Khoảng cách giữa đào tạo văn hóa nghệ thuật và thị trường

Báo Văn hóa

Thứ Tư 14/10/2020 | 11:29 GMT+7

XÓA NHÒA KHOẢNG CÁCH GIỮA ĐÀO TẠO VÀ THỊ TRƯỜNG 

VHO- Đảng ủy Khối cơ sở Bộ VHTTDL vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề “Phát huy vai trò của các trường thuộc Đảng bộ Khối trong tổ chức các hoạt động VHTTDL trên địa bàn TP.HCM” vào ngày 12.10 vừa qua. Hội nghị nhận định, đóng góp chung vào những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời gian qua của đô thị này, không thể không kể đến vai trò của khối các trường đào tạo văn hóa – nghệ thuật, thể dục thể thao (TDTT) và du lịch thuộc Đảng bộ Khối cơ sở Bộ VHTTDL.

NSND Tạ Minh Tâm mong muốn các đơn vị cần tập trung hơn nữa vào việc định hướng tư tưởng văn hoá, thông tin tuyên truyền

Tại diễn đàn, các cán bộ, đảng viên, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ đã tập trung thảo luận những vấn đề mang tính lý luận, đồng thời phân tích cụ thể về nhiều nội dung trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tổ chức hoạt động và đào tạo nguồn nhân lực ngành VHTTDL.

Các trường đang trực tiếp cống hiến cho TP.HCM

Theo các đại biểu, TP.HCM là trung tâm kinh tế – văn hóa, giáo dục lớn của cả nước với đa dạng các hoạt động về VHTTDL. Chưa có những khảo sát, thống kê cụ thể về số lượng nhân lực mà các cơ sở đào tạo thuộc Đảng bộ Khối đã cung ứng cho TP.HCM; tuy nhiên, trong những năm qua, số lượng cán bộ, người lao động được đào tạo từ các trường trở về công tác tại nhiều cơ quan VHTTDL của TP.HCM cũng như các tổ chức chính trị – xã hội là vô cùng đáng kể. Cùng với đó, lực lượng văn nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên, huấn luyện viên được đào tạo, rèn luyện từ các trường đã trở thành những nhân tố tiêu biểu, góp phần vào những thành tích chung của TP trong các cuộc thi, liên hoan, giải đấu chuyên nghiệp trong và ngoài nước; đặc biệt là phục vụ nhiệm vụ chính trị, mở rộng quan hệ giao lưu – hợp tác quốc tế với các quốc gia trên thế giới…

PGS.TS Đặng Hà Việt, Hiệu trưởng Trường ĐH TDTT TP.HCM cho biết, thời gian qua, khối các trường VHTTDL đều đang đóng góp nhân lực, tạo ra cơ hội việc làm cho TP.HCM với con số rất đáng ghi nhận. “Tôi đơn cử một sự kiện thể thao sắp tới dự kiến tổ chức tại TP.HCM kéo dài trong 3 tháng, riêng chi phí thuê nơi tổ chức và điện nước cho sự kiện này là 5 tỉ đồng; chi phí cho các hoạt động chuyên môn, tình nguyện viên… trong 3 tháng thêm 5 tỉ đồng nữa; có 7 đội bóng tham gia, chi phí cho mỗi đội trong 3 tháng là 100.000 USD/đội, như vậy 7 đội là 700.000 USD, chưa tính các chi phí khác”, ông Việt phân tích và cho hay một sự kiện đơn giản như vậy khi đưa về TP.HCM đã đóng góp rất lớn cho TP về nhiều mặt. Nếu như mỗi năm các quận, huyện chỉ cần tổ chức 10 sự kiện thể thao, thì TP đã có 240 sự kiện lĩnh vực này. Ngoài ra còn các hoạt động phong trào đang nở rộ rất nhiều, trung bình mỗi ngày TP.HCM có ít nhất 3 sự kiện trong lĩnh vực thể thao, tạo ra công ăn việc làm, nguồn thu ngân sách cho thành phố.

PGS.TS Lý Vĩnh Trường, Trưởng Khoa Huấn luyện thể thao, Trường ĐH TDTT TP.HCM thông tin thêm, nhiều năm qua, nhà trường phối hợp với Sở KH&CN, Sở VH&TT TP.HCM trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thông qua các đề tài, dự án, đề án. Bên cạnh đó, Nhà trường còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề về Quản lý thể thao, huấn luyện, y sinh học TDTT và giáo dục thể chất trên địa bàn TP.

Để có thể cùng vẽ nên một bức tranh hài hòa

Theo TS Trịnh Đăng Khoa, Trưởng khoa Quản lý Văn hóa nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, mỗi trường thuộc Đảng bộ Khối đều có vị trí, thế mạnh riêng nhưng thời gian qua chưa có sự phối hợp chặt chẽ nhằm tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn rõ nét trên địa bàn thành phố. Theo ông Khoa, thực tế phát triển đời sống văn hóa tinh thần của người dân TP.HCM hiện nay cho thấy các thiết chế văn hóa cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng trong hưởng thụ các giá trị văn hóa… Thậm chí nhiều thiết chế còn “đứng ngoài lề” đời sống xã hội đang diễn ra vô cùng sôi động.

NSND Tạ Minh Tâm cho rằng, sự liên kết trong tổ chức hoạt động giữa các trường thuộc Đảng bộ Khối và TP.HCM thời gian qua đã có những kết quả đáng ghi nhận trong đào tạo, hoạt động biểu diễn và công tác nghiên cứu, tuy nhiên chưa mang tính bền vững. “Hiện nay chúng ta đang gặp thách thức lớn trong hoạt động văn hóa trước sự lấn át của các luồng văn hóa ngoại lai là mặt trái của quá trình hội nhập, đặc biệt là văn hóa trên môi trường mạng ngày càng phức tạp, khó kiểm soát… Do vậy, tôi mong muốn các đơn vị văn hóa cần tập trung hơn nữa trong vấn đề định hướng tư tưởng văn hóa, thông tin tuyên truyền, đặc biệt là đối tượng văn nghệ sĩ, là những người có rất nhiều “fan” hâm mộ”, NSND Tạ Minh Tâm nhấn mạnh.

Theo Trưởng phòng Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Lâm Hữu Đức, hiện nay các trường thuộc Đảng bộ Khối có thế mạnh là đào tạo nguồn nhân lực VHTTDL cung ứng cho TP.HCM nói riêng cũng như trong cả nước nói chung. Có thể nói, TP.HCM không thể thiếu nguồn nhân lực này, tuy nhiên, có một thực tế là các đơn vị đào tạo và thị trường văn hóa – nghệ thuật vẫn còn khoảng cách, cần có sự gắn kết cùng với vai trò đầu mối hỗ trợ là Sở VH&TT TP.HCM. Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo cần chủ động tiếp cận với các chương trình văn hóa của TP để tổ chức hoạt động, cung ứng nhân lực, tạo điều kiện để sinh viên được cọ sát trong thực hành nghề nghiệp.

Bí thư Đảng ủy Khối cơ sở Bộ VHTTDL Lương Văn Nhiền cho hay, trong thời gian tới nhằm định hướng, tạo cảm hứng cho ra đời những tác phẩm mang dấu ấn riêng để phục vụ công chúng TP, đặc biệt là việc tổ chức các hoạt động tại trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, đóng góp vào sự phát triển của TP, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối sẽ có trách nhiệm kiến nghị với TP.HCM trong việc tạo cơ chế, phối kết hợp để các trường thuộc Đảng bộ Khối nâng cao vị trí, vai trò trong đào tạo, tổ chức các hoạt động VHTTDL, đồng thời nhận sự quan tâm hỗ trợ từ TP.HCM nhiều hơn.

 THÙY TRANG

error: Content is protected !!