Giải trí tiếp cận từ quan điểm nghiên cứu liên ngành

Thông tin khoa học

Số 3 | 2013

GIẢI TRÍ TIẾP CẬN TỪ QUAN ĐIỂM NGHIÊN CỨU LIÊN NGÀNH

Vấn đề giải trí cho tới nay đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu dưới nhiều quan điểm tiếp cận khác nhau như xã hội học, tâm lý học, nhân học, sinh lý học, giáo dục học, kinh tế học… Điều này chứng tỏ, rằng bản thân sự vui chơi giải trí được hình thành trên nhiều cơ sở khoa học khác nhau. Vì thế, nghiên cứu sự giải trí dưới góc nhìn văn hóa học không thể không đặt dưới góc độ liên ngành và theo hướng nghiên cứu văn hóa học ứng dụng. “Liên ngành là một khái niệm về một khoa học hoạt động bởi một hay nhiều khoa học khác và trong khoa học này người ta tìm ra được những vấn đề để giải quyết, mà giải pháp của chúng chỉ có thể đạt được nhờ vào sự liên kết các bộ phận của những ngành ổn định trong một ngành mới.”[1].

Hoạt động giải trí xuất phát trước tiên là từ nhu cầu xã hội của con người, hay nói cách khác giải trí là một nhu cầu xã hội của con người về mặt văn hóa tinh thần. Con người đã đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu văn hóa xã hội đó của mình bằng rất nhiều hình thức hoạt động văn hóa khác nhau thông qua việc sáng tạo, tổ chức và hưởng thụ các sinh hoạt văn hóa giải trí, vui chơi để giải tỏa những căng thẳng trí não, thể lực; đồng thời qua đó để gắn kết với cá nhân với cộng đồng. Hoạt động giải trí của con người trong xã hội không ngừng được sáng tạo và phát triển, từ chỗ giải trí tự phát – dân gian (tự nhân dân sáng tạo, tổ chức, hưởng thụ) đi đến có tổ chức (nhà nước, tư nhân) đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động vui chơi giải trí đã góp phần làm cho hoạt động rỗi ngày càng phong phú, đa dạng và phức tạp hơn. Như vậy, có thể thấy rằng giải trí tự thân nó đã là một hoạt động mang tính tổng hợp, đa ngành. Vì thế, để giải quyết vấn đề vui chơi, giải trí trong bối cảnh xã hội hiện nay khi mà công nghiệp văn hóa đã chứng tỏ được sức mạnh và lợi ích xã hội, kinh tế, văn hóa của nó ngày càng cao thì việc nghiên cứu giải trí phải được đặt trong cái nhìn liên ngành và chỉ có thể trong cái nhìn này chúng ta mới có thể tìm ra cách giải quyết mang tính khoa học, toàn diện và hệ thống bài toán kinh tế và văn hóa trong lĩnh vực hoạt động giải trí hiện nay ở nước ta.

Trong bài viết này, chúng tôi xin sơ lược nêu ra một vài khía cạnh nghiên cứu giải trí đặt trong mối quan hệ liên ngành với xã hội học văn hóa, tâm lý học xã hội, nhân học văn hóa và kinh tế học văn hóa.

1. Giải trí – Phương diện xã hội học văn hóa

Xã hội học là một khoa học nghiên cứu các hiện tượng và quá trình xã hội để phát hiện ra các quy luật tự nhiên của tổ chức xã hội, đặc biệt là các quy luật của sự phát triển, tiến bộ xã hội. Nhà xã hội học người Đức Max. Weber đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu xã hội học văn hóa và ông cho rằng xã hội học thực chất là một hướng tiếp cận nghiên cứu văn hóa. Điều này đã đúng với khẳng định của A. Comte (1789 – 1875) – cha đẻ của xã hội học, ông cho rằng nhiệm vụ quan trọng và trước tiên của xã hội học là nghiên cứu các quy luật vận động và phát triển của văn hóa. “Xã hội học văn hóa được hiểu là áp dụng các phương pháp xã hội học để giải thích về sự phát triển của văn hóa như một mảng của tồn tại xã hội theo quan điểm hoạt động của nó trong hệ thống các quan hệ xã hội”[2]. Hiện nay, xã hội học văn hóa đang có xu hướng phân ra các chuyên ngành hẹp hơn để nghiên cứu những khuôn mẫu hay những biểu hiện riêng biệt của văn hóa trong mối liên hệ với các cơ cấu và các thiết chế xã hội cụ thể như: xã hội học nghệ thuật, xã hội học giới, xã hội học thời gian rỗi…

Giải trí – một nhu cầu văn hóa tinh thần trong thời gian rỗi. Nhu cầu là nguồn gốc nảy sinh mọi hoạt động của con người; nhu cầu của con người là một hệ thống được cấu thành bởi nhiều loại nhu cầu khác nhau và giữa chúng có mối quan hệ tương tác, phụ thuộc, ràng buộc lẫn nhau. Nếu văn hóa được cấu thành từ hai thành tố là văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần thì giải trí là thành tố bộ phận thuộc nhóm tinh thần; giải trí được xếp vào bậc thứ cao của nhóm nhu cầu tinh thần. Nhu cầu tinh thần của con người rất đa dạng, phong phú, bao gồm tất cả những mong muốn về mặt tinh thần thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó,  nhu cầu giải trí là bộ phận cấu thành quan trọng của nhu cầu tinh thần. Theo Đinh Thị Vân Chi trong cuốn “Nhu cầu giải trí của thanh niên”[3] thì, nhu cầu tinh thần của con người bao gồm chín loại: nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, giao tiếp, du lịch – dã ngoại, hoạt động thể thao (giải trí), tham gia trò chơi, thưởng thức nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật (không chuyên), phát minh – sáng chế (theo cảm hứng), học tập (tự giác). Tuy nhiên, trong số chín nhu cầu đó không phải nhu cầu nào cũng có thể được xem là nhu cầu giải trí. Một một nhu cầu tinh thần có được xem đồng thời là nhu cầu giải trí hay không lại tùy thuộc vào những yếu tố như: là mong muốn của chủ thể, được thực hiện một cách tự giác, theo cảm hứng, không là hoạt động nghề nghiệp, nhằm mục đích thư giãn, tạo sự hưng phấn và diễn ra trong thời gian nhàn rỗi. Như vậy, vui chơi giải trí là hoạt động xã hội của con người, hoạt động này xuất phát từ nhu cầu và cũng là hoạt động nhằm thỏa mãn các nhu cầu văn hóa tinh thần của con người trong thời gian nhàn rỗi. Cách tiếp cận này nhìn nhận hoạt động vui chơi giải trí theo nhóm quan điểm lấy điều kiện xã hội làm cơ sở. Trong đó, hoạt động vui chơi giải trí được nghiên cứu từ khía cạnh nhu cầu xã hội của con người trong thời gian rỗi.

2. Giải trí – Phương diện tâm lý học xã hội

Tâm lý học là một trong những khoa học xã hội chủ yếu nghiên cứu con người nhận thức thế giới khách quan bằng con đường nào, theo quy luật nào, nghiên cứu thái độ (Attitudes) của con người đối với cái mà họ nhận thức được hoặc tự mình làm được. Tách ra từ tâm lý học chủ yếu nghiên cứu về tâm lý con người nói chung, tâm lý học xã hội đã xác định được đối tượng, nhiệm vụ và những ứng dụng đã có hiệu quả cụ thể trong nhiều lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội nên tâm lý xã hội đã khẳng định được tính độc lập của mình với tư cách là một phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

Có thể nói, Triết học Mac – Lenin ra đời đã đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong tâm lý học; hay nói khác hơn, khoa học về tâm lý con người bắt đầu chú trọng tới giác độ xã hội – lịch sử kể từ khi có sự xuất hiện của quan điểm, học thuyết triết học Mac – Lenin, bởi các trường phái nghiên cứu và lý giải về tâm lý con người trước kia chủ yếu chỉ dựa trên quan điểm sinh học hoặc vật lý học. Theo Mac – Lenin thì, tâm lý con người là sự phản ánh hiện thực khách quan của não; là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, là sự tiếp thu những kinh nghiệm lịch sử của loài người biến thành cái riêng của từng người, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Như vậy, tâm lý học xã hội nghiên cứu các hiện tượng tâm lý – xã hội mà nó phát sinh trong quá trình giao lưu giữa con người với nhau trong các nhóm người có tổ chức hoặc phi tổ chức. Khái niệm tâm lý – xã hội được hiểu là sự biểu hiện các đặc điểm trong bản lĩnh, tình cảm, thói quen truyền thống của các nhóm người có chung những điều kiện văn hóa kinh tế – xã hội trong đời sống của họ. Tâm lý học xã hội bao gồm các bộ phận cơ bản như: những quy luật của giao tiếp và sự tác động qua lại của con người; đặc điểm tâm lý xã hội của các nhóm xã hội (các cộng đồng); nhân cách và quá trình hình thành nhân cách.[4].

Tiếp cận theo quan điểm trên đây có thể thấy, thông qua sự vui chơi, trò chơi hoạt động giải trí biểu hiện một cách cụ thể và rõ nét nhất phương diện tâm lý học xã hội của mình. Hoạt động giải trí có thể được xem như là một hoạt động chơi tự giác, tự thân, tự thể hiện. Theo A.D.Zarkov trong cuốn “Lý luận và phương pháp hoạt động văn hóa giải trí”[5] ông cho rằng, giải trí là hoạt động không lao động sản xuất. Cùng đồng thời là hoạt động ca hát, nếu là ca hát để mưu sinh – tức là ca hát được xem là một hình thức lao động nghề nghiệp của người nghệ sĩ thì đó không phải là hoạt động giải trí; còn ca hát trong lúc rãnh rỗi sau những giờ làm việc mệt nhọc nhằm mục đích giải khuây, thư giãn thì được xem là hoạt động giải trí. Như vậy, giải trí có thể xem như là hoạt động chơi và sự chơi này đặt trong sự khu biệt với hoạt động lao động sản xuất ra của cải vật chất. Và hoạt động chơi, xét về mặt tâm lý cá nhân, đó là hoạt động tự giác, có mục đích tự thân, nhằm để tự thể hiện mình. Thực vậy, hoạt động vui chơi giải trí giúp mỗi cá nhân có thể biểu hiện được mục đích tự thân của mình và cũng chính nhờ điều này mà sự chơi có thể tác động và làm lây lan tâm lý cho cả đám đông, tập thể và qua đó có thể giảm mệt mỏi về mặt thể chất; ví như, trò chơi hát đối đáp trong lúc nghỉ ngơi giữa những giờ làm ruộng, rẫy. Cũng từ cuộc chơi để tự thể hiện mình, trò chơi hát đối đáp còn thể hiện sự giao tiếp giữa các cá nhân với nhau thông qua đó sự chơi tạo nên những cuộc giao tiếp tự do, tự nguyện giữa các thành viên tham gia cùng cuộc chơi với nhau. Hoạt động giải trí là sự chơi một cách tự nguyện, tự giác có thể giúp chúng ta tự biểu hiện bản thân; đồng thời cũng là hoạt động giao tiếp tự do nhằm đạt mục đích tự thân của mỗi người. Xét ở góc độ này, thì giải trí được quan tâm ở khía cạnh tâm lý học – xã hội; cụ thể, sự chơi một mặt giúp con người giải tỏa, thể hiện được những nhu cầu tâm lý của cá nhân, một mặt tạo ra những điều kiện thuận lợi để liên kết các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng giữa các cá nhân với nhau.

3. Giải trí – Phương diện nhân học văn hóa

Nhân học văn hóa kế thừa hai ngành chính là dân tộc học và xã hội học, nhưng không chỉ có thế; nó còn phải vận dụng các thành tựu dân tộc học, của dân tộc chí, văn hóa dân gian, triết học văn hóa… Thực chất nhân học văn hóa đã trở thành học thuyết về con người nói chung; đặc biệt nó quan tâm cái văn hóa, cái xã hội toàn thể, tức là tất cả hệ thống chuẩn mực chế định cá nhân và cộng đồng.[6]

Nghiên cứu sự vận động và phát triển của cá nhân trong mối quan hệ cộng đồng qua các hoạt động vui chơi giải trí ta có thể nhận ra một điều rằng giải trí là sự chơi mang khát vọng nhân sinh. Thử tìm hiểu các cuộc vũ hội hóa trang trong xã hội trung cổ ở Châu Âu dễ nhận ra đây chính là những cuộc vui chơi dân gian thắm đượm tinh thần cộng đồng, khác ngược với các lễ hội chính thống với một hệ thống lễ nghi nghiêm ngặt, quy chuẩn và phân biệt đẳng cấp vốn là bản chất cố hữu của xã hội phong kiến… Vũ hội hóa trang là nơi phản ánh một cách rõ nét bản thân cuộc sống dưới hình thức là một trò diễn; ở đó, nói như GS.TS Hoàng Vinh thì “cuộc sống diễn trò và các trò diễn thì trở thành cuộc sống”. Trong cuộc chơi này, mọi quan hệ tôn ti, trật tự, thứ bậc, đặc quyền, chuẩn mực và những cấm kỵ hầu như hoàn toàn không có cơ hội để hiện diện; tham gia vào cuộc hội một anh hề hay một chàng ngốc, một gã khờ hay một nông dân đều có thể hiên ngang đứng bên cạnh một vị vua hay một công chúa, một bá tước hay một trưởng giả…

Trong xã hội phong kiến trung cổ với tinh thần tôn ti nghiêm ngặt, con người được phân chia theo đẳng cấp và phường hội, thì sự giao tiếp phóng khoáng, thân mật qua vũ hội hóa trang, được cảm thụ sâu sắc và trở thành một bộ phận cốt yếu trong cảm quan về thế giới mang tâm thế hội. Con người như được tái sinh trong những quan hệ mới mẻ mang tính người thuần túy. Sự tha hóa nhất thời biến mất. Con người trở về với bản thân mình và cảm nhận thấy mình đang sống giữa muôn người. Và, cái tình người đích thực ấy không phải chỉ là điều suy tưởng trừu tượng, mà được thực hiện trong thực tế và được cảm thụ thông qua sự giao tiếp vật chất – cảm tính – sống động của vũ hội.[7]  Có thể nói, qua giải trí bằng vũ hội hóa trang con người đã sáng tạo, tổ chức và hưởng thụ một cuộc chơi mang giá trị nhân văn sâu sắc; cuộc chơi đã biến cuộc sống và những khát vọng tự do, bình đẵng trở thành những biểu tượng văn hóa sinh động và đầy tinh thần nhân văn của một cộng đồng người trong xã hội Châu Âu đêm trường trung cổ.

4. Giải trí – Phương diện kinh tế học văn hóa

Kinh tế học văn hóa nghiên cứu các hiện tượng và quy luật kinh tế trong văn hóa; hay nói cách khác kinh tế học văn hóa nghiên cứu văn hóa dưới giác độ kinh tế; đó không phải là tất cả các quan hệ trong hoạt động văn hóa nói chung mà chủ yếu là các quan hệ kinh tế trong văn hóa. Kinh tế học văn hóa thực chất là quá trình nghiên cứu vận dụng các quy luật của kinh tế vào trong lĩnh vực văn hóa nhằm khai thác, phát huy, sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả nhất những nguồn lực hữu hạn cho việc sản xuất, sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa tinh thần nhằm thỏa mãn đa dạng nhu cầu của công chúng. “Kinh tế học văn hóa hiện đại quan niệm văn hóa là lĩnh vực sản xuất và các sản phẩm của nó cũng có thể đem trao đổi mua bán theo những cách thức đặc trưng của nó khác với phương thức trao đổi mua bán của các sản phẩm vật chất thông thường khác. Theo quan niệm của kinh tế học văn hóa thì văn hóa không phải là lĩnh vực phi sản xuất mà có rất nhiều sản phẩm văn hóa được khai thác như một sản phẩm hàng hóa đặc biệt”[8].

Như đã nói, giải trí là nhu cầu tự thân của con người về mặt văn hóa xã hội. Hoạt động này gắn liền với hoạt động sống của con người và diễn ra trong những hoàn cảnh, không gian, thời gian cụ thể. Tức là nó mang tính lịch sử, và theo thời gian các hoạt động giải trí cũng chịu sự ảnh hưởng của quy luật vận động và phát triển của lịch sử khác nhau để có những biến đổi về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức. Hoạt động giải trí từ chỗ là những sáng tạo, tổ chức và hưởng thụ một cách tự phát, tự nguyện của quần chúng nhân dân đã phát triển và ngày càng phong phú, đa dạng hơn để trở thành một ngành nghề công nghiệp đem lại lợi nhuận khổng lồ ở những nước phát triển hiện nay trên thế giới. Giải trí là hoạt động văn hóa của con người trong thời gian rỗi và ngày nay việc sử dụng thời gian rỗi như thế nào cho hữu ích cũng như việc khai thác thời gian rỗi ra sao để hướng tới đa mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội là vấn đề rất đáng cần được lưu tâm để một mặt nó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của con người mặt khác nó có thể trở thành một ngành công nghiệp mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế.

Nếu xét giải trí như là một hoạt động văn hóa thì hoạt động giải trí có thể được cấu thành bởi ba hoạt động thành tố chủ yếu là hoạt động sáng tạo, hoạt động tổ chức và hoạt động hưởng thụ. Chúng ta đã có khá nhiều công trình nghiên cứu đề cập tới hoạt động giải trí dưới góc độ chủ thể sáng tạo và hưởng thụ, còn nghiên cứu giải trí từ góc nhìn chủ thể tổ chức có lẽ còn là vấn đề khá mới mẽ và chưa được đề cập nhiều. Trong thực tế, có lẽ không cần phải tranh luận nhiều hơn nữa để thừa nhận rằng, giải trí hiện nay đã trở thành một ngành công nghiệp văn hóa đem lại lợi nhuận to lớn và xếp vào tốp đầu trong số các ngành công nghiệp nhẹ ở những nước phát triển trên thế giới hiện nay. Tổ chức sự kiện giải trí – một nghề hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa đại chúng đã ra đời cùng với công nghiệp văn hóa và truyền thông đa phương tiện khởi đầu vào thập niên 90 của thế kỷ XIX và phát triển chủ yếu ở Hoa kỳ vào thập niên 50 – 80 của thế kỷ XX, từ thập niên 80 của thế kỷ XX tới nay nó đã nhanh chóng lan rộng sang các nước khác, đặc biệt là các nước thuộc khu vực Châu Á. Từ đây, hoạt động vui chơi giải trí được xem là một thứ hàng hóa và tất nhiên nó được đem ra để kinh doanh, hạch toán. Đặt giải trí dưới góc nhìn kinh tế học văn hóa thực chất chính là sự vận dụng các lý thuyết mang tính bản chất của hoạt động kinh doanh vào nghiên cứu ứng dụng đối với một loại hàng hóa có tính đặc thù không thuần túy là hàng hóa vật chất để tìm ra quy luật vận động và phát triển của hoạt động giải trí trong bối cảnh xã hội hiện nay. Tức là, nghiên cứu để tìm ra quy luật của các hoạt động sản xuất, khai thác, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm văn hóa – giải trí.

Vui chơi giải trí là một dạng hoạt động xã hội xuất phát từ nhu cầu văn hóa tinh thần của con người. Hoạt động này giúp con người giải tỏa những căng thẳng về tâm sinh lý để lập lại sự cân bằng nội tại; giúp con người giáo dục và tự giáo dục để hoàn thiện bản thân, hướng con người tới những khát vọng nhân văn cao cả. Nghiên cứu hoạt động giải trí để nhận diện ra quy luật vận động và phát triển của nó trong bối cảnh hiện nay là vấn đề cấp thiết, bởi xã hội Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và chịu sự ảnh hưởng của xu hướng toàn cầu hóa văn hóa mà những yếu tố này chính là nguyên nhân quan trọng có ảnh hưởng và tác động trực tiếp, mạnh mẽ tới sự biến đổi văn hóa Việt, nhất là sự biến đổi về nhu cầu, quan điểm, nhận thức trong tư duy sáng tạo, tổ chức và hưởng thụ văn hóa – giải trí.

Hoạt động giải trí cũng là hoạt động văn hóa, cho nên nghiên cứu giải trí không thể không tiếp cận với quan điểm liên ngành, bởi lẽ bản thân văn hóa vốn không là hoạt động tự thân. Hơn nữa, văn hóa luôn vận động, phát triển và chịu sự tác động một cách trực tiếp từ hình thái kinh tế của một xã hội, xét trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, phương thức kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa hẵn nhiên sẽ có nhiều tác động tới lĩnh vực giải trí. Như vậy, để có cái nhìn tổng thể, mang tính hệ thống và khách quan khoa học thì hoạt động giải trí nhất thiết phải được tiếp cận theo hướng nghiên cứu liên ngành, ứng dụng trong cái nhìn xuyên văn hóa.

Trịnh Đăng Khoa

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

  1. Đinh Thị Vân Chi, Nhu cầu giải trí của thanh niên, Nxb. Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 2003.
  2. Phạm Duy Đức (Chủ biên), Hoạt động giải trí ở đô thị Việt Nam hiện nay (Những vấn đề lý luận và thực tiễn), Nxb. Văn hóa – Thông tin.
  3. Nguyễn Văn Đính (Chủ biên), Tâm lý và nghệ thuật giao tiếp, ứng xử trong kinh doanh du lịch, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 1995.
  4. Trần Hiệp (Chủ biên), Tâm lý học xã hội mấy vấn đề lý luận, Nxb. Khoa học xã hội, 1991.
  5. Nguyễn Tri Nguyên, Văn hóa học – những phương diện liên ngành và ứng dụng, Nxb. ĐH Công nghiệp, Tp. HCM.
  6. Lê Ngọc Tòng, Các yếu tố kinh tế trong văn hóa với sự ra đời của môn kinh tế học văn hóa, Tham luận Hội thảo Mối quan hệ kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế qua thực hiện nghị quyết trung ương 5 khóa VIII – Thực trạng và giải pháp, Nxb. Lao động.
  7. D.Zarkov, Lý luận và phương pháp hoạt động văn hóa giải trí, Nxb. MGUKI, Moscow, 2007.

[1] Nguyễn Tri Nguyên, Văn hóa học – những phương diện liên ngành và ứng dụng, Nxb. ĐH Công nghiệp, Tp. HCM, tr.19.

[2] Nguyễn Tri Nguyên, Văn hóa học – những phương diện liên ngành và ứng dụng, Nxb. ĐH Công nghiệp, Tp. HCM, tr.16.

[3] Đinh Thị Vân Chi, Nhu cầu giải trí của thanh niên, Nxb. Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 2003, tr. 53.

[4] Nguyễn Văn Đính (Chủ biên), Tâm lý và nghệ thuật giao tiếp, ứng xử trong kinh doanh du lịch, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 1995,  tr. 31.

[5] A.D.Zarkov, Lý luận và phương pháp hoạt động văn hóa giải trí, Nxb. MGUKI, Moscow, 2007.

[6] Nguyễn Tri Nguyên, Văn hóa học – những phương diện liên ngành và ứng dụng, Nxb. ĐH Công nghiệp, Tp. HCM, tr. 24-25.

[7] Phạm Duy Đức (Chủ biên), Hoạt động giải trí ở đô thị Việt Nam hiện nay (Những vấn đề lý luận và thực tiễn), Nxb. Viện Văn hóa và Nxb. Văn hóa – Thông tin, tr. 33.

[8] Lê Ngọc Tòng, Các yếu tố kinh tế trong văn hóa với sự ra đời của môn kinh tế học văn hóa, tham luận hội thảo Mối quan hệ kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế qua thực hiện nghị quyết trung ương 5 khóa VIII – Thực trạng và giải pháp, Nxb. Lao động, tr. 47-48.

error: Content is protected !!