Hội thảo khoa học
CCTPN-SVHTTDLBT | 2013
TỪ ĐỜN CA TÀI TỬ TỚI CẢI LƯƠNG
Từ ca nhạc tài tử đến ca ra bộ là một quá trình cải cách âm nhạc. Qúa trình này khẳng định sức sáng tạo đầy tài năng của các nghệ nhân đờn ca tài tử thể hiện qua hai khía cạnh cơ bản đó là lối hát và lối diễn. Thứ nhất, từ lối hát thuần túy của các nghệ nhân đờn và ca tài tử là ngồi quanh bộ ván tứ một cách nghiêm trang để biểu diễn các bài bản tổ của nhạc tài tử đã bắt đầu xuất hiện sự đan xen của nói vào trong lúc hát. Hát kết hợp với nói có thể được xem là bước phát triển vượt bậc trong hình thái nghệ thuật biểu diễn âm nhạc lúc bấy giờ; hình thái này bắt nguồn từ sự phát triển bài Oán (một bài bản tổ của đờn ca tài tử), các nghệ nhân đã làm cho bản Oán từ một làn điệu âm nhạc thuần túy chỉ có ca sang lối ca kết hợp với nói lối, nói dặm trước, giữa hoặc sau bài hát. Thứ hai, như đã nói biểu diễn đờn ca tài tử thường diễn ra trên bộ ván tứ, các nghệ nhân ngồi quanh để đờn và ca trong không gian của nghệ thuật âm nhạc (chơi và thưởng thức tiếng đờn lời ca) nay nghệ nhân ca có kết hợp thêm yếu tố diễn xuất vũ đạo và ngày càng hoàn thiện hơn các động tác, cử chỉ, điệu bộ để dần trở thành một kỹ thuật ca – diễn thuần thục mà chúng ta gọi là ca ra bộ. Ngày nay, khi thưởng thức các ca sĩ trong lúc ca có kết hợp đồng thời với diễn xuất vũ đạo chúng ta thấy bình thường như là một sự mặc nhiên của lối biểu diễn ca nhạc. Song, sự ra đời của lối ca kết hợp với ra bộ trong bối cảnh âm nhạc tài tử lúc bấy giờ lại là một sự bức phá, cải cách dữ dội mà giới văn nghệ thời ấy gọi là một cuộc cách mạng của âm nhạc dân tộc.
Tại Nam bộ những năm đầu của thế kỷ XX ca nhạc tài tử chia làm hai dòng chảy rõ rệt. Một, theo kiểu dân gian thính phòng chủ yếu chơi những bài bản tổ của đờn ca tài tử ở nông thôn; hai, phát triển lối ca ra bộ biểu diễn trong các ban nhạc tài tử ở đô thị. Năm 1916 ông Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) bổ sung vào gia sản âm nhạc tài tử Nam bộ bài Dạ cổ hoài lang, từ đây bài Dạ cổ hoài lang từ nhịp 2 phát triển dần lên nhịp 4, 8, 16 (sau này là nhịp 32, 64…) đã chiếm chỗ và thay dần vị trí của bài Oán trước đó để trở thành bài Vọng cổ chiếm vị trí độc tôn của sân khấu cải lương cho tới ngày nay. Năm 1918, có thể được xem là mốc thời gian Cải lương định hình rõ nét ngôn ngữ của một thể loại kịch hát trong nghệ thuật sân khấu dân tộc với sự xuất hiện của vở diễn Kim Vân Kiều của ban hát Châu Văn Tú.[1]
Có thể nói, nghệ thuật sân khấu Cải lương đã phát triển trên nền tảng cơ bản từ âm nhạc cổ truyền dân tộc mà cụ thể là âm nhạc tài tử Nam bộ, tiến lên cải cách lối ca tài tử kết hợp với biểu diễn có điệu bộ, sau đó là hát một mình có phân vai, tiến tới các ban nhạc tài tử có hai, ba ca sĩ được phân mỗi người một vai cùng ca và nói với nhau. Bước phát triển này chỉ thể hiện rõ sự cải cách lối hát ca của nghệ nhân tài tử Nam bộ để hình thành diện mạo của ngôn ngữ âm nhạc trong Cải lương. Trong khi, để Cải lương thực sự trở thành một bộ môn kịch hát của nghệ thuật sân khấu thì bản thân nó phải hội đủ các yếu tố đặc trưng của loại hình nghệ thuật sân khấu bao gồm: ngôn ngữ văn học, âm nhạc, mỹ thuật, hành động. Chính trong quá trình vận động này Cải lương đã phải tiếp thu và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ ngôn ngữ đặc trưng của hình thái nghệ thuật sân khấu kịch nói phương Tây.
Thực tế, nghệ thuật sân khấu kịch hát truyền thống Việt Nam trước khi có sự ảnh hưởng của nghệ thuật sân khấu kịch nói phương Tây thì vẫn chỉ là những trò diễn ca ra bộ dựa trên một tích truyện (có tích mới dịch nên trò) kết hợp với lối kể chuyện (tự sự) bằng âm nhạc và vũ đạo dân tộc.
Nghệ thuật sân khấu kịch nói phương Tây mà cụ thể là kịch nói Pháp đã theo chân của những công dân mang tư tưởng của một dân tộc tiến bộ đi khai sáng các nước thuộc địa ở Đông Dương trong đó có Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX đã có những ảnh hưởng sâu sắc và rõ rệt tới nghệ thuật sân khấu cổ truyền của dân tộc đang đứng trước thềm của hai dòng khuynh hướng bảo lưu truyền thống hay cải cách, đổi mới theo xu thế phát triển của xã hội. Thực tế, xã hội Việt Nam từ khi đặt dưới ách thống trị của thực dân Pháp đã nảy sinh những dòng tư tưởng và khuynh hướng văn hóa nghệ thuật đầy những mâu thuẫn và đối chọi nhau, dễ nhận diện ra trong số đó là dòng văn hóa theo tư tưởng phong kiến và dòng văn hóa theo tư tưởng tư sản cấp tiến.
Và, “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh” đã cho thấy rõ là Cải lương đã phát triển trên nền tảng của nghệ thuật truyền thống dân tộc trong sự tiếp thu những cái mới đến từ nền văn hóa thống trị đương thời một cách chủ động và có ý thức. Những tư tưởng này đã nhanh chóng trở thành khuynh hướng nghệ thuật mới ở Nam bộ để trò diễn ca ra bộ từ một hình thái âm nhạc cổ truyền có cơ hội mạnh mẽ để tiến tới trở thành bộ môn nghệ thuật sân khấu Cải lương – một hình thức sân khấu mới ở Nam bộ.
Có thể thấy, Cải lương đã chịu ảnh hưởng một cách rõ rệt nhất ngôn ngữ văn học kịch của kịch nói Phương Tây. Kịch bản chính là yếu tố khởi đầu của một tác phẩm sân khấu (kịch bản – diễn viên – khán giả). Tất nhiên, sân khấu truyền thống Việt Nam Tuồng, Chèo trước khi có kịch bản văn học thì yếu tố thứ nhất này vẫn tồn tại theo hình thức truyền khẩu. Kịch bản chính là nội dung của tác phẩm sân khấu. Không một vở diễn nào lại không chuyển tải một nội dung rõ ràng, thống nhất nhằm diễn đạt một mục đích tư tưởng nhất định. Tuy nhiên, nội dung đó được diễn đạt theo một cấu trúc ra sao lại là vấn đề của phương pháp. Kịch bản truyền khẩu trong sân khấu Tuồng, Chèo của ta (giai đoạn đầu) không nghiêm ngặt tuân thủ theo một quy tắc, phương pháp sáng tác kiểu kịch nói phương Tây mà chỉ là sự kể lại một câu chuyện “Miêu tả theo phong cách tự sự, nổi bật phương pháp và thủ pháp ước lệ, không nhằm tạo ra ảo giác thật trên sân khấu và luôn có sự giao lưu mật thiết với khán giả”[2]. Hiện tượng này có thể thấy phổ biến đối với các nền sân khấu truyền thống của các nước thuộc khu vực Châu Á với nền sân khấu phương Đông phát triển từ diễn xướng dân gian trong các nghi lễ tín ngưỡng và tôn giáo. Trong khi đó, Kịch bản Cải lương chủ yếu miêu tả cuộc sống theo kịch tính, xung đột với kết cấu theo theo kiểu kịch tính của dòng Aristôt với 5 yếu tố cấu thành là: giao đãi, thắt nút, phát triển, cao trào và cởi nút. Chính cách kết cấu kịch này Cải lương đã tạo nên những ảo giác thật trên sân khấu giống như kịch nói và như thế Cải lương không cần tới sự giao lưu trực tiếp với khán giả như Tuồng và Chèo.
Cải lương – kịch hát dân tộc trong sự khác biệt với Opera – kịch hát phương Tây. Cải lương được xếp vào thể kịch hát bởi diễn viên chủ yếu là dùng phương tiện lời ca kết hợp với kịch câm, nói, vũ đạo để diễn đạt hành động của câu chuyện kịch. Nghĩa là, ca chỉ là một thứ thủ pháp mang tính phương tiện bên cạnh các thủ pháp diễn xuất còn lại để người diễn viên biểu diễn mà thôi. Trong khi đó, Opera – kịch hát phương Tây cũng lấy âm nhạc (khí nhạc và thanh nhạc) làm ngôn ngữ nghệ thuật chính. Song, trong nhạc kịch phương Tây âm nhạc được thể hiện xuyên suốt qua tiếng hát của ca sĩ với sự phụ họa của dàn nhạc giao hưởng được thanh lọc một cách hết sức ngữ điệu để tạo nên hình tượng nghệ thuật cho vở diễn. Như vậy, âm nhạc là ngôn ngữ nghệ thuật chính của Opera trong khi hành động diễn xuất lại là ngôn ngữ nghệ thuật chính của kịch hát Cải lương. Với kịch hát cải lương câu chuyện kịch được người diễn viên chuyển tải thông qua cùng lúc các phương tiện ngôn ngữ hành động như ca, múa, kịch câm, nói trong khi với kịch hát – Opera để chuyển tải câu chuyện kịch người diễn viên – ca sĩ chủ yếu chỉ sử dụng một phương tiện chính là ca có kết hợp với cử chỉ, động tác mang tính phụ họa đơn giản mà thôi. Điểm đáng lưu tâm trong sự khác biệt về âm nhạc trong nghệ thuật sân khấu kịch hát Cải lương với Opera là ở chỗ; Âm nhạc trong ca hát của Cải lương được xuất phát từ những bài bản tổ của đờn ca tài tử hoặc những làn điệu dân ca hay ca khúc có thể được cải biên hoặc viết lời mới cho phù hợp với nội dung vở diễn và người diễn viên là người giỏi trong việc thuộc và sở hữu được nhiều bài bản tổ mang tính làn điệu cơ bản để từ đó dùng nó như các phương tiện, thủ pháp để biểu diễn. Trong khi đó, âm nhạc của Opera là những vở nhạc được sáng tác độc bản, là những bản tổng phổ với những quy tắc âm nhạc nghiêm ngặt, khúc thước, mang tính quy luật bắt buộc trong ca và đàn đối với người diễn viên.
Trước bối cảnh thực tế của xã hội đương thời, hoạt động sáng tạo, tổ chức và hưởng thụ nghệ thuật đã bị tác động và ít nhiều chịu sự ảnh hưởng của các trào lưu, khuynh hướng nghệ thuật mới. Có thể, thấy hai nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự biến đổi mang tính cách tân nghệ thuật nước nhà lúc bấy giờ đó là; thứ nhất, từ sự ý thức chủ quan như là những mong muốn mang tính bản chất thúc giục từ phía bên trong của đội ngũ văn nghệ sĩ là cần phải có một cái mới trong biểu diễn nghệ thuật dân tộc, cái mới đó phải vừa mang tính thời đại vừa là cái độc đáo, cái bản sắc riêng của nghệ thuật Việt Nam; thứ hai, đó là sự thay đổi trong thị hiếu thưởng thức nghệ thuật từ phía công chúng khán giả ở đô thị như là một đòi hỏi tất yếu mang tính chất nhu cầu, họ cần một hình thức thưởng ngoạn nghệ thuật mới lạ, mang hơi thở của xã hội đương đại mà trào lưu kịch nói phương Tây qua sự biểu diễn của những văn nghệ sĩ Pháp tiếp sau đó là giới văn nghệ sĩ Việt Nam đã tạo nên một luồng gió mới cho không khí nghệ thuật nước nhà lúc bấy giờ. Trong nền cảnh chung đó, Cải lương đã ra đời và qua Cải lương chúng ta có thể thấy được sự đáp ứng và làm thỏa mãn nhu cầu văn hóa đến từ hai phía chủ quan và khách quan đó. Cũng từ Cải lương, chúng ta thấy được sự nhận thức cũng như thái độ ứng xử của tầng lớp văn nghệ sĩ Việt Nam mà cụ thể là các nghệ nhân tài tử Nam bộ giai đoạn này; đó là thái độ ứng xử đúng đắn với văn hóa thể hiện trong quan điểm và hành động “cách tân văn hóa”. Cách tân văn hóa nghệ thuật nước nhà là thể hiện sự tiến bộ, sự văn minh. Hẵn nhiên, văn hóa không tự thân và không đứng yên, cho nên nghệ thuật (với tư cách là một bộ phận của văn hóa) cũng luôn vận động và phát triển trong mối quan hệ tiếp xúc, tiếp biến giữa các nền văn hóa nghệ thuật khác nhau. Có thể nói, qua giao lưu, tiếp xúc và bằng con đường đó nghệ thuật đã tìm được đúng môi trường sống của mình để có thể sinh trưởng và phát triển một cách mạnh mẽ, độc đáo. Và Cải lương đã ra đời chính trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với văn hóa mới của phương Tây như là một sự tiếp biến văn hóa để cách tân nền nghệ thuật nước nhà. Sự cách tân này là nhằm hướng tới một giá trị thẩm mỹ mới, phù hợp với hiện thực và đòi hỏi khách quan của thời đại và điều đó cũng phù hợp với chính bản chất của nghệ thuật là luôn đòi hỏi người nghệ sĩ phải lao động tìm tòi, sáng tạo ra các giá trị thẩm mỹ mới theo quy luật của cái đẹp.
Đờn ca tài tử là cái gốc, cái hồn, cái tinh túy của vốn liếng nghệ thuật ca hát dân tộc, cái vốn ấy đã được những nghệ nhân tài tử sử dụng, đầu tư và phát triển một cách đúng đắn, hợp quy luật để sinh lợi cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Và, Cải lương – với tư cách là một hình thái của nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc đã thực hiện được sứ mệnh của mình trong vai trò mang tới những cảm hứng và cảm xúc thẩm mỹ mới cho công chúng khán giả; đồng thời khẳng định một bản sắc nghệ thuật mới trong sự đa dạng bản sắc của nền văn hóa Việt Nam.
Trịnh Đăng Khoa
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN
- Đức Kôn, Sân khấu đại cương, Văn hóa Thông tin, 2004.
- Cagan (Phan Ngọc dịch), Hình thái học của nghệ thuật, Nxb. Hội nhà văn, 2004.
- Tuấn Giang, Nghệ thuật Cải lương, Nxb. ĐH Quốc gia Tp. HCM, 2006.
- Mịch Quang, Khơi nguồn mỹ học dân tộc, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2004.
- Nguyễn Phan Thọ, Nghệ thuật truyền thống Đông Nam Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2010.
[1] Tuấn Giang, Nghệ thuật Cải lương, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. HCM, tr. 50
[2] Đức Kôn, Sân khấu đại cương, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 307.