Xây nhà hát 1.500 tỷ đồng

Tạp chí Người đưa tin – Báo Pháp luật và Đời sống

Thứ 6, 12/10/2018 | 08:49

XÂY NHÀ HÁT 1.500 TỶ ĐỒNG: TRƯỚC HẾT PHẢI LÀM CHO DÂN TIN   

Nguyễn Thành Nhân |  nguyenthanhnhan310@gmail.com

Trước làn sóng phản đối của dư luận, chuyên gia văn hóa cho rằng, chủ trương đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật của TP.HCM là đúng đắn. Tuy vậy, chính những sai lầm, yếu kém của quản lý Nhà nước trong quá khứ khiến cho người dân chưa thực sự tin tưởng.

Liên quan đến quyết định xây dựng nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch trị giá 1.500 tỷ đồng tại khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) đang khiến dư luận bàn tán, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa, Phó Trưởng khoa Quản lý văn hóa – nghệ thuật, đại học Văn hóa TP.HCM.

Thưa ông, với góc nhìn quản lý văn hóa, ông đánh giá như thế nào về tình hình sử dụng các nhà hát, khu vực biểu diễn nghệ thuật tại TP.HCM hiện nay?

Tình trạng chung của các thiết chế văn hóa nghệ thuật tại TP.HCM đang có nhiều bất cập. Các nhà hát đều đã xuống cấp, hoặc đầu tư xây dựng nhưng chưa hoàn thiện. Hậu quả là khó khăn trong công tác biểu diễn hoặc không khai thác hết công năng để sử dụng. Nhưng chắc chắn, TP.HCM chỉ thiếu cơ sở vật chất chứ không thiếu tài năng của các nghệ sĩ.

Về mặt nghệ thuật, giao hưởng nhạc vũ kịch là một loại hình nghệ thuật cao cấp, thể hiện đẳng cấp không chỉ của văn nghệ sĩ mà còn là bộ mặt của quốc gia, đem lại giá trị nghệ thuật cao cho người thưởng thức. Công trình này không chỉ phục vụ cho công chúng, mà còn để đối ngoại, tương xứng với một thành phố đầu tàu về kinh tế – xã hội của cả nước.

Văn hoá - Xây nhà hát 1.500 tỷ đồng: Trước hết phải làm cho dân tin

Ths Trịnh Đăng Khoa, Phó Trưởng khoa Quản lý văn hóa – nghệ thuật, đại học Văn hóa TP.HCM. (Ảnh: Hà Nhân).

Chủ trương xây dựng nhà hát Nhạc, giao hưởng và kịch nghệ là hoàn toàn đúng nhưng không nên quá vội vàng trong thời điểm này. Dư luận bàn tán, bất đồng quan điểm vì mấu chốt là tính thời điểm. Tuy dự án đã có từ khi thiết kế khu đô thị Thủ Thiêm nhưng thời gian qua, đất đai tại đây luôn là điểm nóng. Người dân bất đồng với chính quyền vì chưa thể an tâm, an lòng, chưa được giải quyết thỏa đáng.

Ngoài vấn đề kinh phí và yếu tố tâm lý khi sai phạm tại khu vực Thủ Thiêm chưa được giải quyết ổn thỏa thì người dân còn nhắc lại bài học từ nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo). Trong đó, việc cải tạo công trình này bị nâng kinh phí và xây dựng không phù hợp biểu diễn càng khiến dư luận băn khoăn. Yếu kém này thuộc về công tác tổ chức quản lý và giám sát xây dựng. Và qua nhiều lần làm không đúng của cơ quan Nhà nước, người dân sẽ bị mất lòng tin. Bây giờ, người dân phản ứng nhà hát mới cũng là điều dễ hiểu.

Vì thế, chính quyền và người dân cần giải quyết các bất đồng bằng đối thoại trước khi khởi công xây dựng. Sự đồng thuận của người dân là quan trọng nhất. Nếu người dân thấy được lợi ích trong tương lai thì tự động sẽ thay đổi cách nhìn nhận.

Nhiều ý kiến cho rằng số tiền 1.500 tỷ đồng là quá lớn, đặc biệt là khi nguồn kinh phí đến từ ngân sách. Vì vậy đã có đề xuất xây dựng nhà hát bằng nguồn vốn xã hội hóa, kêu gọi các đơn vị tư nhân chung tay thực hiện. Ông có quan điểm như thế nào trước đề xuất này?

Xã hội hóa là chủ trương của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua. Và có thể khẳng định, TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc thực hiện đường lối này vời nhiều thành tựu tốt đã đạt được. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta quên đi vai trò lãnh đạo và điều tiết của Nhà nước. Phát triển văn hóa không chỉ cần tiền mà việc định hướng lâu dài với các giá trị thẩm mỹ cũng quan trọng không kém.

Kinh phí lớn thì các đơn vị tư nhân chỉ tham gia khi cảm thấy có lợi, tức là mang về lợi nhuận thì họ mới đầu tư. Vì xét đến cùng, người làm kinh doanh có quan điểm riêng của họ.

Còn phía cơ quan Nhà nước thì ưu tiên cho nhu cầu của người dân, phục vụ lâu dài cho nhiều tầng lớp xã hội. Nên chuyện xây một công trình quy mô lớn như nhà hát Giao hương, Nhạc và Vũ kịch bằng cách xã hội hóa là không khả thi.

 

error: Content is protected !!