Hoạt động giải trí công cộng qua mạng lưới rạp phim tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh

Tạp chí Văn hóa nghệ thuật

Số 411 | 2018

HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÍ CÔNG CỘNG QUA MẠNG LƯỚI RẠP PHIM TƯ NHÂN Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tóm tắt: Hoạt động giải trí công cộng qua mạng lưới các rạp chiếu phim tư nhân thời gian qua ở thành phố Hồ Chí Minh đã có những kết quả bước đầu rất cụ thể, đóng góp tích cực cho việc xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của thành phố. Hoạt động cung ứng dịch vụ chiếu phim của các rạp tư nhân đã đem tới sự đa dạng, phong phú và nhiều tiện ích vượt trội cho sự lựa chọn của công chúng khán giả giải trí bằng hình thức nghe nhìn; khẳng định sứ mệnh tích cực của các cơ sở tư nhân trong tổ chức hoạt động văn hóa công cộng và vai trò chủ đạo của nhà nước trong quản lý, điều tiết việc cung ứng dịch vụ văn hóa công cộng cho xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công cũng đồng thời bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm nhất định, rất cần được khảo sát, nhận định và đánh giá một cách khoa học.

1. Quan niệm về hoạt động giải trí công cộng

Thuật ngữ giải trí xuất hiện khá phổ biến trong xã hội ta ngày nay. Giải thích về nó có lẽ xin bắt đầu từ cách hiểu của xã hội truyền thống: “Giải trí là làm cho trí óc thảnh thơi, khỏi lo nghĩ”[1], tức là làm cho tinh thần được sảng khoái, giảm bớt những căng thẳng về mặt trí não. Theo Đào Duy Anh trong Hán – Việt từ điển, ông cho rằng: “Giải trí là khi làm việc rỗi, làm cho trí não được khoan khoái”. Gần nghĩa với giải trí là tiêu khiển, “Tiêu khiển là làm cho khuây khỏa và tan biến sầu muộn”[2].

Theo cách giải nghĩa trên thì giải trí là những hoạt động trong thời gian rỗi hay hoạt động giải trí là những hoạt động vui chơi trong lúc con người rảnh rỗi. Từ đó, Đoàn Văn Chúc cho rằng: “Giải trí là một dạng hoạt động xã hội, diễn ra chủ yếu là trong thời gian rỗi, nhằm lập lại thế cân bằng tâm – sinh lý, đồng thời đáp ứng các nhu cầu phát triển về các mặt: thể chất, trí tuệ, tình cảm, ý chí và cảm xúc thẩm mỹ của con người”[3].

Bất cứ hoạt động nào của con người cũng đều xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của bản thân, và ẩn sâu trong mỗi nhu cầu đó đều chứa đựng một mục đích cần được đáp ứng và thỏa mãn. Mỗi nhu cầu xã hội của con người chỉ được thỏa mãn và đạt mục đích khi được xã hội đáp ứng thông qua một hay một vài thiết xã hội cụ thể, phù hợp nào đó. Mỗi thiết chế xã hội đều gắn với từng chủ thể quản lý xã hội, tại những thời điểm khác nhau. Mỗi chủ thể quản lý xã hội trong vai trò là nhà nước đều thực hiện hai chức năng cơ bản là quản lý xã hội (cai trị) và phục vụ xã hội. Để đảm bảo trật tự, công bằng và duy trì sự ổn định, phát triển xã hội, nhà nước không ngừng tăng cường sự quản lý xã hội thông qua sức mạnh quyền lực của mình; đồng thời chăm lo phục vụ các nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân thông qua các thiết chế dịch vụ cụ thể.

Như vậy, Hoạt động giải trí công cộng là quá trình cung ứng và tiêu dùng các sản phẩm văn hóa; đáp ứng nhu cầu giải tỏa những căng thẳng trí não, tạo sự vui thú và sảng khoái tinh thần cho con người trong thời gian rỗi; do nhà nước chịu trách nhiệm, trực tiếp tổ chức cung ứng hay ủy quyền và tạo điều kiện cho các chủ thể xã hội thực hiện, nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích văn hóa cho người dân và cộng đồng, xã hội.

Yếu tố “công cộng” trong cụm từ hoạt động giải trí công cộng này mang ba khía cạnh ý nghĩa: (1) là nơi công cộng: nghĩa là, các hoạt động giải trí phục vụ chung cho nhiều người; phải được tổ chức tại một địa điểm cụ thể nào đó, là nơi vui chơi sinh hoạt chung của cả cộng đồng; (2) mang tính công chúng: nghĩa là, các hoạt động giải trí này phải có sự tham gia và tương tác với nhau của số đông người dân trong cộng đồng; (3) đảm bảo tính công bằng: nghĩa là, nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong quản lý, tổ chức cung ứng dịch vụ giải trí hoặc tiến hành “xã hội hóa”, giao cho xã hội cung ứng, nhưng nhà nước vẫn phải giữ vai trò quản lý, điều tiết nhằm đảm bảo cho mọi công dân đều được bình đẳng trong sáng tạo, tổ chức, hưởng thụ và phát triển các giá trị văn hóa.

Hoạt động giải trí công cộng là những hoạt động phục vụ cho nhu cầu văn hóa tinh thần chung của người dân trong cộng đồng xã hội, có tổ chức, có hoặc không có thu phí, do nhà nước chịu trách nhiệm. Xét theo tiêu chí đối tượng cung ứng, hoạt động giải trí công cộng được phân thành hai loại cơ bản sau: (1) hoạt động giải trí công, do cơ quan nhà nước trực tiếp cung ứng, thông qua hệ thống các đơn vị sự nghiệp văn hóa công lập như trung tâm văn hóa, thư viện công cộng, bảo tàng, nhà hát, trung tâm chiếu phim… ; (2) hoạt động giải trí thông thường, do các tổ chức phi chính phủ (các thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo, hội nghề nghiệp…), tổ chức tư nhân (các công ty tư nhân) cung ứng, nhà nước có trách nhiệm đôn đốc, giám sát.

2. Vai trò của nhà nước trong quản lý và điều tiết hoạt động giải trí công cộng

Quản lý và phục vụ là hai chức năng cơ bản của nhà nước. Trong đó, quản lý đóng vai trò cai trị, còn phục vụ thể hiện vai trò cung cấp các dịch vụ công cho toàn xã hội. Thông qua vai trò quản lý và điều tiết của mình đối với hoạt động giải trí công cộng, nhà nước cần thực hiện những việc sau:

– Nhà nước không chỉ trực tiếp thực hiện việc cung ứng các dịch vụ giải trí công cộng, mà còn cần phải hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ, tổ chức tự quản của cộng đồng, tổ chức tư nhân… tham gia vào việc cung ứng các dịch vụ này. Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, cụ thể như: chỉ ra cụ thể các lĩnh vực dịch vụ giải trí công cộng cần khuyến khích thị trường tham gia cung ứng, chính sách hỗ trợ tài chính, chính sách thuế, các điều kiện vật chất, các chính sách đào tạo, thanh tra, kiểm tra và kiểm soát…

– Nhà nước tăng cường vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các chủ thể cung ứng dịch vụ giải trí công cộng ngoài nhà nước. Trước tiên, cần khẳng định nhà nước là người chịu trách nhiệm cuối cùng trước xã hội về số lượng, chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ giải trí công cộng. Trong khi đó, chất lượng, hiệu quả của các dịch vụ giải trí công cộng do tư nhân tổ chức cung ứng không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với số lượng của dịch vụ này. Hơn nữa, trong lĩnh vực văn hóa giải trí, nhà nước luôn có những mục tiêu văn hóa gắn với các giá trị mang tính cốt lỏi, nền tảng chung nhằm đảm bảo việc xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam trong điều kiện hoàn cảnh hiện thời. Song, không phải lúc nào các mục tiêu văn hóa, xã hội của hoạt động giải trí cũng đảm bảo được thực hiện một cách tích cực, chuẩn mực khi mà các công ty, tổ chức ngoài nhà nước lại đặt tiêu chí lợi nhuận là yếu tố hàng đầu trong cung ứng các dịch vụ giải trí.

Trước thực tế đó, nhà nước cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu chất lượng dịch vụ giải trí công cộng để đánh giá hoạt động của các đơn vị cung ứng dịch vụ, giám sát và kiểm tra hoạt động của các tổ chức này. Nhà nước cần định hướng phát triển đối với khu vực tư nhân, hướng khu vực tư nhân vào những lĩnh vực mà tư nhân có thể hoạt động hiệu quả, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm không ngừng cải tiến việc cung ứng dịch vụ giải trí công cộng cho toàn xã hội.

3. Thực trạng hoạt động cung ứng dịch vụ giải trí công cộng qua các cụm rạp chiếu phim tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh

Hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh khu vực nhà nước với các rạp chiếu phim quốc doanh như cụm rạp chiếu phim Đống Đa, hệ thống rạp chiếu phim Fafilm Cinema, thì khu vực tư nhân có thể kể đến sự hiện diện của 04 tổ chức tư nhân đang đầu tư lớn trong trong lĩnh vực hoạt động chiếu phim tại các rạp. Có thể tổng hợp quy mô của 04 tổ chức này đã tạo ra hệ thống hơn 40 rạp chiếu phim, với tổng sức chứa khoảng 25.000 chỗ ngồi; bao gồm: cụm rạp CGV Cinema, hệ thống rạp chiếu phim Galaxy Cinema, cụm rạp Lotte Cinema, cụm rạp BHD Star Cinema và một số rạp chiếu phim tư nhân khác như: Cinestar Hai Bà Trưng, Cinestar Nguyễn Trãi, Cinebox 212, rạp Đống Đa, rạp Mega GS Cao Thắng, rạp chiếu phim tại Viện trao đổi văn hóa với Pháp.

Đa số các rạp chiếu phim tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh đều thuê hoặc đầu tư địa điểm chiếu phim tại các cao ốc, tòa nhà cao tầng, không có diện tích mặt đất như các rạp chiếu phim thuộc khu vực nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết các rạp chiếu phim tư nhân đều có sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ nhu cầu đa dạng của khán giả xem phim. Về đầu tư cơ sở vật chất, có thể thấy, đa số các rạp đều tạo ra một không gian sinh hoạt chung khá rộng rãi trước tiền sảnh, hành lang hay các khu vực ngồi chờ tới lượt xem phim, với những thiết kế trang trí, ấn tượng, đẹp mắt, hiện đại và đa phong cách, đa dịch vụ. Bên cạnh không gian bên ngoài đẹp, ấn tượng, đa chức năng thì bên trong các khán phòng xem phim tại các cụm rạp này cũng được đầu tư một cách hoàn chỉnh, đồng bộ với hệ thống ghế ngồi hiện đại, có thể tự điều chỉnh theo sở thích. Một số cụm rạp mong muốn tạo cho khán phòng xem phim những tiện ích và đa chức năng hơn như mong muốn biến phòng chiếu thành nơi không chỉ xem phim mà còn là nơi để diễn ra những buổi họp, sự kiện theo nhóm. Về đầu tư trang thiết bị kỹ thuật (âm thanh, máy chiếu, màn hình…), hầu hết các rạp đều tập trung đầu tư mạnh cho hệ thống âm thanh và màn hình của phòng chiếu phim, với công nghệ chiếu phim 4DX, công nghệ âm thanh vòm, hệ thống âm thanh kỹ thuật số tân tiến nhất. Bên cạnh đó, hệ thống âm thanh kỹ thuật số 7.1 có tính năng tạo nên cảm giác sống động, chân thực cho người xem, đã hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu ứng tối đa cho khán giả khi xem các phim hành động, phiêu lưu mạo hiễm. Màn hình rộng và hệ thống âm thanh vòm kỹ thuật số 7.1 của Dolby Digital, có thể trình chiếu các bộ phim định dạng 3D và 2D kỹ thuật số. Ngoài ra, một số cụm rạp còn có phòng chiếu được trang bị “màn hình bạc” nhằm tối ưu hóa độ sáng, độ sắc nét và tính sống động cho các bộ phim.

Về thể loại và phong cách phim, nếu như trước đây thị trường phim chủ yếu là phim hành động, phim hài thì xu hướng này hiện nay đang dần thay đổi. Các thể loại và phong cách phim ngày càng phong phú, đa dạng hơn, bao gồm cả phim hành động, phim hài, phim khoa học viễn tưởng, phim kinh dị, phim hoạt hình gia đình… Sự đa dạng hóa các thể loại và phong cách phim chiếu ở các rạp tư nhân đã góp phần quan trọng nhằm tạo cho công chúng có nhiều cơ hội hơn trong lựa chọn các sản phẩm giải trí phù hợp với sở thích, thói quen thưởng thức điện ảnh của mình. Có thể nói, các rạp chiếu phim tư nhân đã rất nhạy bén với thị trường, thông qua quy luật cung cầu của thị trường họ đã góp phần đáng kể để tạo ra sự đa dạng, phong phú của các thể loại và phong cách phim chiếu ở rạp để cung cấp và đáp ứng cho thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng. Đồng thời, thông qua người tiêu dùng, họ cũng đã góp phần định hướng, thúc đẩy, đặt hàng ngược lại quá trình sản xuất, phát hành các sản phẩm, dịch vụ phim ảnh nhằm tạo cho hoạt động sản xuất, phát hành, phân phối các dịch vụ giải trí công cộng được vận hành một cách khách quan và hợp quy luật. Tại các rạp chiếu phim hiện nay, bên cạnh dịch vụ chính là chiếu phim thì còn có khá nhiều những dịch phụ đi kèm như phục vụ thức ăn, thức uống, trò chơi, bán quà, giữ xe… Cá biệt có những rạp chiếu phim còn tạo thêm nhiều loại dịch vụ mới vượt ngoài chức năng chính của mình, muốn biến phòng chiếu phim trở thành như một không gian đa chức năng, vừa để giải trí vừa để tổ chức các sự kiện theo những mục đích riêng của khách hàng. Có thể nói, việc tạo ra ngày càng nhiều hơn các dịch vụ phụ đi kèm tại các rạp chiếu phim, một mặt, nó đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của người đi xem phim tại rạp, nhưng mặt khác, nó cũng ảnh hưởng tới chi phí kết tinh trong giá cả mà khách hàng phải chi trả khi tới các rạp chiếu phim này.

Qua tìm hiểu về giá vé xem phim và một số dịch vụ, khuyến mãi tại thời điểm hiện nay của một số cụm rạp chiếu phim tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh, có thể thấy giá vé xem phim và giá cả dịch vụ nói chung giữa các rạp, cụm rạp chiếu phim ở thành phố Hồ Chí Minh là không đồng đều nhau. Có sự chênh lệch nhất định giữa các rạp ở từng vị trí, địa điểm khác nhau và giá vé cao tỉ lệ thuận với mức độ đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị của từng rạp, phòng chiếu phim. Tất cả sự chênh lệch này đều có lý do riêng của nó và có mục đích chung là nhằm hướng tới một phân khúc khách hàng xem phim cụ thể của từng nhà đầu tư.

4. Thực trạng hoạt động tiêu dùng dịch vụ giải trí công cộng qua các cụm rạp chiếu phim tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh

Có thể thấy, đi xem phim ở rạp là một trong số nhiều cách mà đa số người dân lựa chọn để thỏa mãn nhu cầu sử dụng thời gian rỗi của mình. Mặc dù mỗi người có thể có những sở thích khác nhau khi đi xem phim như đi một mình hay đi theo nhóm, đi tới rạp ở gần hay ở xa, đi tới rạp hiện đại kết hợp với nhiều dịch vụ tiện ích khác hay đơn thuần là đi tới rạp chỉ thuần túy có phòng chiếu phim, xem những thể loại phim khác nhau… Song, đa số họ đều có cùng một đích chung lớn nhất khi đi xem phim đó là được thư giãn, giải trí sau khoảng thời gian lao động căng thẳng, mệt nhọc. Từ đó cho thấy, giải tỏa những căng thẳng, tạo sự thoải mái, phấn chấn tinh thần chính là những giá trị cốt lõi của hoạt động giải trí, được xem như một giá trị lớn nhất mà con người mong muốn và hướng tới khi đi xem phim ở rạp.

Hầu hết các rạp chiếu phim tư nhân hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh đều đáp ứng và thỏa mãn cao nhu cầu và làm hài lòng công chúng về những điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chiếu phim cũng như các dịch vụ tiện ích khác trong quần thể cụm rạp. Có thể tham khảo một số nhận định, đánh giá sau:  “Hệ thống rạp ở CGV CT Plaza được đánh giá cao bởi màn hình lớn, âm thanh sống động, tuyệt hảo và ghế ngồi êm ái, vốn là những đặc trưng làm nên phong cách chuyên nghiệp và chất lượng phục vụ cho CGV Cineplex” [http://www.123phim.vn/rap-chieu-phim/14-cgv-ct-plaza.html]. Galaxy Cinema cũng được đánh giá cao với những đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị lớn. “Với diện tích hơn 3000m² gồm 5 phòng chiếu, Galaxy tân Bình được đánh giá như một thế giới Hollywood thu nhỏ thành phố Hồ Chí Minh” [https://www.galaxycine.vn/]. “Galaxy Nguyễn Trãi là một lựa chọn tốt cho một buổi thưởng thức phim ảnh cùng bạn bè hoặc gia đình” [http://moveek.com/rap/galaxy-nguyen-trai/].

Nếu như trước đây, nguồn cung ứng phim dồi dào và đa dạng nhất phải là thị trường Hollywood, với các hãng phim danh tiếng như Warner Bros, Uniersal, Disney, Paramount, 20th Century Fox, Colombia Pictures… chủ yếu là do Công ty Megastar và Công ty phim Thiên Ngân nhập về, thì hiện nay khán giả có nhiều cơ hội để thưởng thức dòng phim Bollywood (Ấn Độ), phim Trung Quốc, phim châu Âu và gần đây nhất là dòng phim Thái Lan ồ ạt chiếm lĩnh thị trường phim hè 2013-2014 từ các nhà nhập khẩu phim mới như Công ty truyền thông Bạch Kim M.P.V, Công ty A Company… Sự mở cửa của cơ chế thị trường và tiềm năng to lớn của công nghệ giải trí tại thành phố Hồ Chí Minh đã khiến cho các đơn vị phát hành phim mạnh dạn đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu phim, đa dạng hoá các nguồn phim, phát hành phim bom tấn cùng lúc với thế giới… Tất cả những yếu tố trên đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi hơn cho khán giả xem phim rạp. Có thể thấy, khán giả có mức hài lòng khá cao đối với sự tự do được lựa chọn bộ phim mà mình xem. Điều đó cho phép chúng ta đánh giá, rằng các cụm rạp chiếu phim tư nhân đã góp phần tích cực để làm cho thị trường giải trí trở nên sôi động và phong phú hơn; đồng thời mang tới những cơ hội bình đẳng, tự do nhiều hơn cho công chúng trong quá trình hưởng thụ, tiêu dùng các sản phẩm giải trí công cộng.

Về giá cả dịch vụ, đặc biệt là giá vé xem phim, có sự dao động khá lớn giữa các giờ chiếu, ngày thường hay ngày nghỉ cuối tuần và vào các dịp lễ tết trong năm. Thường là giá vé sẽ tăng cao vào các giờ từ 17h – 21h trong ngày, các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật, các dịp lễ, mùa hè, giáng sinh hay dịp cuối năm và các ngày Tết Nguyên đán. Mức độ cao thấp của giá vé xem phim tùy thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô cơ sở vật chất, trang thiết bị của rạp, nội dung phim, thời điểm chiếu, ghế ngồi, loại phim 2D, 3D… Tuy nhiên, có thể nhận thấy, so với mặt bằng thu nhập bình quân chung của người dân thành phố thì giá vé xem phim tại các rạp tư nhân vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu cho đại đa số người dân có mong muốn tới rạp xem phim để giải trí. Có thể thấy, rạp chiếu phim hiện đại với nhiều ưu thế vượt trội hơn so với một số loại hình, cơ sở giải trí khác trong hoạt động giải trí công cộng. Song, không phải ai cũng có điều kiện để đi xem phim, và vấn đề giá vé xem phim còn cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân của đa số người dân thành phố chính là yếu tố cản trở lớn cho số đông khán giả đến với loại hình giải trí này.

5. Thực trạng công tác quản lý, điều tiết hoạt động giải trí công cộng qua các cụm rạp chiếu phim tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh

Để dịch vụ điện ảnh tư nhân có bước phát triển mạnh mẽ như hiện nay, có lẽ xuất phát điểm chính là chủ trương, nghị quyết liên quan tới việc “xã hội hóa” các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao. Tiếp theo là sự ra đời của nhiều nghị định, quy chế liên quan tới lĩnh vực hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; và sự ra đời của hệ thống chính sách pháp luật về điện ảnh ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển. Đặc biệt, có hai chính sách lớn gần đây, đó là Quyết định số 2156/QĐ-TTg, ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 14 tháng 2 năm 2017 phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Trong quản lý hoạt động giải trí công cộng, hoạt động thanh kiểm tra vẫn đang diễn ra thường xuyên, liên tục và đúng theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, các dịch vụ giải trí công cộng của các rạp chiếu phim tư nhân đã đi vào hoạt động có chất lượng và hiệu quả hơn, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ phim ảnh của người dân thành phố. Tuy nhiên, từ thực tiễn cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như sự thiếu kiểm soát một cách hiệu quả trong khâu giá vé bán ra tại các rạp dẫn đến tình trạng có những thời điểm giá tăng vọt đột biến và biến động thường xuyên trên thị trường làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Việc quản lý và xử lý các hình thức quảng cáo nhằm cố tình tạo ra hiệu ứng “sốc”, “giật gân” đối với khán giả, nhưng trái với quy định của pháp luật và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam vẫn còn chưa được phát hiện và xử lý triệt để. Một số cụm rạp chiếu phim có những dịch vụ kinh doanh ngoài hạng mục đăng ký và thậm chí không đúng với chức năng chính của rạp chiếu phim đang có nhiều xu hướng ngày càng nở rộ. Việc này ít nhiều có ảnh hưởng tới giá vé bán ra cho khán giả, từ đó dẫn tới các rạp chiếu phim nhiều dịch vụ hoặc dịch vụ quá sang trọng sẽ không dành cho nhiều đối tượng công chúng có mức thu nhập trung bình, thấp được tiếp cận với những giá trị của phim ảnh giải trí. Hoạt động kiểm tra, giám sát đôi lúc còn mang tính hình thức, chưa được thực hiện một cách thực chất, đồng bộ, khách quan và triệt để trong xử lý các vi phạm phát sinh từ thực tế.

Có thể nói, cùng với việc xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, rõ ràng và chi tiết thì việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật cũng cần phải được tiến hành đồng bộ và nhất quán, nhằm tạo ra hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước một cách thực chất; Đồng thời, nhà nước cũng cần tạo thêm những cơ chế, chính sách mới nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dịch vụ giải trí công cộng đảm bảo vừa thực thi tốt chức năng kinh doanh văn hóa nghệ thuật, vừa đảm bảo yếu tố phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa giải trí của số đông người dân; đảm bảo cho tất cả các cơ sở chiếu phim được tự do cạnh tranh một cách lành mạnh, ngang sức, từ đó mang tới những lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội cao nhất cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

6. Một số nhận định và đề xuất

Về hoạt động cung ứng có thể thấy, chính sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị các cụm rạp, phòng chiếu với nhiều tiện ích, tối tân, hiện đại; sự nhanh nhạy trong đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khán giả; nắm bắt kịp thời các xu hướng phim chiếu rạp trong nước, khu vực và thế giới; chủ động được nguồn phim chiếu thường xuyên, liên tục của các rạp chiếu phim tư nhân, đã tạo nên động lực tích cực cho việc thu hút người dân thành phố tới xem phim tại các rạp để vui chơi giải trí trong thời gian rỗi ngày càng đông hơn. Tuy nhiên, số lượng rạp chiếu phim tư nhân vẫn còn chưa nhiều, so với mật độ dân số của thành phố và nhu cầu xem phim của người dân, nhất là nhu cầu xem phim chất lượng cao trong một hệ thống cụm rạp chiếu phim hiện đại, với đầy đủ yêu cầu và ý nghĩa của nó. Các cụm rạp tư nhân cũng chưa được đầu tư rộng khắp thành phố để tạo sự thuận lợi, đa dạng hơn cho sự lựa chọn và thu nhập của người tiêu dùng. Các rạp chiếu phim tư nhân cũng cần tăng cường hơn nữa vai trò và trách nhiệm xã hội của mình trong cung ứng dịch vụ văn hóa công cộng cho xã hội; yêu cầu vừa đảm bảo thực hiện tốt chức năng kinh doanh, đồng thời cũng đảm bảo tốt chức năng xã hội trước một loại dịch vụ văn hóa mang sứ mệnh xây dựng và phát triển nền tảng tinh thần của xã hội.

Về hoạt động tiêu dùng các dịch vụ của các rạp chiếu phim tư nhân, có thể đánh giá các dịch vụ phục vụ nhu cầu của khán giả xem phim ngày càng được cải thiện và cung ứng nhiều hơn. Sự lựa chọn nội dung, thể loại, phong cách phim cũng đa dạng và phong phú hơn. Có thể tự do, thoải mái lựa chọn khung giờ chiếu, địa điểm xem và các loại dịch vụ khác nhau ở từng cụm rạp với những tiêu chuẩn và phong cách riêng. Ngoài ra, khán giả còn có thể trải nghiệm được nhiều cảm xúc hơn khi xem phim trong những cụm rạp với hệ thống nghe nhìn hiện đại, tối tân… Tuy nhiên, tiện ích phục vụ càng nhiều và thường là luôn được các rạp tăng cường khai thác tối đa cũng đã tạo ra khung giá vé khá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân. Sự biến động về giá vé và giá cả các dịch vụ thường tăng cao hơn gấp nhiều lần giá trị thực của dịch vụ vào các khung giờ rỗi cao điểm, các ngày nghỉ và dịp lễ tết trong năm. Người có thu nhập trung bình, thấp khó và ít có cơ hội tiếp cận được với các dịch vụ của các rạp chiếu phim tư nhân này.

Về hoạt động quản lý, có thể đánh giá, chủ trương “xã hội hóa” đã góp phần thu hút một nguồn lực lớn từ xã hội tham gia đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ chiếu phim công cộng góp phần đem tới những tiện ích, phúc lợi tốt đẹp hơn cho người dân trong tiêu dùng văn hóa. Tuy nhiên, nhà nước cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc điều tra, nghiên cứu và tìm ra những chủ trương, chính sách mới ngày càng phù hợp hơn, để làm đòn bẩy quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình dân chủ hóa trong cung ứng dịch vụ giải trí công cộng như:

– Chỉ ra cụ thể các lĩnh vực dịch vụ giải trí công cộng cần khuyến khích thị trường tham gia cung ứng;

– Thiết lập các chính sách hỗ trợ tài chính, chính sách thuế, các điều kiện vật chất, các chính sách đào tạo, thanh tra, kiểm tra và kiểm soát;

– Xây dựng hệ thống chỉ tiêu chất lượng dịch vụ giải trí công cộng để đánh giá hoạt động của các đơn vị cung ứng dịch vụ;

– Xây dựng cơ chế giám sát và kiểm tra hoạt động của các tổ chức tư nhân kinh doanh giải trí;

– Định hướng phát triển đối với khu vực tư nhân, hướng khu vực tư nhân vào những lĩnh vực mà tư nhân hoạt động hiệu quả; và tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm không ngừng cải tiến việc cung ứng dịch vụ giải trí công cộng cho toàn xã hội.

Dịch vụ giải trí công cộng qua các rạp chiếu phim tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh trên thực tế đã góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội đô thị; khẳng định vai trò, ưu thế của văn hóa nghe nhìn (qua xem phim) trong các loại hình giải trí công cộng hiện nay; đồng thời kiến tạo mối quan hệ văn hóa giao tiếp nơi công cộng giữa những con người thật với nhau trong thời buổi mà công nghệ kỹ thuật số và truyền hình có thể là sự lựa chọn dễ dàng hơn, thuận lợi hơn để người dân được xem phim, giải trí, nhưng cũng dễ dẫn tới những lối sống và lối ứng xử văn hóa ảo giữa những con người thật.

Thay lời kết:

Có thể khẳng định, chính sách “xã hội hóa” hoạt động văn hóa đã thể hiện rõ tính đúng đắn, kịp thời và tất yếu của nó đối với hoạt động văn hóa trong điều kiện nước ta thời gian qua. Góp phần tháo gỡ những khó khăn nhất là về nguồn lực tài chính cho các hoạt động văn hóa nói chung trong đó có lĩnh vực hoạt động giải trí công cộng. Tạo động lực tích cực cho sự phát triển đa dạng của hoạt động văn hóa giải trí công cộng, bắt kịp và hòa nhịp cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, phân phối, cung ứng, tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa tinh thần của người dân.

Song, để hoạt động giải trí công cộng của hệ thống rạp chiếu phim tư nhân tiếp tục phát triển một cách bền vững thì nhà nước cần phải nâng cao và phát huy hơn nữa vai trò quản lý, điều tiết của mình đối với hoạt động này để không ngừng cải cách về cơ chế, chính sách, phương thức kiểm tra, giám sát nhằm tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng, khoa học và phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tiễn để không ngừng nâng cao chất lượng việc cung ứng và tiêu dùng các dịch vụ giải trí công cộng nhằm đáp ứng kịp cùng các nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần ngày càng nâng cao của người dân thành phố.

Trịnh Đăng Khoa

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

  1. Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) (2014), Nghị quyết số 33/NQ-TW về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
  2. Đoàn Văn Chúc (1997), Văn hóa học, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  3. Cục Điện ảnh Việt Nam (2012), Tài liệu Hội nghị đánh giá thực trạng và tìm giải pháp phát triển công tác phát hành – phổ biến phim giai đoạn 2012 – 2015, Hà Nội.
  4. Phạm Duy Đức (chủ biên) (2004), Họat động giải trí ở đô thị Việt Nam hiện nay những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Văn hóa thông tin và Viện văn hóa Việt Nam, Hà Nội.
  5. Quốc hội (2006), Luật Điện ảnh.
  6. Quốc hội (2009), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh.
  7. Chu Văn Thành (chủ biên) (2004), Dịch vụ công và xã hội hóa dịch vụ công một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia.
  8. Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh (2015), Chương trình hành động số 45-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
  9. Thủ tướng Chính phủ (2008), Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về Chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
  10. Thủ tướng chính phủ (2013), Quyết định số 2156/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  11. Từ điển tiếng Việt (2005), Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  12. https://old.cgv.vn/vn/hvp/
  13. http://www.123phim.vn/rap-chieu-phim/14-cgv-ct-plaza.html
  14. https://www.galaxycine.vn/
  15. http://moveek.com/rap/galaxy-nguyen-trai/
  16. http://old.dididi.vn/calendar/galaxy-nguyen-du-4.html

[1] Từ điển tiếng Việt (2005), Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr. 836.

[2] Từ điển tiếng Việt (2005), Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr. 1918.

[3] Đoàn Văn Chúc (1997), Văn hóa học, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr. 243 – 244.

error: Content is protected !!