàn bộ các công việc chuẩn bị và các hoạt động sự kiện cụ thể nào đó trong một thời gian và không gian cụ thể nhằm chuyển tới đối tượng tham dự sự kiện những thông điệp truyền thông theo yêu cầu của chủ sở hữu sự kiện và thỏa mãn nhu cầu của khách tham dự sự kiện.”[3]

“Tổ chức sự kiện được hiểu như là sự huy động, tổ chức và điều hành các nguồn lực nhằm tạo ra một sản phẩm sự kiện đáp ứng các mục tiêu đã được xác định trước của tổ chức có tư cách pháp nhân sở hữu sự kiện.”[4]

Dưới góc nhìn quản lý văn hóa có thể thấy rằng, tổ chức sự kiện cũng chính là thực hiện công tác quản lý Nhà nước về văn hóa. Thể hiện thông qua việc sử dụng các công cụ quản lý như chính sách, luật pháp, bộ máy và các nguồn lực khác để kiểm soát hay can thiệp vào các hoạt động sự kiện, nhằm duy trì hệ thống chính sách và luật pháp hiện hành có liên quan do Nhà nước ban hành.

Ở nước ta, quá trình thay đổi cơ chế kinh tế những năm qua đã kéo theo sự ra đời của hàng loạt các công ty tư nhân với vô số những lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Trong số đó, cung ứng dịch vụ là lĩnh vực đã và đang thu hút sự quan tâm đầu tư và phát triển ngày càng cao của các tổ chức doanh nghiệp. Cùng với các ngành kinh doanh khác thì truyền thông, quảng cáo và gần đây là tổ chức sự kiện đã ngày càng trở nên sôi động và có sự cạnh tranh cao trên thị trường cung ứng dịch vụ ở nước ta.

Nhu cầu về tổ chức sự kiện trong xã hội ngày càng phong phú và đa dạng. Bởi từng cá nhân hay tổ chức, cơ quan, đơn vị hàng ngày, hàng giờ, hàng tháng, hàng năm đều có những chương trình, hoạt động cần phải được tổ chức với những quy mô lớn, nhỏ khác nhau và khách hàng – tức người chủ sở hữu sự kiện luôn đòi hỏi cao về tính chuyên nghiệp cũng như mục tiêu và lợi ích (lợi nhuận) thu lại sau mỗi sự kiện. Quy luật cung – cầu là một tất yếu trong xã hội kinh tế thị trường. Đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường, các công ty, tổ chức cung ứng dịch vụ tổ chức sư kiện đã ra đời nhanh chóng và hàng loạt trong thời gian qua, đặc biệt là tại hai thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Sự ra đời của các công ty chuyên kinh doanh trong lĩnh vực tổ chức sự kiện đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú về nội dung, hình thức các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí đang diễn ra một cách sôi động và mạnh mẽ mang lại những hiệu quả tích cực cả về văn hóa lẫn kinh tế cho xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó đồng thời cũng xuất hiện những mặt hạn chế, yếu kém nhất định như: chương trình thiếu chiều sâu về giá trị nội dung – tư tưởng, giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc; thiếu tính hợp lý trong kết cấu – bố cục; thiếu sự hài hòa, thống nhất giữa hình thức và nội dung; thiếu nghiên cứu nhu cầu mà chủ quan, rập khuôn theo lối mòn tạo nên tâm lý nhàm chán cho công chúng khán giả khi tiếp nhận chương trình; thiếu phương pháp tư duy sáng tạo dẫn đến sự na ná giống nhau giữa các chương trình… Tất cả những yếu tố đó đã dẫn đến sự hạn chế về chất lượng của các chương trình cũng như tính định hướng thẩm mỹ, tính giáo dục trong các sự kiện văn hóa nghệ thuật hiện nay.

Một trong những nguyên nhân của sự hạn chế trên là do chúng ta chưa có một đội ngũ những người làm công tác tổ chức sự kiện mà đặc biệt là những nhà đạo diễn sự kiện chuyên nghiệp được trang bị một hệ thống cơ sở lý luận và phương pháp hoạt động văn hóa – giải trí phù hợp với bối cảnh xã hội đang chuyển biến và thay đổi như hiện nay. Nhất là sự thay đổi về nhu cầu và thị hiếu của công chúng, khán giả do sự tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng.

Trước tình hình đó, thị trường tổ chức sự kiện nước ta đã xuất hiện ngày càng nhiều những khóa đào tạo ngắn hạn do các tổ chức, công ty tư nhân đứng ra đảm trách. Các tổ chức này tự biên soạn giáo trình (hoặc dịch từ các giáo trình, sách tham khảo của nước ngoài) sau đó mời các chuyên gia event trong và ngoài nước về giảng dạy, học viên sau khi kết thúc các khóa học sẽ được chính các cơ sở đào tạo này trực tiếp cấp giấy chứng nhận.

Thực tế trên chứng tỏ rằng, nhu cầu được hưởng thụ các sự kiện văn hóa nghệ thuật có chất lượng cao của công chúng và nhu cầu được học tập để trở thành các chuyên gia tổ chức sự kiện, các nhà đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp là có thực và đang ngày càng tăng cao hơn ở nước ta hiên nay.

Chính vì thế, việc nghiên cứu, xây dựng thêm những ngành nghề đào tạo mới trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, đạo diễn sự kiện, truyền thông và văn hóa… tại các trường đại học và cao đẳng văn hóa ở nước ta hiện nay là vấn đề cấp thiết. Ngày 06/5/2011 vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có văn bản chỉ đạo cho các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ xây dựng chuyên ngành “Quản lý quảng cáo và Tổ chức sự kiện”.

Xuất phát từ cơ sở thực tiễn trên, cùng với mong muốn tạo ra nguồn nhân lực mới, chất lượng cao cho thị trường tổ chức sự kiện nói riêng và xã hội nói chung. Chúng tôi xây dựng chuyên ngành “Đạo diễn sự kiện” nhằm đào tạo ra các cử nhân văn hóa với chuyên môn đạo diễn sự kiện có kiến thức lý luận và kỹ năng thực hành tổ chức dàn dựng các chương trình văn hóa nghệ thuật, giải trí phù hợp và đáp ứng kịp cùng với nhu cầu phát triển của xã hội hiện nay.

  1. Vai trò, tầm quan trọng của người đạo diễn trong hoạt động tổ chức sự kiện

Có thể nói, trong hầu hết các tài liệu chuyên về lĩnh vực event được dịch từ nhiều nguồn khác nhau của các nước: Mỹ, Úc, Singapoa, Nga… đang lưu hành tại Việt Nam và thực tiễn hoạt động tổ chức sự kiện tại các công ty Tổ chức sự kiện, Truyền thông, Quảng cáo… ở nước ta hiện nay đa số gần như đều có sự thống nhất chung về quy trình tổ chức một sự kiện. Có thể khái quát về quy trình này với 5 bước cơ bản như sau:

  • Giai đoạn tiếp xúc khách hàng, tìm hiểu thông tin và định hình sự kiện
  • Giai đoạn dự toán kinh phí và lập kế hoạch
  • Marketing và quảng bá sự kiện
  • Tổ chức dàn dựng sự kiện
  • Kết thúc sự kiện

Khác với các sản phẩm hàng hóa khác, sản phẩm của sự kiện được hình thành ngay chính trong quá trình sản xuất ra nó. Nghĩa là lúc mà công chúng đang hưởng thụ và người sản xuất đang lao động thì sản phẩm đó cũng đang trong quá trình hình thành. Để tổ chức sản xuất ra sản phẩm sự kiện nhất thiết phải có một đội ngũ các chuyên gia với từng chuyên môn cụ thể khác nhau cùng phối kết hợp một cách nhịp nhàng, khoa học và nhạy bén.

Các bộ phận cần thiết tham gia vào quá trình tạo dựng nên một sự kiện thường thấy trong các công ty, đơn vị tổ chức sự kiện gồm có:

  • Quản lý sự kiện
  • Đạo diễn chương trình
  • Sản xuất chương trình
  • Cung cấp dịch vụ và hậu cần

Trong đó: Quản lý sự kiện là người chị trách nhiệm điều hành chung; đạo diễn là người xử lý về mặt nghệ thuật cho chương trình; sản xuất là người huy động và điều phối các nguồn lực của chương trình; cung cấp dịch vụ và hậu cần là người đáp ứng các yêu cầu về vật chất, kỹ thuật và các dịch vụ khách hàng.

Trong thực tế công tác tổ chức sự kiện hiện nay, với các loại sự kiện đơn giản và quy mô nhỏ thì các chuyên gia tổ chức sự kiện gần như đóng vai trò vừa là người quản lý, đạo diễn đồng thời cũng là nhà sản xuất chương trình của sự kiện đó.

Đa số các các giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau về lĩnh vực tổ chức sự kiện khi đào tạo chuyên gia tổ chức sự kiện (đối với người mới vào nghề) và quản lý sự kiện (đối với người đã biết nghề) thì người học được tập trung cung cấp khá nhiều các kiến thức và kỹ năng để có thể lập kế hoạch, marketing, gây quỹ và tổ chức sản xuất chương trình, còn công tác dàn dựng thì chỉ được học một số học phần có liên quan tới nghệ thuật như: thiết kế không gian sân khấu, xử lý âm thanh, ánh sáng, xử lý kỹ thuật…

Chính vì thế mà đa phần khi tổ chức các sự kiện đặc biệt, sự kiện lớn, đòi hỏi tính văn hóa nghệ thuật cao và đặc thù như lễ hội (festival), các cuộc trình diễn đại chúng, game show, du lịch văn hóa, đồng diễn nghệ thuật… rất cần phải có vai trò của người đạo diễn – người xử lý về mặt nghệ thuật cho các chương trình này.

Nói cách khác, người đạo diễn sự kiện là người lý giải kịch bản theo cái nhìn nghệ thuật dưới quan điểm thẩm mỹ của riêng mình để tạo dựng ra các chương trình mang những nét sắc thái riêng biệt khác nhau, đạt tới cái chân, thiện, mỹ cho mỗi sự kiện.

Như vậy, người đạo diễn sự kiện đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo dựng nên những hình ảnh khác biệt, đặc trưng, mang giá trị nội dung và tính thẩm mỹ nghệ thuật cao cho mỗi sự kiện.  Có thể nói, thông qua tài năng của người đạo diễn thì mỗi sự kiện sẽ trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

Công việc của người đạo diễn là dàn dựng và dàn dựng là một trong những thành tố quan trọng hàng đầu của quy trình tổ sự kiện. Trong đó, “Người đạo diễn là người lý giải kịch bản, người thầy và là người tổ chức tất cả mọi hoạt động diễn ra trong một chương trình”.[5]

Dàn dựng sự kiện là một hoạt động tổng hợp của nhiều lĩnh vực từ các loại hình nghệ thuật đến khoa học về tổ chức, quản lý. Công việc này đòi hỏi người đạo diễn phải có kiến thức, hiểu biết rộng về văn hóa xã hội, nghệ thuật; có khả năng tư duy logic, tư duy hình tượng mà đặc biệt là tư duy tổng hợp; có kỹ năng giao tiếp, quan hệ công chúng, năng lực tổ chức, điều hành, chỉ huy mới có thể đảm bảo thành công cho một chương trình.[6]

  1. Về đào tạo nghề đạo diễn sự kiện hiện nay

Như đã nói, hầu hết các chương trình đào tạo về tổ chức sự kiện hiện nay tại
Việt Nam không chia ra thành từng chuyên môn riêng theo các bộ phận công việc như: quản lý sự kiện, đạo diễn chương trình, sản xuất chương trình, cung ứng dịch vụ mà người học đồng thời phải học hết các vai trò này. Trong khi đó, đạo diễn tự bản thân nó đã là một nghề và có thể xem là một nghề khó vì đòi hỏi ở người làm công việc dàn dựng  phải có kiến thức, am hiểu rộng và sâu về nhiều lĩnh vực.

Tại Việt Nam, đào tạo về đạo diễn sự kiện hiện nay còn khá khiêm tốn. Ngoại trừ chuyên ngành đạo diễn sự kiện – lễ hội nằm trong ngành Đạo diễn sân khấu (Theatre Directing) (Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 01 tháng 11 năm 2011). Người học ngành này ngoài những kiến thức chung về nghệ thuật đạo diễn sân khấu còn được học thêm 25 đơn vị học trình của chuyên ngành tự chọn là “Đạo diễn sự kiện – lễ hội”.

Tại các nước phát triển như Nga, hiện nay ngành đạo diễn sự kiện được đào tạo chính quy tại một số trường đại học văn hóa nghệ thuật như “Đại học Tổng hợp Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia Mátxcơva”, “Đại học Quốc gia Văn hóa và Nghệ thuật Xanhpetechpua”. Ở các trường này, tại bộ môn “Hoạt động văn hóa – giải trí” thuộc khoa “Hoạt động văn hóa – xã hội” có các ngành đào tạo như: Đạo diễn các chương trình văn hóa – giải trí, Dàn dựng và sản xuất chương trình nghệ thuật, Dàn dựng và sản xuất chương trình – show, Đạo diễn âm thanh… Đây là các chương trình đại học chính quy, học tập trung trong 5 năm và không tập trung trong 6 năm. Sau khi tốt nghiệp đại học, người học có thể chuyển tiếp lên các bậc học cao hơn như: thạc sĩ (2 năm) và tiến sĩ (3 năm) tại chính các cơ sở đào tạo này.[7]

Như vậy, có thể thấy thị trường đào tạo ngành tổ chức sự kiện ở nước ta bước đầu đã bắt kịp với một số nước trên thế giới. Song, về vấn đề chương trình đào tạo thiết nghĩ không phải cứ mặc nhiên sao chép lại nguyên văn nội dung của các chương trình nước ngoài về để giảng dạy mà quan trọng là những nhà làm giáo dục, đào tạo phải cân nhắc một cách thận trọng, tiếp thu có chọn lọc các yếu tố tích cực, mới mẻ và phù hợp với thực tế tại đất nước mình để hoàn thiện, nâng chất và xây dựng thêm các ngành nghề đào tạo mới đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của xã hội hiện tại.

  1. Chương trình đào tạo chuyên ngành “Đạo diễn sự kiện” tại khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, trường đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh.

Đáp ứng nhu cầu hiện nay của xã hội về nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện. Khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, trường Đại học Văn hóa
Tp. HCM  đã tiến hành xây dựng chương trình chuyên ngành đào tạo “Đạo diễn sự kiện” (Director of event) thuộc mã ngành Quản lý văn hóa (Cultural Management).

Mục tiêu của ngành học là đào tạo cử nhân khoa học ngành Quản lý văn hóa (chuyên ngành Đạo diễn sự kiện) có kiến thức cơ bản về các hoạt động văn hóa xã hội. Có trình độ lý luận và năng lực tổ chức, dàn dựng các sự kiện.

Chương trình được cấu trúc với 2 phần chính, gồm:

  1. Phần kiến thức đại cương: Trang bị cho người học những kiến thức lý luận, khoa học nền tảng và hiểu biết đầy đủ các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh. Những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn phù hợp với ngành Quản lý văn hóa. Kiến thức về các phần mềm tin học văn phòng, phần mềm ứng dụng trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, các phần mềm sử dụng trong chuyên môn dàn dựng phim ảnh, âm thanh, kỹ xảo 3D…
  2. Phần kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: được phân bổ cụ thể như sau:

– Kiến thức cơ sở ngành: Trang bị cho người học một khối lượng kiến thức cơ bản về văn hóa xã hội, nghệ thuật làm nền tảng lý luận cho ngành học.

– Kiến thức ngành: Là những học phần cung cấp cho người học những kiến thức về khoa học quản lý trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; cơ sở phương pháp luận về hoạt động văn hóa xã hội.

– Kiến thức chuyên ngành: Cung cấp cho người học những kiến thức chuyên sâu về quản trị sự kiện, marketing sự kiện, gây quỹ sự kiện, sản xuất chương trình; nghệ thuật biên kịch và phương pháp sáng tác kịch bản sự kiện; cở sở lý thuyết về nghệ thuật đạo diễn sân khấu và đạo diễn sự kiện; phương pháp đạo diễn sự kiện; kỹ năng thực hành dàn dựng các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí.

– Thực tập và thi tốt nghiệp: 20 tín chỉ.

Khóa học được đào tạo theo hình thức đại học chính quy tập trung và vừa học vừa làm, người học sau khi tốt nghiệp sẽ có được những kỹ năng cụ thể như:

– Kỹ năng cứng: biết ứng dụng các kiến thức đã học vào việc nghiên cứu đề xuất các chính sách, dự án, đề án văn hóa; có năng lực để quản lý, tổ chức và điều hành các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; nắm vững và vận dụng tốt phương pháp sáng tác kịch bản và dàn dựng các sự kiện văn hóa nghệ thuật, lễ hội, giải trí…

– Kỹ năng mềm: có được các kỹ năng về giao tiếp và quan hệ công chúng; làm việc nhóm và làm việc độc lập; hoạt động xã hội, cộng đồng; nghệ thuật thuyết phục, thương lượng và đàm phán; nắm vững phương pháp hình thành và phát triển ý tưởng, sáng tạo.

Về cách thức tổ chức học tập chuyên ngành: các học phần chuyên ngành sẽ tổ chức học theo từng thể loại chương trình (sự kiện) phân đều trong 4 học kỳ. Mỗi thể loại sự kiện đều có giảng viên phụ trách chính (chủ nhiệm chương trình) theo dõi, hỗ trợ và tổ chức cho người học thực hành dàn dựng để kết thúc học phần. Qúa trình học và thực hành dàn dựng sự kiện có thể tổ chức tại giảng đường hoặc tại các địa điểm khác như: nơi diễn sự kiện chính thức, phim trường của các đài Phát thanh – Truyền hình… Trong quá trình học sinh viên sẽ được trực tiếp tham gia vào các sự kiện do nhà trường tổ chức, các show chương trình do nhà trường ký kết, hợp tác với bên ngoài nhà trường. Sinh viên tham gia vào các sự kiện này được tính điểm vào các học phần tương đương trong chương trình đào tạo.

Về đội ngũ giảng viên: gồm các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ và các nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ, đạo diễn có tên tuổi, kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực đạo diễn trên cả nước. Ngoài ra một số học phần sinh viên sẽ được học tập với các đạo diễn, chuyên gia người nước ngoài như: Nga, Úc, Trung Quốc…

Về vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp: người tốt nghiệp chuyên ngành “Đạo diễn sự kiện” có thể làm cán bộ, chuyên viên phụ trách văn hóa – xã hội trong hệ thống tổ chức chính quyền các cấp. Cán bộ, chuyên viên quản lý các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại các thiết chế văn hóa như: Sở văn hóa, Phòng văn hóa, Trung tâm văn hóa; các tổ chức đoàn thể – chính trị, xã hội, nghề nghiệp (các tổ chức Công đoàn, đoàn Thanh niên…). Chuyên gia tổ chức và đạo diễn các sự kiện, lễ hội, các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí tại các công ty Tổ chức sự kiện, công ty Truyền thông; công ty Du lịch, công ty Quảng cáo, đài Phát thanh – Truyền hình… Trong quá trình học tập nếu sinh viên có nguyện vọng và kết quả học tập tốt nhà trường sẽ giới thiệu để tác nghiệp tại các công ty, đơn vị tổ chức sự kiện bên ngoài nhà trường.

Có thể nói, “Đạo diễn sự kiện” là một chuyên ngành đào tạo mới, hiện nay chưa được giảng dạy một cách có hệ thống, chính quy tại các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Việc đưa vào đào tạo chuyên ngành này tại khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật của trường đại học văn hóa Tp. HCM được xem như là bước thể nghiệm ban đầu nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong hoạt động tổ chức sự kiện đang phát triển một cách mạnh mẽ tại nhiều thành phố lớn trên cả nước. Với ưu thế của một trường đại học trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo Quốc tế nhiều năm qua đã giúp cho nhà trường sở hữu được một hệ thống giáo trình, giáo án, sách tham khảo, tài liệu chuyên sâu về hoạt động văn hóa xã hội và nghệ thuật dồi dào, phong phú từ nhiều nguồn khác nhau của Việt Nam, Mỹ, Úc, Singapore, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc… Bên cạnh là đội ngũ giảng viên gồm những chuyên gia hàng đầu, giàu kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực hoạt động văn hóa xã hội, nghệ thuật chúng tôi tin tưởng rằng chuyên ngành “Đạo diễn sự kiện” sẽ thu hút và đáp ứng được nhu cầu học tập nâng cao trình độ và làm nghề của đông đảo người học. Quá trình đào tạo ban đầu chuyên ngành này cũng là giai đoạn thể nghiệm, qua đó nhằm đút kết, rút ra những bài học mới để điều chỉnh, hoàn thiện dần chương trình và hướng tới phát triển thành một ngành học chính thức.

Trịnh Đăng Khoa

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

  1. Lê Ngọc Canh 2009, Phương pháp đạo diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  2. Cao Đức Hải (chủ biên) 2010, Quản lý lễ hội và sự kiện, Giáo trình, Nxb. Địa học Quốc gia Hà Nội.
  3. Phạm Duy Khuê 2010, Tổ chức và dàn dựng sự kiện, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
  4. Lưu Văn Nghiêm 2009, Tổ chức sự kiện, Nxb. Đại học kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  5. Chikhanovxkaia G.X 2010, Phương pháp sáng tác kịch bản và đạo diễn các chương trình văn hóa giải trí, Nxb. Mguki, Mátxcơva.
  6. Hướng dẫn thi tuyển sinh năm 2009 của trường đại học tổng hợp quốc gia văn hóa và nghệ thuật Mátxcơva, Nxb. Mguki, Mátxcơva.

[1] Phạm Duy Khuê 2010, Tổ chức và dàn dựng sự kiện, Nxb. Tổng hợp Tp. HCM, tr 29.

[2] Cao Đức Hải (chủ biên) 2010, Giáo trình Quản lý lễ hội và sự kiện, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 18.

[3] Lưu Văn Nghiêm (chủ biên) 2009, Tổ chức sự kiện, Nxb. Đại học kinh tế quốc dân, HN, tr 9.

[4] Cao Đức Hải (chủ biên) 2010, Giáo trình Quản lý lễ hội và sự kiện, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 20.

[5] Chikhanovxkaia. G.X  2010, Phương pháp sáng tác kịch bản và đạo diễn các chương trình văn hóa giải trí, Nxb. Mguki, Mátxcơva, tr 262.

[6] Lê Ngọc Canh 2009, Phương pháp đạo diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội. tr 39-40.

[7] Hướng dẫn thi tuyển sinh của trường ĐH.Tổng hợp văn hóa và nghệ thuật quốc gia Mátxcơva 2009, Nxb. Mguki, Mátxcơva, tr 170.

error: Content is protected !!