Nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình tuyên truyền lưu động hiện nay

Tạp chí Văn hóa và nguồn lực

Số 12 (4) | 2017

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ  CHƯƠNG TRÌNH TUYÊN TRUYỀN LƯU ĐỘNG HIỆN NAY

Tóm tắt: xã hội ngày càng phát triển, các phương tiện truyền thông đại chúng, công cộng ngày càng phong phú, đa dạng, sinh động, hấp dẫn hơn đã thu hút và chiếm lĩnh, lấn át các phương thức thông tin tuyên truyền kiểu truyền thống như báo in, báo giấy và cả chương trình tuyên truyền lưu động của hệ thống các thiết chế văn hóa. Trước thực trạng đó, đòi hỏi những người làm nghề tuyên truyền trong ngành văn hóa cần phải có sự tổng kết thực tiễn, đút rút kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học nghiêm túc để bổ sung và hoàn thiện hệ thống lý luận, phương pháp thực hành làm cơ sở, tiền đề mới cho việc điều chỉnh, thay đổi hoạt động của công tác tuyên truyền lưu động sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của xã hội hiện nay. Bài viết này, chúng tôi xin trình bày sơ lược một vài ý kiến cần, nên, phải làm để góp thêm tiếng nói nhằm nâng cao chất lượng các chương trình tuyên truyền lưu động và phát huy tốt hơn hiệu quả hoạt động của hệ thống các đội tuyên truyền lưu động thuộc các thiết chế văn hóa trong bối cảnh hiện nay.

Hoạt động tuyên truyền lưu động hiện nay vốn có nguồn gốc xuất phát từ công tác thông tin – tuyên truyền – cổ động của ngành văn hóa thông tin nước ta trước đây. Từ khi có sự lãnh đạo của Đảng, lĩnh vực hoạt động thông tin – tuyên truyền – cổ động – báo chí ở nước ta được đặt chung trong “mặt trận văn hóa – tư tưởng”. Chính vì thế, hoạt động này cần (1) giữ vững tính Đảng trong mọi hình thức hoạt động, (2) chấp hành đúng điều khoản đã được ghi trong luật báo chí hiện hành và (3) cần quan tâm tới việc nghiên cứu nhu cầu của khách thể tuyên truyền để xây dựng được nhiều loại chương trình truyền thông và cổ động phong phú, đạt hiệu quả truyên truyền tốt, có sức hấp dẫn và cổ động mạnh[1].

Công tác thông tin – tuyên truyền – cổ động được chuyển đổi thành công tác tuyên truyền lưu động kể từ khi Chính phủ chia tách Bộ Văn hóa – Thông tin để trở thành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin – Truyền thông. Hoạt động tuyên truyền cổ động vẫn được tiếp tục củng cố, duy trì và phát triển trong hoạt động văn hóa cơ sở của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tên gọi mới là chương trình tuyên truyền lưu động. Nghĩa của chữ lưu động trong cụm từ này hàm ý trong sự đối ngược với một bộ phận tuyên truyền cố định, tại chỗ của ngành văn hóa. Đồng thời còn bao hàm cả ý nghĩa là một đội quân tuyên truyền tinh nhuệ “nhất chuyên – đa năng” sẵn sàng xung kích, xông pha di chuyển nhanh, gọn và có mặt kịp thời tại khắp các địa phương, tận các vùng xa, vùng sâu để đưa thông tin về cơ sở phục vụ người dân. Giúp người dân vừa hưởng thụ văn hóa nghệ thuật vừa tiếp nhận những thông tin một cách thoải mái, vui vẻ và hiệum quả nhất.

Có thể khẳng định, tuyên truyền lưu động là một thể loại tuyên truyền bằng nghệ thuật rất độc đáo trong hoạt động văn hóa của các thiết chế văn hóa. Hoạt động này tỏ rõ được tính đặc trưng, hiệu quả và thế mạnh của nó trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng của các trung tâm văn hóa. Nhiều thiết chế, cơ quan, đơn vị khác cũng đã sử dụng thể loại tuyên truyền lưu động khi diễn đạt, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của mình. Song, sức hấp dẫn của các chương trình tuyên truyền lưu động phụ thuộc rất lớn vào tài năng của đội ngũ những người sáng tạo ra chương trình này. Bởi so với các phương thức tuyên truyền đơn lẽ như tuyên truyền bằng ngôn ngữ nói, cổ động trực quan hay văn nghệ thì sự kết hợp đồng thời cả ba ngôn ngữ nghệ thuật đó lại với nhau vẫn có nhiều ưu thế và hiệu quả tốt hơn về mặt nghe nhìn đối với người tiếp nhận thông tin. Song, vấn đề là ở chỗ chúng ta cần điều chỉnh, đổi mới và không ngừng sáng tạo để tạo ra sức hấp dẫn mới từ lợi thế của thể loại này.

1. CẦN xác định lại và thống nhất một số quan điểm nhận thức mang tính lý luận về chương trình tuyên truyền lưu động trong bối cảnh hiện nay

Có thể hiểu, tuyên truyền là sự phổ biến, truyền bá và giải thích sâu những tin về chính trị – xã hội (những quan điểm, tư tưởng, học thuyết, đường lối, chủ trương, quân sự, khoa học, văn hóa, nghệ thuật v.v…) nhằm làm thấm nhuần vào ý thức xã hội và tích cực hóa hoạt động thực tiễn của quần chúng.[2]

  1. Về tên gọi: trước tiên, chúng ta cần xác định rõ tên gọi được dùng chính thức hiện nay là Chương trình tuyên truyền lưu động. Sự xác định rõ tên gọi như vậy là hết sức cần thiết để khu biệt với các cách gọi tên khác vốn tồn tại lâu nay trong hoạt động tuyên truyền như sân khấu tuyên truyền lưu động, kịch thông tin lưu động… Bởi, mỗi tên gọi sẽ bao hàm cấu trúc thể loại và hình thức thể hiện khác nhau trong đặc trưng ngôn ngữ loại hình, nội dung này sẽ phân tích rõ hơn ở phần sau.
  2. Về hình thức và thể loại

– Hình thức: đây là hình thức chương trình nghệ thuật, không phải hình thức vở diễn sân khấu. Từ đó cần phân biệt sự khác nhau cơ bản về đặc trưng của hình thức chương trình với hình thức vở diễn sân khấu. Chương trình nghệ thuật được cấu thành bởi các tiết mục ở các thể loại nghệ thuật khác nhau, còn vở diễn sân khấu được cấu thành bằng những màn, cảnh, lớp diễn.

– Thể loại: chương trình tuyên truyền lưu động có thể có nhiều thể loại khác nhau như: chương trình tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chương trình tuyên truyền pháp luật, chính sách của nhà nước, chương trình tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị cụ thể (phong trào cụ thể) của các ngành, nghề, tổ chức, cơ quan, đơn vị,… Có thể có nhiều thể loại chương trình tuyên truyền khác nhau tùy theo cách phân loại của chủ thể tổ chức quản lý.

  1. Về mục đích, phương pháp và phương tiện

– Mục đích của chương trình tuyên truyền lưu động là cung cấp thông tin về một vấn đề cụ thể nào đó thường mang tính chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định của Đảng hay Nhà nước đảm bảo tính đúng đắn của chủ thể tuyên truyền tới quần chúng nhân dân giúp họ nắm bắt, thấu hiểu, tin tưởng và hành động cho đúng.

– Phương pháp: phương pháp tuyên truyền lưu động được sử dụng lâu nay ở nước ta chính là phương pháp sân khấu hóa được tiếp thu và phát triển từ  Liên Xô trước đây. Sân khấu hóa là cách thức biểu diễn tất cả những vấn đề không thuộc về nghệ thuật sân khấu. Phương pháp sân khấu hóa sử dụng đồng thời, rộng rãi các phương tiện nghệ thuật, kỹ thuật khác nhau nhằm tạo ra hiệu ứng trình diễn tổng hợp, phong phú, đa dạng và sinh động.

– Phương tiện: chương trình tuyên truyền lưu động ở nước ta lâu nay vẫn dùng phương pháp sân khấu hóa với sự kết hợp bắt buộc của 3 phương thức: (1) tuyên truyền miệng (thông qua tuyên truyền viên); (2) tuyên tuyền cổ động trực quan (thông qua panô, băngdrôn khẩu hiệu, tranh ảnh…); (3) tuyên truyền bằng văn nghệ (thông qua các tiết mục ca, múa, nhạc, kịch). Thực chất ba phương thức này chính là sự ứng dụng 3 thể loại của 3 loại hình nghệ thuật gốc là nghệ thuật nói trước công chúng, nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật biểu diễn (mỗi loại hình nghệ thuật này còn bao gồm một số thể loại khác).

Chương trình tuyên truyền lưu động sử dụng phương pháp sân khấu hóa, mục đích là cung cấp thông tin cho quần chúng nhân dân bằng các phương tiện nghệ thuật. Nói cách khác, tuyên truyền là mục đích, nghệ thuật là phương tiện, sân khấu hóa là phương pháp.

  1. Về nguyên tắc, tính chất và yêu cầu

– Nguyên tắc: chương trình tuyên truyền phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản là: nguyên tắc tính chính trị (tính Đảng), nguyên tắc tính pháp lý, nguyên tắc tính nhu cầu.

– Tính chất: chương trình tuyên truyền cần đồng thời đảm bảo hài hòa các tính chất cơ bản sau: tính yêu cầu và tính nhu cầu; tính thông tin và tính giải trí; tính thời sự và tính nghệ thuật.

– Yêu cầu: nội dung chương trình tuyên truyền phải đạt được sự chuẩn xác, phổ thông, đại chúng, (đúng đắn, dễ hiểu, dễ nhớ). Đồng thời về hình thức phải đảm bảo tính phong phú, đa dạng, hấp dẫn (sử dụng rộng rãi, sáng tạo, hiệu quả các phương tiện nghệ thuật).

2. NÊN điều chỉnh quy định cứng bắt buộc phải sử dụng 3 phương thức tuyên truyền miệng, cổ động trực quan và văn nghệ trong chương trình tuyên truyền lưu động

– Thứ nhất: thực chất phương pháp sân khấu hóa có thể cho phép người dàn dựng sáng tạo, sử dụng, tích hợp vào nó càng nhiều phương tiện nghệ thuật, kỹ thuật mới, hiện đại càng tốt. Thậm chí càng đổi mới, hiện đại các phương tiện nghệ thuật để truyền đạt thông tin sao cho phù hợp với nhu cầu, xu thế mới của thời đại thì càng có nhiều cơ hội thu hút, hấp dẫn công chúng đương thời đến với các chương trình tuyên truyền lưu động hơn và đây là một trong những tiêu chí cần được xem xét tới như là một chỉ số quan trọng để đo lường chất lượng, hiệu quả của chương trình tuyên truyền lưu động. Việc quy định cứng phải và chỉ sử dụng 3 phương thức tuyên truyền trong bối xã hội ngày càng phong phú hơn các phương tiện nghệ thuật và đa dạng hơn về nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, tiếp nhận thông tin của công chúng như hiện nay là một cách nghĩ không còn phù hợp và thực sự không cần thiết.

– Thứ hai: nếu vẫn quy định cần phải có 3 phương thức tuyên truyền kết hợp như hiện tại thì cũng không nên suy nghĩ một cách cứng nhắc là tuyên truyền miệng là phải có tuyên truyền viên 1, tuyên truyền viên 2 đứng ra đọc và luân phiên thay nhau đọc tuyên truyền các nội dung thông tin một cách khô khan, máy móc (thay vì phải là ngôn ngữ nói dễ hiểu, dễ nhớ mới đạt hiệu quả tuyên truyền). Mà cần hiễu rõ tuyên truyền miệng của tuyên truyền viên chỉ là một thể loại của loại hình nghệ thuật nói trước công chúng (như đã nói ở trên). Và nghệ thuật nói trước công chúng còn có nhiều thể loại khác như phát biểu, diễn thuyết, thuyết trình, hùng biện, diễn giảng, độc thoại, đối thoại, hỏi đáp, giao lưu trò chuyện, giao lưu phỏng vấn, dẫn chương trình… mỗi thể loại sẽ có một đặc trưng, phong thái, yêu cầu thể hiện và hiệu quả truyền đạt khác nhau. Ví như, cũng là nói nhưng nhà hùng biện không thể nói như một MC, người phát biểu miệng không thể nói như một nhà thuyết trình, một diễn giả… Tất cả chúng đều là các thể loại của nghệ thuật nói trước công chúng và đều có thể được khai thác sử dụng để tăng hiệu quả cho các phương tiện tuyên truyền. Tương tự như vậy, hình thức pano, apphich, băngdrôn thực sự chỉ là một số thể loại của nghệ thuật tạo hình, bên cạnh nó còn có nhiều thể loại khác như trưng bày các tranh, ảnh, tượng các loại, trang trí, bày trí, sắp đặt, thời trang, hóa trang, ánh sáng laze… Văn nghệ, không chỉ có ca, múa, nhạc, kịch mà có thể có cả nghệ thuật xiếc, ảo thuật, trình diễn ánh sáng; thậm chí cả nghệ thuật nghe nhìn như phim ảnh, video clip…

– Thứ ba: bản thân mỗi phương tiện nghệ thuật trong số 3 phương tiện đó nếu có sự sáng tạo tốt vẫn có thể tạo ra sức hấp dẫn và hiệu quả tuyên truyền độc lập khác nhau mà không nhất thiết lúc nào cũng phải kết hợp lại với nhau để ra đời một thể loại thứ 4 là chương trình tuyên truyền lưu động. Ví dụ như chúng ta có thể có một buổi tuyên truyền chỉ bằng ngôn ngữ nói thông qua nói chuyện giao lưu chuyên đề, độc thoại, song tấu; một buổi tuyên truyền chỉ bằng nghệ thuật tạo hình qua hình thức nghệ thuật sắp đặt, trình diễn bộ sưu tập ảnh, thời trang, tranh; hay một buổi tuyên truyền chỉ bằng nghệ thuật sân khấu kịch nói thông qua các tiểu phẩm, câu chuyên thông tin đầy chất vui nhộn… Có thể, tham khảo chương trình tuyên truyền rất hiệu quả của Trung tâm văn hóa quận Thủ Đức TP.HCM qua hình thức sân khấu kịch nói, chươnmg trình “Chuyện khu phố tôi”.

3. PHẢI quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn cho đội ngũ làm nghề; mở rộng hình thức tổ chức tuyên truyền và định chuẩn bộ tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả các chương trình tuyên truyền lưu động hiện nay

– Hoạt động sáng tạo chương trình tuyên truyền lưu động được cấu thành từ 3 loại hoạt động sáng tạo cơ bản là: hoạt động sáng tác, hoạt động dàn dựng và hoạt động biểu diễn. Tương ứng với 3 hoạt động đó hình thành nên 3 nhóm chủ thể sáng tạo đó là đội ngũ tác giả sáng tác kịch bản, bài hát, tiểu phẩm, tác phẩm mỹ thuật… đội ngũ đạo diễn dàn dựng tiết mục, chương trình và đội ngũ diễn viên biểu diễn. Hoạt động chuyên môn này cần phải có một đội ngũ những nhà chuyên môn được đào tạo một cách có bài bản về lý luận và phương pháp sáng tạo chương trình tuyên truyền lưu động ở từng bộ phận cụ thể: viết kịch bản, dàn dựng và biểu diễn. Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan và chủ quan khác nhau mà hầu hết cán bộ của đội tuyên truyền lưu động ở địa phương hiện nay đều là những người có năng khiếu nghệ thuật xuất thân từ các phong trào văn nghệ của địa phương hoặc được đào tạo từ một lĩnh vực nghệ thuật cụ thể nào đó có liên quan sau đó được tuyển vào làm việc tại các đội tuyên truyền lưu động nhưng chưa qua đào tạo hoặc chỉ được tập huấn từ các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng, phương pháp biên tập và dàn dựng chương trình tuyên truyền lưu động. Chưa được đầu tư học tập một cách có bài bản cả về nhận thức lý luận, phương pháp và rèn luyện kỹ năng để sáng tác, dàn dựng và biểu diễn các chương trình tuyên truyền lưu động vốn mang những đặc thù riêng biệt của một thể loại tuyên truyền bằng nghệ thuật. Do vậy, việc đào tạo và đào tạo lại là yêu cầu mang tình tiên quyết và cấp bách hiện nay.

– Thể loại chương trình tuyên truyền lưu động của các thiết chế văn hóa chủ yếu được sử dụng ở hình thức tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị gắn với các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước (gắn với nhiệm vụ chính trị). Chính sự xác định chỉ ưu tiên cho hình thức tuyên truyền nhiệm vụ chính trị này đã vô tình làm cho sức lan tỏa của thể loại chương trình tuyên truyền lưu động không được khai thác, phát huy tối đa ưu thế từ đặc trưng vốn có của nó. Trong thực tế, thể loại chương trình tuyên truyền lưu động có thể khai thác thêm nhiều hình thức khác như tuyên truyền lưu động gắn với hình thức quảng cáo, quảng bá thương hiệu – sản phẩm, chương trình tuyên truyền lưu động gắn với hình thức giáo dục lịch sử, giáo dục văn hóa truyền thống, chương trình tuyên truyền lưu động gắn với hình thức truyền thông vận động xã hội, giới thiệu gương điển hình, phê phán thói xấu, … Đồng thời phối kết hợp tổ chức cùng các cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước và ngoài nhà nước thông qua các sự kiện sẽ vừa tiết kiệm được tài chính vừa đa mục tiêu.

– Không nhất thiết yêu cầu chương trình tuyên truyền phải có sự kết hợp bắt buộc của 3 phương thức tuyên truyền và lấy yêu cầu đó làm tiêu chí thước đo để đánh giá, xếp loại các chương trình tuyên truyền lưu động như từ trước tới nay. Chúng ta cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả các chương trình tuyên truyền lưu động trong bối cảnh hiện nay. Bộ tiêu chí này phải mang tính khoa học khách quan; đảm bảo đánh giá được chất lượng của chương trình thông qua những đặc trưng của ngôn ngữ loại hình (đặc trưng về tính tuyên truyền, tính nghệ thuật và tính lưu động) và đo lường được hiệu quả biểu diễn của nó (về chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội) làm cơ sở khoa học, thống nhất cho hoạt động tuyên truyền lưu động hiện nay.

Có thể nói, chương trình tuyên truyền lưu động là một thể loại của chương trình văn hóa nghệ thuật, là phương pháp hoạt động văn hóa mang tính đặc thù của hệ thống thiết chế văn hóa. Hệ phương pháp hoạt động sáng tác, dàn dựng và biểu diễn các chương trình tuyên truyền lưu động đã được sử dụng một thời gian dài ở nước ta và mang lại những hiệu quả tích cực, đáng ghi nhận trong công tác thông tin, tuyên truyền những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Song, hiện nay các chương trình tuyên truyền lưu động đã bộc lộ những hạn chế, lạc hậu của nó và ngày càng mất dần sức hấp dẫn đối với công chúng khán giả. Từ đó, không làm tròn nhiệm vụ, chức năng tuyên truyền của mình đối với xã hội. Trước thực trạng đó rất cần phải điều chỉnh và đổi mới cả về nội dung, hình thức và phương cách tổ chức. Việc chuyển đổi một phương thức hoạt động đã bộc lộ sự lỗi thời, lạc hậu của mình so với thời đại là điều cần thiết và đúng đắn. Song để thực hiện tốt việc chuyển đổi này đòi hỏi phải có thời gian và sự đầu tư thích đáng cả về vật chất lẫn tinh thần, sự kiên trì và thận trọng. Bài viết này cũng chỉ góp một phần nhỏ tiếng nói của người làm nghề mang tính gợi mở cho việc xây dựng, củng cố và đổi mới một thể loại hoạt động văn hóa nghệ thuật trong nghiệp vụ công tác tuyên truyền của ngành văn hóa trong bối cảnh xã hội đang bùng phát các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay ở nước ta.

Trịnh Đăng Khoa

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

  1. Trần Văn Ánh, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Văn Hy (2002), Công tác thông tin – tuyên truyền – cổ động, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
  2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Cục Văn hóa cơ sở (2013), Tài liệu nghiệp vụ văn hóa cơ sở (lưu hành nội bộ), Nxb. Hà Nội.
  3. Trần Thị Kim Cúc (2014), Văn hóa Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Chính trị Quốc gia.
  4. Phạm Duy Đức (chủ biên) (2010), Đường lối văn hóa của Đảng Cộng Sản Việt Nam từ 1930 đến nay, Nxb. Văn hóa – Thông tin và Viện Văn hóa.
  5. Phan Hồng Giang – Bùi Hoài Sơn (2012), Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập Quốc tế, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật.

[1] Trần Văn Ánh, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Văn Hy (2002), Công tác thông tin – tuyên truyền – cổ động (Tập bài giảng), Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, (tr. 10-14).

[2] Trần Văn Ánh, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Văn Hy (2002), Công tác thông tin – tuyên truyền – cổ động (Tập bài giảng), Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, (tr. 8).

 

error: Content is protected !!