Sách mới GIẢI TRÍ CÔNG CỘNG CỦA HỆ THỐNG TRUNG TÂM VĂN HÓA

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc sách mới xuất bản:

HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ GIẢI TRÍ CÔNG CỘNG CỦA HỆ THỐNG TRUNG TÂM VĂN HÓA Ở THÀNH PHỐ HỐ CHÍ MINH

Giải trí là nhu cầu văn hóa xã hội không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Để đáp ứng và làm thỏa mãn nhu cầu giải trí, từ lâu, con người đã tự mình tìm các thú chơi trong những lúc nhàn rỗi như: chăm sóc chim, hoa, cá cảnh, làm thơ, vẽ tranh, đọc sách, xem truyền hình, nghe đài phát thanh… hay tụ họp thành các nhóm bạn bè cùng sở thích để vui chơi, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở những nơi công cộng… hoặc tự nguyện tham dự vào các hoạt động giải trí công cộng do một chủ thể khác (nhà nước, cộng đồng, tư nhân) đứng ra tổ chức phục vụ.

Hiện nay, hoạt động giải trí công cộng đã được thị trường tham gia cung ứng ngày càng nhiều hơn, nhưng nhà nước vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong phục vụ các hoạt động giải trí chung của toàn xã hội. Bởi, có những nhu cầu hoạt động giải trí chung, chính đáng của người dân và cộng đồng, xã hội có thể sẽ bị sự từ chối của các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ giải trí tư nhân, do không hoặc khó đảm bảo việc thu hồi vốn và tìm kiếm lợi nhuận. Mặt khác, hoạt động giải trí công cộng nếu chỉ có khu vực tư nhân độc quyền cung cấp có thể sẽ dẫn tới việc độc quyền thị trường và kéo theo sự tăng giá, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Chưa kể việc chạy theo mục tiêu lợi nhuận tối đa có thể sẽ dẫn tới các sản phẩm giải trí kém chất lượng, ảnh hưởng tiêu cực cho đời sống văn hóa của cá nhân và cộng đồng, xã hội.

Chính vì lẽ đó, hoạt động văn hóa ở nước ta nói chung, trong đó có hoạt động giải trí công cộng, tới nay vẫn đồng thời tồn tại cơ chế hoạt động sự nghiệp văn hóa công lập, gắn với vai trò quản lý, điều tiết và cung ứng của nhà nước. Tuy nhiên, quan điểm nhà nước quản lý, điều tiết và thậm chí trực tiếp phục vụ các hoạt động văn hóa giải trí không có nghĩa là nhà nước bao tiêu tràn lan và độc quyền toàn bộ lĩnh vực này như trước đây trong thời bao cấp. Mà chủ trương của nhà nước kể từ khi đổi mới tới nay là khuyến khích xã hội tham gia ngày càng nhiều hơn vào việc tổ chức phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí chính đáng của nhân dân. Nhà nước chỉ tham gia tổ chức phục vụ các hoạt động giải trí công cộng nào mà khu vực tư nhân và xã hội khó, không hoặc chưa thể thực hiện.

Hoạt động giải trí công cộng từ sau 1975 tới nay đã có những biến chuyển khá rõ qua từng phân kỳ lịch sử kinh tế chính trị khác nhau. Thời kỳ bao cấp (trước năm 1986) tất cả hoạt động văn hóa đều do nhà nước quản lý từ khâu sản xuất, bảo quản, phân phối cho đến tiêu dùng. Bắt đầu vào thời kỳ đổi mới – kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX, hoạt động văn hóa nói chung, trong đó có lĩnh vực giải trí công cộng trở nên sôi động và phong phú hơn. Nhiều hoạt động giải trí công cộng do các tổ chức kinh tế, tư nhân đứng ra thực hiện theo chủ trương xã hội hóa có khuynh hướng tăng nhanh, hoạt động khá đa dạng về nội dung, hình thức và cả phương thức phục vụ. Một số loại hình phổ biến như chiếu phim, biểu diễn ca múa nhạc, trò chơi giải trí… đã đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, được người dân chấp nhận chi trả (mua) theo giá cả thị trường.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, một số loại hình giải trí công cộng đòi hỏi phải có vai trò của nhà nước để đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân như bảo tàng, nhà hát, trung tâm văn hóa…. Song, công tác phục vụ hoạt động giải trí công cộng cho người dân của các thiết chế văn hóa này ở các thành phố, khu đô thị của nước ta vẫn còn nhiều bất cập, chậm đổi mới và chưa xứng tầm với những tiềm năng vốn có, dẫn tới hiệu quả chưa cao và lãng phí về nhiều mặt.

Từ thực tế đó, kết hợp cùng với quá trình nghiên cứu hoạt động phục vụ giải trí công cộng tại các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả sách chuyên khảo “Hoạt động phục vụ giải trí công cộng của hệ thống trung tâm văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh”, hy vọng cuốn sách này sẽ góp thêm nguồn tư liệu cần thiết cho người đọc quan tâm tới lĩnh vực văn hóa giải trí, giải trí công cộng, tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa giải trí ở đô thị Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Tác giả: Trịnh Đăng Khoa

 

 

error: Content is protected !!