Ra mắt Sách VIẾT KỊCH BẢN VÀ ĐẠO DIỄN CHƯƠNG TRÌNH VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

PGS.TS.NGƯT NGUYỄN XUÂN HỒNG giới thiệu Sách VIẾT KỊCH BẢN VÀ ĐẠO DIỄN CHƯƠNG TRÌNH VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Theo tìm hiểu của tôi, tính đến thời điểm này, các sách, công trình khoa học về lĩnh vực viết kịch bản và đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật còn rất hiếm hoi. Bởi vậy, công trình Viết kịch bản và đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật của Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa được ra mắt bạn đọc là đúng thời điểm, cần thiết đối với những người hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Công trình Viết kịch bản và đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật của Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa là thành quả lao động của cả một quá trình: tìm tòi tích lũy – trải nghiệm – sáng tạo.

Là người làm việc cùng khoa chuyên môn với Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa, nên tôi chứng kiến những bước trưởng thành của tác giả. Tác giả là người có năng lực hoạt động văn hóa xã hội, nhưng có duyên với nghệ thuật đạo diễn sự kiện hơn. Từ khi còn là sinh viên chính quy (Phân ban sân khấu), anh là người say mê với nghề mà mình đã chọn, thích tìm tòi, nghiên cứu, tích lũy những kiến thức lý luận văn hóa xã hội để rồi vận dụng sáng tạo những hiểu biết của mình vào thực tiễn. Anh là tác giả kịch bản, đồng thời là đạo diễn nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật khi còn là sinh viên, chẳng hạn như: Chương trình sân khấu hóa Lễ phục hiện rước Bà Chúa Xứ núi Sam (2001); Lễ khai mạc Tuần lễ hội Quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (2002, 2003, 2004, 2005); Đêm hội văn hóa nghệ thuật – Liên hoan Thanh niên tiên tiến toàn quốc ngành Văn hóa Thông tin (2004). Khi theo học Thạc sĩ, Hoạt động văn hóa xã hội – chuyên ngành Văn hóa giải trí tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Văn hóa và Nghệ thuật Matxcơva (LB Nga), anh đạo diễn các chương trình: Khai mạc Tuần Văn hóa Việt Nam tại Moscow – Liên bang Nga (2008); Khai mạc cuộc thi Hoa hậu người Việt Nam tại các nước SNG tại Moscow (2010). Về nước, anh học tiếp Nghiên cứu sinh và tốt nghiệp Tiến sĩ – chuyên ngành Văn hóa học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù vừa học, vừa làm công tác quản lý, giảng dạy nhưng việc dạy/ học luôn song hành với trải nghiệm thực tế và gắn bó anh với nhiều chương trình: Gala âm nhạc Đà Lạt tình xuân (Festival Hoa Đà lạt, 2012); Khai mạc Lễ hội trái cây ngon – an toàn tại Chợ Lách, Bến Tre (2015);  Thương ca tiếng Việt (2019); Nam Bộ – Thành phố Hồ Chí Minh rạng ngời mùa thu cách mạng (2020)…

Trịnh Đăng Khoa quê tỉnh An Giang nhưng anh có duyên nợ với cả vùng đất Trung – Nam Bộ. Không chỉ có nơi “chôn rau cắt rốn” mà văn hóa vùng miền nuôi dưỡng năng lực, cảm hứng sáng tạo trong anh. Bởi thế, các chương trình mà anh làm được tiếp cận toàn diện, đa dạng, phong phú về đề tài, sắc thái, quy mô cấp độ, phương pháp dàn dựng uyển chuyển, hài hòa giữa chất liệu văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại tạo nên một phong cách riêng – phong cách Trịnh Đăng Khoa. Những thành quả đạt được rất đáng trân trọng, nó là cả một quá trình tích lũy kiến thức, trải nghiệm và rèn luyện năng lực sáng tạo của tác giả.

Là người nghiên cứu giảng dạy về đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật, Trịnh Đăng Khoa đã đúc kết những kinh nghiệm làm nghề của mình trong công trình Viết kịch bản và đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật. Đây là công trình được biên soạn công phu, nội dung kết cấu logic, chặt chẽ từ kiến thức lý luận về chương trình văn hóa nghệ thuật (Chương 1) đến phương pháp, kỹ năng viết kịch bản chương trình văn hóa nghệ thuật (Chương 2) và triển khai các công đoạn của đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật (Chương 3). Trong từng chương mục của công trình đề cập cụ thể, chi tiết, kèm theo các sơ đồ, bảng mẫu theo từng chủ đề của chương trình văn hóa nghệ thuật. Điều này minh chứng năng lực khoa học, năng lực sáng tạo trong công trình Viết kịch bản và đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật của Tiến sĩ Trịnh đăng Khoa. Công trình có giá trị lý luận đồng thời là cẩm nang hành nghề cho những nhà viết kịch bản và đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật. Công trình còn có giá trị tham khảo trong nghiên cứu giảng dạy văn hóa nghệ thuật đối với các trường, viện, đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật hiện nay.

Chúc mừng Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa đã hoàn thành công trình của mình.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 12 năm 2020

Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú

NGUYỄN XUÂN HỒNG

Link đọc thêm: PGS.TS Nguyen Xuan Hong gioi thieu sach TĐK

GS.TS.NSND LÊ NGỌC CANH giới thiệu Sách VIẾT KỊCH BẢN VÀ ĐẠO DIỄN CHƯƠNG TRÌNH VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Được biết, Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa là một nhà nghiên cứu có kiến thức, hiểu biết nghề nghiệp thấu đáo, có nghị lực, ý chí mạnh mẽ, ham học hỏi, say mê nghề nghiệp, vượt nhiều khó khăn để đi tới đích đã chọn. Đó là cơ sở quan trọng để hoàn thành công trình: Viết kịch bản và đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật.

Đây là kết quả dồn tụ tích lũy của quá trình nghiên cứu, lao động, sáng tạo trong nhiều năm, đáng được ghi nhận, trân trọng. Công trình sách đề cập tới nhiều vấn đề có tính lý luận và thực tiễn, trải nghiệm về công tác đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật, một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu và độc giả quan tâm. Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa đã qua nhiều năm trực tiếp làm công tác giảng dạy và viết kịch bản, đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật nhiều dạng, nhiều loại hình với quy mô, cấp độ khác nhau, rất phong phú, đa dạng, đa chủng loại.

Từ thực tiễn trải nghiệm, tác giả đã hệ thống đúc kết thành lý luận, lý luận khởi nguồn từ thực tiễn, thực tiễn chứng minh cho lý luận. Đó là định hướng nghiên cứu để hoàn thành công trình sách: Viết kịch bản và đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật.

Điều này được thể hiện qua kết cấu của công trình, gồm những phần chính yếu sau:

Chương 1: Khái luận chương trình văn hóa nghệ thuật.

Chương 2: Viết kịch bản chương trình văn hóa nghệ thuật.

Chương 3: Đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật.

Các chương đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, chương trước là tiền đề cho chương sau.

Công trình là cẩm nang hành nghề của tác giả, không những thế còn là tài liệu tham khảo rất hữu ích, rất cần thiết cho những nhà công tác đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật, chương trình tổng hợp nhiều loại hình, nhiều chủng loại văn hóa nghệ thuật.

Các chương mục đề cập tới một quy trình rất chi tiết, cụ thể từng bước, từng giai đoạn tổ chức khoa học để tiến hành một chương trình văn hóa nghệ thuật. Điều này đã thể hiện đầy đủ về cơ sở lý luận và kỹ thuật để thực hiện chương trình nghệ thuật tổng hợp với nhiều dạng chủ đề khác nhau.

Kèm theo là các sơ đồ, bảng mẫu của từng chủ đề của chương trình văn hóa nghệ thuật, đem lại sự thuận lợi cho bạn đọc khi tiếp nhận nội dung của công trình.

Là người trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn cho tới lúc trở thành người đồng nghề, đồng nghiệp với tác giả, khi đọc công trình sách đầu tay này của tác giả Trịnh Đăng Khoa đem lại cho tôi nhiều hứng thú, thu hút. Cảm nhận về một công trình khoa học tràn đầy tâm huyết yêu nghề và tri thức, hiểu biết nghề nghiệp của tác giả. Cảm nhận về ý chí, tài năng, ý tưởng kiến thức tích lũy dồn tụ để thực hiện thành công công trình sách mà tác giả ấp ủ, yêu thương chắt chiu trong nhiều năm.

Xin chia vui, chúc mừng tác giả đã hoàn thành công trình nghiên cứu của mình thành công tốt đẹp.

                                                             Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2020

                                                           Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân 

                                                                                        LÊ NGỌC CANH  

Link đọc thêm: GS.TS Le Ngoc Canh gioi thieu sach TĐK

error: Content is protected !!