Bài 2: Cấu trúc lễ hội

Bài 2: CẤU TRÚC LỄ HỘI

Lễ hội được cấu thành bởi hai bộ phận chủ yếu là cuộc lễ và cuộc hội. Mỗi bộ phận cuộc lễ và cuộc hội bao gồm nhiều hành động cấu thành, giữa các hành động có mối quan hệ hữu cơ với nhau.

Lễ hội là một cấu trúc tương đối hoàn chỉnh về nhiều mặt, ở đấy có sự kết hợp uyển chuyển giữa lễ và hội, giữa đóng và mở, giữa tĩnh và động tạo nên một hệ thống hành động phức hợp nhưng vẫn hài hòa; chính vì thế hội làng đã trở thành một sinh hoạt tinh thần, văn hóa có giá trị làm thỏa mãn mọi tầng lớp trong xã hội.

Quan hệ giữa lễ và hội, hai yếu tố chính này có lúc tách rời nhau, cũng có lúc chúng thâm nhập vào nhau khá chặt chẽ thiết tưởng có gọi là lễ cũng đúng mà gọi là hội cũng không sai (như đám rước).

1. Cuộc lễ (trong lễ hội dân gian người Việt)

– Lễ là một hệ thống nghi thức, hành vi, động tác có định ước, quy cách chặt chẽ và ổn định nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người (của dân làng) đối với thần linh, lực lượng siêu nhiên đã trở thành thần thánh linh thiêng.

– Trong thế giới tâm linh của con người, thì thần linh là nơi con người gửi gắm niềm ước vọng của mình. Nên dân chúng rất coi trọng việc thờ cúng các bậc thánh thần mà họ tôn thờ. Để thể hiện việc tôn thờ họ nghĩ ra các nghi thức để tiến hành lễ và nơi tiến hành nghi lễ thường là chùa, miếu, đền, tháp, phủ, điện, đình làng…

– Trong lễ hội dân gian truyền thống của người Việt, bao giờ cũng mở đầu và tất yếu phải có cuộc lễ, với quan niệm trước là cúng sau mới hưởng lộc thần thánh và vui chơi, cho nên dân gian có câu “phi lễ bất thành hội”.

– Cấu trúc truyền thống của cuộc lễ (nghi lễ) trong lễ hội dân gian người Việt thường bao gồm: nghi điển (điển tích – cốt truyện), nghi tiết (tiết mục), nghi trình (trình tự diễn ra của cuộc lễ), nghi trượng (điều kiện vật thể và phi vật thể để tổ chức), nghi thức (cách thức thực hành tổ chức).

– Cuộc lễ ở trong hội không đơn lẻ, nó là một hệ thống liên kết, có trật tự, cùng hỗ trợ nhau, thường gồm:

(1) Lễ rước nước

(2) Lễ mộc dục

(3) Tế gia quan

(4) Lễ thỉnh sắc (đám rước)

Đám rước là trung tâm, là cao trào của hội, thời điểm mạnh của văn hóa làng-xã là gạch nối giữa lễ và hội, bởi không gian, môi trường nghi lễ đã thay đổi cơ bản. Không gian và nghi thức của lễ (trong đám rước) được tiến hành ở miếu hoặc ở đình, nơi trang nghiêm, nơi thờ Thành hoàng. Sau đó đám rước của hội lại tiếp tục diễn ra trong không gian rộng, trên đường và toàn cộng đồng tham gia, với qui mô lớn, có tính dân dã, vui nhộn (mang tính chất hội). Vì tính chất như vậy, nên đám rước có một vị trí “đặc biệt” trong lễ hội, thiết nghĩ có gọi là lễ cũng đúng mà gọi là hội cũng không sai.

(5) Đại tế

(6) Lễ túc trực

(7) Lễ hèm

(8) Lễ hồi sắc

2. Cuộc hội (trong lễ hội dân gian người Việt)

– Hội là cuộc vui chơi bằng vô số hoạt động giải trí công cộng, diễn ra tại một địa điểm nhất định, vào dịp kỷ niệm một sự kiện xã hội hay tự nhiên, nhằm diễn đạt sự phấn khích, hoan hỉ của công chúng tới dự lễ.

– Hội là những sinh hoạt dân dã phóng khoáng, diễn ra trên bãi sân để dân làng cùng bình đẳng, chủ động, tự nguyện tham gia vui chơi giải trí.

– Hội là thành phần ngoài lễ trong các lễ hội cổ truyền, thường được cấu thành từ các loại hình sau:

(1) Trò diễn

– Trò diễn trong lễ hội được sử dụng như một phương tiện để giao cảm với thần linh, chứ không phải tác động vào thế giới tâm hồn của công chúng. Nên mặc dù biểu diễn nghệ thuật thuần túy và trình diễn các trò diễn trong hội đều tái diễn cuộc sống của những người nông dân trồng lúa nước dưới hình thức các thể loại nghệ thuật; nhưng trong các trò diễn ở lễ hội, ngoài yêu cầu nghệ thuật hóa những động tác, những ứng xử thông thường, nó còn phải thực hiện yêu cầu nghi thức hóa (thông qua các tục, trò). Trò diễn ở lễ hội chỉ thực sự có giá trị khi cùng một lúc nó thực hiện được cả hai yêu cầu nghệ thuật hóa và nghi thức hóa. Có như vậy các tục trò mới đẹp hơn nhưng không làm thay đổi nội dung của chúng.

– Một  số trò diễn thường thấy trong các lễ hội cổ truyền như sau:

+ Trò diễn đồng nhất với nghi lễ lấy nước để làm lễ mộc dục.

+ Trò diễn kể lại cuộc đời, chiến công của nhân vật  được phụng thơ.

+ Trò diễn mang tính chất giả định. (trò diễn nghinh ông).

+ Trò diễn mang tính chất nghệ thuật sân khấu. (múa săn, múa xuân ngưu, múa xoan, múa sênh tiền)…

– Nói đến trò diễn là phải nói đến các sinh hoạt văn hóa-văn nghệ  dân gian được hội nhập vào đây như: ca-hát, múa, diễn xướng dân gian… Sự phong phú, đa dạng của các loại hình nghệ thuật dân gian trong các trò diễn đã khiến cho nó mang tính chất vừa trang nghiêm-linh thiêng, vừa trần tục-vui vẻ; vừa hoành tráng vừa kỳ bí.

(2) Trò chơi

– Trò chơi trong các lễ hội thường là trò chơi dân gian rất phong phú, đa dạng có thể kể đến các loại trò sau đây:

+ Trò chơi thượng võ: đấu vật, đua thuyền, đánh đu, tung cầu, kéo co….

+ Trò chơi thi tài khéo tay: thổi cơm, nấu xôi, làm bánh, dệt vải, bện thừng…

+ Trò chơi nghề nghiệp: Trình nghề, cướp kén, đánh cá, đốn củi, đốt pháo…

+ Trò chơi luyến ái: bắt chạch, múa mo, nõ nường…

+ Trò chơi giải trí: cờ người, tổ tôm, thi thơ, thi ca-hát…

+ Trò chơi chiến đấu: diễn trận, ném đá, cờ lau tập trận…

– Hội là sự vận động hối hả, liên tục từ các trò chơi, trò diễn đến cả màu sắc, âm thanh, trạng thái… Đến với hội mọi người luôn tìm thấy một niềm tin vui cộng đồng, một tinh thần cộng cảm, hồ hởi, sảng khoái và hoàn toàn tự nguyện.

(3) Đám tiệc

Hội hè thường đi đôi với “đình đám”, nhưng đó không phải là bữa tiệc-đám tiệc thông thường mà là sự hưởng thụ lễ vật của hội. Thường sau khi mọi nghi thức tế lễ đã xong, mọi cuộc trình diễn đã hoàn tất người ta mới hạ “cổ” để ăn tại chỗ hoặc đem về nhà; những vật phẩm dâng cúng được đem chia đều cho mọi người dự hội cùng hưởng với ý niệm là hưởng “lộc thánh”, bởi lẽ “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”.

3. Thời gian, không gian, địa điểm lễ hội

(1) Thời gian hội: Hầu hết các hội được tổ chức mỗi năm một lần, cá biệt có hội 3-10 năm tổ chức một lần, cũng có hội một năm tổ chức 2 lần. Qui mô lớn hay nhỏ, thời gian mở hội dài hay ngắn là tùy thuộc vào nội dung từng hội cũng như khả năng kinh tế của dân làng trong năm. Hội làng thường được mở vào muà thu, mùa xuân (dịp nông nhàn).

(2) Không gian hội: Có thể diễn ra trong 1 làng hay lan sang các làng khác (hàng tổng) người đi dự hội có khi chỉ là người trong làng cũng có khi từ các làng lân cận cùng tới dự.

(3) Địa điểm mở hội: Phần lớn hội làng thường được mở ở “đình” nhưng cũng có khi ở đền, chùa, miếu, hay liên làng (cùng thờ một thần Thành hoàng)

                                                                                                        Trịnh Đăng Khoa

error: Content is protected !!