Hoạt động giải trí công cộng ở trung tâm văn hóa tại thành phố Hồ Chí Minh

Tạp chí Văn hóa nghệ thuật

Số 395 | 2017

HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÍ CÔNG CỘNG Ở TRUNG TÂM VĂN HÓA TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tóm tắt:

Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là đô thị lớn nhất nước nhưng có quá ít những không gian sinh hoạt văn hóa giải trí công cộng. Hệ thống trung tâm văn hóa mặc dù đã được Nhà nước quan tâm đầu tư để có thể phân bố đều khắp từ trung tâm tới các quận, huyện, phường, xã nhưng vẫn chưa thể đáp ứng kịp nhu cầu giải trí công cộng của người dân hiện nay. Để nâng cao chất lượng các hoạt động giải trí công cộng trong hệ thống trung tâm văn hóa, rất cần phải tìm hiểu thực trạng việc tổ chức vui chơi giải trí trong hệ thống này hiện nay; qua đó, đưa ra những nhận định, đánh giá có tính hệ thống, khách quan làm cơ sở dữ liệu khoa học cần thiết cho việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động văn hóa trên địa bàn thành phố hiện nay.

1. Giải trí công cộng góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cư dân đô thị

Hoạt động giải trí công cộng là quá trình sáng tạo và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa tinh thần, trong thời gian rỗi, tại những nơi mà nhiều người có thể tự do, bình đẳng tham dự, để giải tỏa những căng thẳng trí não, tạo sự hứng thú cho bản thân và góp phần phát triển đời sống văn hóa cộng đồng.

Trong xã hội đô thị, hoạt động lao động sản xuất với nhịp độ nhanh, khẩn trương, tận dụng tối đa sức lao động để tạo ra của cải vật chất làm nảy sinh nhiều áp lực, căng thẳng, mệt mỏi về tinh thần cho nên người dân cần có những hoạt động giải trí để giải tỏa căng thẳng trí não, góp phần cân bằng lại đời sống tâm sinh lý, tình cảm nội tại của mình.

Dân số đông, mật độ cư trú cao, môi trường sinh sống tù túng, ít không gian thoáng đạt, thiếu những không gian công cộng dành cho người dân được tự do thư giãn, giải trí thông qua các hoạt động sáng tạo các sản phẩm văn hóa vừa để thỏa mãn nhu cầu được giải trí vừa để thể hiện các giá trị của bản thân trước tập thể, cộng đồng; đây là một trong những nhu cầu văn hóa cao trong nấc thang nhu cầu của con người.

Hoạt động giải trí công cộng giúp người dân gìn giữ các phong tục, tập quán, các sinh hoạt mang tính bản sắc văn hóa cộng đồng như các cuộc lễ, ngày hội; bởi và chỉ thông qua các sinh hoạt cộng đồng này con người mới có thể hòa nhập cái tôi của bản thân vào cái ta chung của cộng đồng để từ đó tạo ra thêm những niềm vui chung, sức mạnh, tinh thần dân tộc cho cả cộng đồng.

Một trong những đặc điểm cơ bản của cư dân đô thị là họ sống trong các mối quan hệ đa phương, đa dạng, đa chiều nhưng thiếu tính gắn bó bền chặt; do đó rất cần có những hoạt động văn hóa nói chung, trong đó có hoạt động giải trí công cộng để tạo ra một môi trường nhân văn xã hội giúp mọi người có được cơ hội giao lưu tiếp xúc trực tiếp với nhau, từ đó có những sự hiểu biết, chia sẻ và gắn kết cộng đồng.

Hoạt động giải trí công cộng sẽ tạo ra cơ hội bình đẳng cho người dân ở đô thị, không phân biệt giàu, nghèo đều được đảm bảo những quyền lợi cơ bản trong sáng tạo và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa phục vụ nhu cầu giải trí.

2. Vai trò của trung tâm văn hóa trong hoạt động giải trí công cộng

Cùng với cảnh quan văn hóa thì thiết chế văn hóa là một trong hai điều kiện cơ sở vật chất quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra các hoạt động giải trí công cộng cho cư dân đô thị. Tại Việt nam, từ những năm 70 của thế kỷ XX, thiết chế văn hóa được xem là: “chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, hệ thống biện pháp hoạt động và kinh phí hoạt động cho thiết kế đó; chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa đủ để gọi là thiết chế văn hóa”[1]. Trung tâm văn hóa là một dạng thiết chế văn hóa với tư cách là một cơ quan văn hóa hoạt động vì mục tiêu lợi ích công cộng; cho nên các hoạt động giải trí của trung tâm này phải đảm bảo được đặc tính công hữu, thực hiện nhiệm vụ phục vụ lợi ích công cho toàn xã hội đảm bảo cho mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng như nhau trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Chính nhờ những đặc trưng này mà trung tâm văn hóa có một vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động giải trí công cộng góp phần tạo ra cơ hội bình đẳng cho mọi công dân trong sáng tạo, tổ chức và hưởng thụ các giá trị văn hóa giải trí; đồng thời, góp phần hạn chế tối đa các khuyết điểm của thị trường, tránh việc thương mại hóa dịch vụ giải trí công cộng.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn của cả nước với diện tích 2.095 km2 gồm 19 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành, 322 phường – xã – thị trấn hiện đang tồn tại một hệ thống thiết chế trung tâm văn hóa phân bố đều khắp tất cả các địa bàn với 3 cấp độ: cấp thành phố, cấp quận – huyện và cấp phường – xã. Trong đó cấp thành phố có 1 trung tâm văn hóa (trụ sở đặt tại tại số 97, Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1); cấp quận – huyện có 24 trung tâm văn hóa/ 24 quận – huyện, cấp xã – phường có 81 nhà văn hóa/ 322 phường – xã. Trong năm 2016, hệ thống trung tâm văn hóa của thành phố đã tập trung cho các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trọng tâm như: tổ chức các lễ hội, các chương trình văn hóa nghệ thuật phục vụ tết Nguyên đán; tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và một số sự kiện trong năm; dàn dựng chương trình tham gia các hội thi, liên hoan, hội diễn như liên hoan các nhóm ca khúc cách mạng chủ đề “Tiếng hát từ Thành phố mang tên Bác Hồ”, liên hoan Ca tài tử thiếu nhi giải “Búp Sen vàng”, liên hoan văn nghệ thiếu nhi Hè, liên hoan Giai điệu quê hương. Bên cạnh việc thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên các đơn vị còn tổ chức phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, hỗ trợ các ban ngành, đoàn thể, cơ quan trên địa bàn.

3. Một số loại hình giải trí công cộng

3.1 Xem biểu diễn nghệ thuật

Có thể thấy, thưởng thức nghệ thuật là một trong những dạng thức giải trí phổ biến hiện nay trong đời sống tinh thần của người dân. Thưởng thức nghệ thuật là một dạng giải trí có sức hấp dẫn lớn, nó đồng thời giúp con người vừa thư giản vừa nâng cao đời sống tâm hồn, thị hiếu thẩm mỹ của chính mình; thông qua các tác phẩm nghệ thuật công chúng khán giả có thể giảm căng thẳng, cảm thấy hứng thú, sảng khoái tinh thần, ngoài ra cũng nhận diện được những điều hay, điều tốt, điều tích cực để hướng tới, làm theo đồng thời biết xa rời cái chưa tốt, cái xấu mà các tác phẩm nghệ thuật đã phản ánh. Chính vì lẽ đó, với tư cách là một thiết chế giáo dục ngoài nhà trường – các Trung tâm văn hóa thường xuyên, liên tục có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật để phục vụ đông đảo công chúng trong thời gian rỗi.

Người dân có thể dễ dàng đón xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật do các Trung tâm văn hóa tổ chức như: chương trình ca múa nhạc, thời trang, xiếc, tạp kỹ, các đêm giới thiệu tác giả, tác phẩm âm nhạc, múa, đờn ca tài tử, hòa nhạc…; các buổi diễn các vở diễn sân khấu kịch, tấu hài, cải lương, hát bội, hát tuồng, kịch rối; các buổi chiếu phim nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật – giải trí cho nhiều loại đối tượng công chúng khác nhau. Nổi trội hơn cả trong số các loại hình giải trí thông qua thưởng thức nghệ thuật do các Trung tâm văn hóa tổ chức chính là các chương trình ca múa nhạc có hoặc không có chủ đề.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Trung tâm văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, năm 2015[2] ngoài các cuộc biểu diễn nghệ thuật theo lịch cố định, thường xuyên tại các trung tâm văn hóa, nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước, của thành phố và nghỉ tết Nguyên đán toàn hệ thống trung tâm văn hóa đã tổ chức hơn 2.296 chương trình ca múa nhạc và 286 vở diễn kịch biểu diễn phục vụ người dân.

3.2 Biểu diễn nghệ thuật

Sáng tạo văn hóa nghệ thuật là một lĩnh vực đòi hỏi không chỉ là năng khiếu mà còn là sự đam mê của người chơi. Tại các trung tâm văn hóa việc tổ chức các sân chơi để người dân được thỏa sức đam mê, yêu thích sáng tạo văn hóa nghệ thuật thông qua các chương trình biểu diễn văn nghệ là một loại hình hoạt động được tổ chức thường xuyên tại các trung tâm văn hóa và bất kể ai cũng có thể được trở thành “nghệ sĩ”, được quyền tự do sáng tác, dàn dựng, biểu diễn theo cảm hứng sáng tạo của riêng mình. Những cuộc biểu diễn này thường xuyên được tổ chức vào thời gian rỗi và tạo thành các phong trào sáng tạo thẩm mỹ của quần chúng nhân dân đầy hấp dẫn và ngày càng cuốn hút sự chú ý, tham gia của đông đảo công chúng; Qua đó, tâm hồn của người biểu diễn cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hay thậm chí là đạt tới sự sảng khoái, hưng phấn cao độ về mặt tinh thần và chính sự thoải mái của tâm hồn mới có thể giúp mọi người đạt tới ngưỡng cao của sự giải trí.

Các cuộc biểu diễn văn nghệ của người dân do các trung tâm văn hóa tổ chức thường thấy như: chương trình hát với nhau với ban nhạc hay với dàn nhạc điện tử (karaoke), chương trình hát dân ca, đờn ca tài tử, chương trình biểu diễn của các nhóm nhạc, ban nhạc, tiếng hát người cao tuổi, văn nghệ thiếu nhi, tiếng hát công nhân, giao lưu thơ – nhạc, giới thiệu tác giả – tác phẩm tự biên, biểu diễn nhạc cụ, biểu diễn nhạc tài tử, biểu diễn thơ… Một số tiết mục, tác phẩm đạt chất lượng tốt từ các chương trình biểu diễn này đã được các trung tâm văn hóa lựa chọn, trau chuốt lại để đưa đi tham dự các cuộc thi, diễn ở địa phương hoặc cấp cao hơn cả trong và ngoài thành phố.

3.3 Tham dự các liên hoan, hội thi, hội diễn

Nhu cầu được vui chơi giải trí và khẳng định tài năng, uy tín của bản thân trước cộng đồng là một nhu cầu văn hóa chính đáng và là thứ nhu cầu bậc cao trong nấc thang nhu cầu cơ bản của con người. Nếu như việc biểu diễn ca, múa, đàn, diễn kịch… ở trên đã đề cập chỉ thuần túy là sự giải trí nhằm thỏa niềm đam mê, yêu thích được biểu diễn nghệ thuật thì hành động biểu diễn nghệ thuật khi tham dự các liên hoan, hội thi, hội diễn không chỉ dừng lại ở việc chỉ nhằm được bộc lộ, thể hiện khả năng, năng khiếu biểu diễn nghệ thuật đơn thuần nữa, mà nó đã chuyển sang một dạng vui chơi giải trí với nhu cầu cao hơn đó chính là sự mong muốn thông qua các tác phẩm sáng tác, dàn dựng, biểu diễn của mình nhằm khẳng định một tài năng; và nhất thiết tài năng đó phải nhận được sự đánh giá cao và thừa nhận của tập thể, cộng đồng, xã hội.

Mỗi năm, tại các trung tâm văn hóa đều có trên dưới năm đến bảy cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn được tổ chức theo các dịp khác nhau. Số liệu thống kê năm 2015[3] của Trung tâm văn hóa thành phố Hồ Chí Minh 24 trung tâm văn hóa quận, huyện của thành phố đã tổ chức được 251 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn tiêu biểu có thể kể đến như: liên hoan văn nghệ quần chúng, liên hoan Đờn ca tài tử, liên hoan và biểu diễn Lân Sư rồng; hội thi Hoa khôi doanh, hội diễn “Hát mãi khúc quân hành”, liên hoan Karaoke tiếng Quảng Đông, liên hoan Karaoke tiếng hát công nhân, liên hoan sân khấu quần chúng “Chuyện khu phố tôi”, liên hoan Tiếng hát Làng Sen, liên hoan các nhóm ca khúc truyền thống cách mạng… Các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn ngoài việc đáp ứng nhu cầu giải trí để khẳng định uy tín của người tham dự, nó còn tạo cơ hội để trung tâm văn hóa phát hiện, bồi dưỡng và bổ sung nguồn nhân lực tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật để tạo nên những đỉnh cao, trào lưu mới, làm phong phú và đa dạng hơn cho hoạt động văn hóa giải trí của cộng đồng.

3.4 Sinh hoạt câu lạc bộ, đội, nhóm

Tại các trung tâm văn hóa, hệ thống câu lạc bộ, đội, nhóm phát triển khá đông đảo; chúng được hình thành trên cơ sở sự tự nguyện tham gia của các thành viên xã hội có cùng xu hướng, sở thích đồng thời được trung tâm văn hóa đứng hỗ trợ, tạo điều kiện để thành lập. Có thể thấy, người tham gia sinh hoạt câu lạc bộ vừa được thoải mái thể hiện hết các sở thích, đam mê của bản thân; vừa được khám phá và học tập thêm các kỹ năng, kiến thức mới để nâng cao khả năng của bản thân trong lĩnh vực mình yêu thích; đồng thời, được giao lưu, kết bạn tăng cường và mở rộng các mối quan hệ xã hội… đó là những lợi ích cơ bản, thiết thực mang tính bản chất mà loại hình sinh hoạt này luôn mang lại cho người tham gia sinh hoạt. Chính vì lẽ đó, trong bất cứ thời điểm nào từ trước tới nay, sinh hoạt câu lạc bô, đội, nhóm sở thích trong thời gian rỗi cũng được nhiều người quan tâm, tham dự.

Hiện nay, tại các trung tâm văn hóa nhiều mô hình câu lạc bộ đã khẳng định được uy tín của mình trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của thành phố như: câu lạc bộ đờn ca tài tử, câu lạc bộ tiếng thơ Gia Định, câu lạc bộ sáng tác ca khúc, câu lạc bộ ca khúc truyền thống. Một số câu lạc bộ tiêu biểu thuộc trung tâm văn hóa thành phố Hồ Chí Minh như: câu lạc bộ nghệ thuật tổng hợp Giai điệu Việt, câu lạc bộ Sài Gòn thi hội, câu lạc bộ diều nghệ thuật Phượng Hoàng, câu lạc bộ âm nhạc tân tộc “Hương sắc 03 miền”, câu lạc bộ đờn ca tài tử, câu lạc bộ ca Huế, câu lạc bộ nhảy hiện đại.

3.5 Tham dự lễ hội

Lễ hội là một dạng sinh hoạt văn hóa tổng hợp của con người, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần lẫn nhu cầu văn hóa vật chất cho người dân; chính vì lẽ đó, từ xưa lễ hội đã được xem là một cuộc hội tụ, vui chơi đông người tại những nơi công cộng. Tại các thành thị ngày nay, những lễ hội nông nghiệp gắn với tâm thức tam nông vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển điển hình như các dịp lễ tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Trung thu, Đoan ngọ, lễ hội văn hóa của các tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; bên cạnh các lễ hội truyền thống thì các lễ hội văn hóa mới ngày càng được quan tâm tổ chức nhiều hơn, hướng tới tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của đông đảo công chúng ở đô thị.

Hoạt động lễ hội trong hệ thống trung tâm văn hóa ở thành phố Hồ Chí Minh có thể được phân thành hai nhóm lớn: (1) nhóm lễ hội truyền thống chủ yếu là các lễ hội được tổ chức theo âm lịch như Tết Nguyên đán, Lễ Nguyên tiêu, Trung thu, Lễ hội Nghinh ông Cần Giờ… và (2) nhóm lễ hội văn hóa mới được tổ chức theo các ngày dương lịch nhằm kỷ niệm các sự kiện, nhân vật truyền thống cách mạng; kỷ niệm của các ngành, nghề, giới; lễ hội văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch; kỷ niệm các ngày lễ Quốc tế; các sự kiện không định kỳ. Năm 2015[4] các trung tâm văn hóa quận – huyện toàn thành phố đã tổ chức được hơn 264 cuộc lễ hội trong đó tập trung cao độ nhất vào dịp lễ hội mừng năm mới và Tết Nguyên đán với nhiều sinh hoạt văn hóa nghệ thuật như: hội chợ người tiêu dùng, hội đèn hoa, hội thi gói bánh tét, triển lãm ảnh mừng Đảng – mừng Xuân, Đình làng vào xuân.., tuần lễ văn hóa chào năm mới, hội đèn hoa Ất Mùi, hội Nguyên tiêu…

4. Một số nhận định

Hệ thống trung tâm văn hóa đảm bảo được đặc tính công hữu trong tổ chức các hoạt động giải trí công cộng, tạo ra sự tự do, bình đẳng cho người dân tham gia vào các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa giải trí; hệ thống thiết chế này khẳng định rõ bản chất của một cơ quan văn hóa với đặc tính là đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ không vì lợi ích cho cá thể hay tổ chức tư nhân. Chính những đặc tính này góp phần khẳng định sự ưu việt của nó trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động văn hóa giải trí nhằm phục vụ người dân và góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng. Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rằng giải trí công cộng cũng là một dạng dịch vụ sự nghiệp công nhằm cung cấp phúc lợi xã hội thiết yếu cho người dân; thời gian qua, Nhà nước đã chuyển giao một phần việc cung ứng loại dịch vụ công này cho khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội đảm nhận. Cho tới nay, không thể phủ nhận vai trò của Nhà nước trong việc quản lý và tổ chức các hoạt động giải trí công cộng thông qua hệ thống thiết chế trung tâm văn hóa. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy rằng sẽ không đủ và khó đảm bảo cho sự hoàn thiện cả về số lượng cũng như chất lượng các dịch vụ giải trí công cộng để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân thành phố hiện nay nếu chỉ đơn độc và tập trung trong hệ thống các thiết chế văn hóa thuộc khu vực nhà nước. Cho nên, rất cần phải thừa nhận và mở rộng hơn nữa vai trò của xã hội thông qua các chủ thể ngoài nhà nước (tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân) cùng tham gia vào việc tổ chức các hoạt động giải trí công cộng với tư cách là các chủ thể cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Các loại hình giải trí bên cạnh những ưu điểm đã nêu trên cũng bộc lộ một số hạn chế cơ bản như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật thường chỉ tập trung vào một số chủ đề nhất định, chủ yếu là nhằm để chào mừng các ngày lễ mang yếu tố giáo dục chính trị, tư tưởng; chưa đa dạng, phong phú, sinh động cả về thể loại, chủ đề, nội dung lẫn hình thức thể hiện, còn rập khuôn, sơ cứng trong cách sáng tạo, biểu diễn. Hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật nhằm giúp người dân thể hiện sự sáng tạo văn hóa chưa được tổ chức thường xuyên, chưa tạo ra phương thức, cách thức tổ chức mới lạ, hấp dẫn. Các liên hoan, hội thi, hội diễn tổ chức khá rầm rộ, hoành tráng nhưng đối tượng người tham dự đa phần là cán bộ, viên chức, người làm việc thuộc các cơ quan nhà nước là nhiều, những cuộc thi tài dành cho công chúng tự do thực sự chưa nhiều và chưa được quan tâm, đầu tư đúng mực. Sinh hoạt câu lạc bộ, đội, nhóm đã khẳng định được lợi thế của nó đối với phong trào văn hóa văn nghệ đại chúng, tuy nhiên, sinh hoạt này vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ, thiếu phương thức phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đơn vị và người tham gia sinh hoạt; một số trung tâm đã đẩy các câu lạc bộ dần trở thành một một tổ chức trực thuộc với kiểu sinh hoạt nặng tính hành chính hơn là sở thích tự nguyện. Hoạt động lễ hội tập trung nhiều sinh hoạt vui chơi, giải trí được tổ chức qui mô tại các trung tâm văn hóa hay các nơi công cộng nhằm phục vụ người dân đã có những thành công đáng kể; tuy nhiên hoạt động này cũng chỉ tổ chức vào một dịp lễ lạt nào đó do vậy thường tập trung rất đông người tham dự dẫn tới rất nhiều bất cập trong khâu tổ chức, quản lý. Trước thực trạng đó, rất cần phải đánh gía lại cho đúng nhu cầu, tình trạng sử dụng thời gian rỗi của các đối tượng công chúng khác nhau và quan trọng hơn, từ đó tiến tới nghiên cứu, học tập, tiếp thu và sáng tạo nhiều hơn các loại hình giải trí công cộng mới, phù hợp và đáp ứng đúng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân trong bối cảnh hiện nay.

Hoạt động giải trí công cộng đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân đô thị, nó vừa góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân vừa tạo dựng và phát triển môi trường văn hóa cộng đồng ở đô thị. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng đồng thời tạo ra các giá trị kinh tế – xã hội với tư cách là một ngành công nghiệp văn hóa đã được khẳng định trong Chương trình hành động của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhằm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước: “… Phát triển ngành công nghiệp giải trí phục vụ du lịch bằng các chương trình ca nhạc dân tộc với hoạt động của hệ thống bảo tàng, di tích lịch sử, văn hóa, các khu vui chơi giải trí mang đậm bản sắc Việt kết hợp với hoạt động thể thao đa dạng tạo nên sự gắn kết giữa hoạt động văn hóa văn nghệ với hoạt động vui chơi giải trí và quảng bá du lịch của thành phố”. Trung tâm văn hóa là một thiết chế có đầy đủ tư cách, chức năng và điều kiện để tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ giải trí công cộng hướng tới phát triển kinh tế trong văn hóa như tinh thần chỉ thị của Đảng và các nghị quyết, chủ trương, chương trình hành động của thành phố. Tuy nhiên, để thực hiện tốt được vai trò, chức năng, nhiệm vụ này rất cần thiết phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hành lang pháp lý cụ thể, phù hợp, chắc chắn; chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực nhất là nguồn lực con người biết làm kinh tế văn hóa giỏi; tiếp thu và điều chỉnh phương thức tổ chức hoạt động sao cho đảm bảo vừa phục vụ lợi ích công vừa đảm bảo tạo ra nguồn lợi ích kinh tế – xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

  1. Trương Minh Dục, chủ biên (2010), Văn hóa và lối sống đô thị Việt Nam một cách tiếp cận, Nxb. Chính trị Quốc gia, HN.
  2. Phạm Duy Đức, chủ biên (2004), Họat động giải trí ở đô thị Việt Nam hiện nay những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Viện văn hóa và Nxb. Văn hóa – Thông tin.
  3. Trần Thị Kim Cúc (2014), Văn hóa Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, HN.
  4. Trần Ngọc Khánh (2012), Văn hóa đô thị, Nxb. Tổng hợp Tp. HCM.
  5. Trần Ngọc Khánh, chủ biên (2013), Nghiên cứu và xây dựng mô hình Nhà văn hóa tại thành phố ồ Chí Minh.
  6. Đỗ Tiến Sâm, chủ biên (2010), Xây dựng nền văn hóa tiên tiến ở Trung Quốc, Nxb. Khoa học xã hội.
  7. Từ điển Bách Khoa Việt nam (2005), Nxb. Từ điển Bách Khoa.
  8. Báo cáo tổng kết hoạt động văn hóa, thể thao năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016 (Số: 505/SVHTT-KH, ngày 31/12/2015).
  9. Báo cáo tổng kết hoạt động văn hóa, thể thao năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017 (Số: 5384/SVHTT-KH, ngày 20/12/2016).
  10. Báo cáo hoạt động Trung tâm văn hóa các quận, huyện năm 2015, 2016 của Trung tâm văn hóa thành phố Hồ Chí Minh.

[1] Từ điển Bách Khoa Việt nam, HN, 2005, t.4, tr 230.

[2] Báo cáo tổng kết hoạt động văn hóa, thể thao năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016 (Số: 505/SVHTT-KH, ngày 31/12/2015).

[3] Báo cáo hoạt động Trung tâm văn hóa các quận, huyện năm 2015 của Trung tâm văn hóa thành phố Hồ Chí Minh.

[4] Báo cáo hoạt động Trung tâm văn hóa các quận, huyện năm 2015 của Trung tâm văn hóa thành phố Hồ Chí Minh.

error: Content is protected !!